Giàn trầu thơm thảo ấm áp yêu thương

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ câu chuyện của Thanh Hải về giàn trầu ấm áp yêu thương của mẹ.

Không biết bao nhiêu lần mẹ kể cho chị em tôi nghe chuyện bà ngoại ngày xưa nghiện trầu. Nghe đến quen mà lần nào tôi cũng thấy rưng rưng. Mẹ kể lúc nào ngoại cũng mang theo cái túi vải nhỏ, bên trong là mấy miếng cau, một vài lá trầu đã vàng úa, dăm ba cái vỏ rễ cây chay héo quắt và cái ống vôi bé như ngón tay cái.

Một lần ngoại ra đồng cấy hộ nhà tôi từ khi trời còn tối đất, đi vội nên quên không mang theo cái túi nhỏ ấy. Nửa buổi, ngoại thèm trầu mắt mờ đi, chân tay bủn rủn. Ngoại nói với con gái mình mà giọng khẩn khoản đến tội nghiệp: "Cho u chạy ù về nhà một tẹo, u lấy túi trầu rồi lại ra cấy tiếp". Nhìn đám ruộng đang cấy dở với những đon mạ vứt ngổn ngang, mẹ tôi sốt ruột mà khẽ gắt lên: "Có mỗi cái túi trầu mà u cũng quên. Đồng xa thế này, giờ u đi bộ về ăn được miếng trầu, ra đến ruộng cũng trưa mất". Thấy bố tôi vẫn đang be bờ ở phía trên, chắc ngoại e ngại nên không về nữa, suốt cả buổi sáng bị cơn nghiện trầu hành hạ. Cứ nhắc đến kỉ niệm ấy là mẹ tôi lại trào nước mắt.

Ngoại đã cưỡi hạc xe mây về nơi tiên cảnh, giàn trầu của ngoại cũng dần tàn lụi. Mẹ tôi cắt một dây về trồng như để tưởng nhớ về ngoại với niềm yêu thương và cả nỗi ân hận xa xót khôn nguôi.

Ảnh minh họa: Baohatinh

Giàn trầu mẹ trồng là giống trầu lá nhỏ dày và giòn. Mẹ bảo loại trầu ấy ăn đượm vị hơn loại lá to bản. Bữa nào nhà nấu cơm, mẹ cũng nhắc các cháu chắt lại nước vo gạo vào cái âu nhỏ để tối đến mẹ lại leo lên tận tầng ba tưới cho cây trầu. Mẹ chăm chút giàn trầu như thể một thói quen tuổi già. Nhìn những bước đi chậm chạp nặng nhọc của mẹ khi leo cầu thang mà bao lần tôi xót xa bảo mẹ bỏ giàn trầu đó đi. Mẹ chỉ cười nói, có giàn trầu để ấm nhà. Mẹ sợ vía người khác chạm vào là nó lụi mất. Mẹ còn leo được cứ để mẹ lên như là tập thể dục.

Mùa đông, biết tôi mắc chứng lạnh chân khó ngủ, cứ vài ngày mẹ lại hái cả túi lá trầu cho tôi mang về đun nước ngâm chân. Thau nước ấm sực, hơi trầu thoang thoảng. Tôi ngâm chân để mong có giấc ngủ ngon, nhưng trong sâu thẳm là muốn tận hưởng cảm giác ấm áp yêu thương khi còn được mẹ quan tâm chăm chút. Hơn bốn mươi tuổi nhưng tôi vẫn muốn được nằm trong lòng mẹ, muốn cầm đôi bàn tay gầy guộc lúc nào cũng thơm mùi trầu của mẹ mà hít hà và cảm thấy chẳng có niềm hạnh phúc nào ngọt ngào hơn thế.

Nhà có hai anh con rể hay ăn trầu, lần nào đến chơi, mẹ cũng chỉ xăm xắn lấy trầu cau ra mời khẩn khoản như mời khách. Có lần tôi ghé qua nhà, mẹ mang mấy quả cau ra và bảo mang về cho chồng ăn. Mẹ lại leo lên sân thượng để hái lá trầu. Mẹ nhất định không cho tôi lên hái vì sợ trầu phải vía. Đón lấy mấy quả cau và lá trầu mẹ đưa mà ngực tôi chợt nghèn nghẹn, khóe mắt cay cay. Vì tôi biết mình cầm về cho vừa lòng mẹ, chứ con rể mẹ cũng đâu nghiện trầu, thi thoảng vào nhà mẹ ăn trầu góp để cho mẹ vui. Chỗ cau này có khi chỉ được dùng góc phần tư quả, nhưng thế nào vài hôm nữa con rể vào chơi cũng sẽ bảo: "Quả cau hôm trước mẹ cho ngon thật đấy, lá trầu lại rất giòn, con ăn mà say mãi". Chỉ vậy thôi mà mắt mẹ sẽ lấp lánh cười. Niềm vui của người già vô cùng giản dị. Đôi khi chỉ là một câu nói ấm lòng, chỉ là cách con cái cố chiều theo ý thích tưởng chừng như lẩn thẩn của cha mẹ.

Ảnh minh họa

Nhìn bàn tay của mẹ nhăn nheo gân guốc, cái móng tay dày cộm thâm màu nhựa trầu mà thấy thương quá đỗi. Bàn tay ấy nuôi lớn bốn đứa con, rồi lại chăm tám đứa cháu. Có đứa cháu đã lấy vợ lấy chồng. Mẹ có thêm ba đứa chắt. Lại vẫn là những lá trầu vàng vò giập bọc vào trong tấm khăn xô, ấp vào rốn đứa nhỏ mỗi lần nó quấy khóc vì đầy bụng. Rồi mẹ lại hát ru, ôm ấp, dỗ dành cho đứa chắt ngủ ngoan lành. Kinh nghiệm dân gian và tấm lòng nồng hậu ấp iu của người già nhiều khi có hiệu quả đến bất ngờ.

Yêu mẹ và yêu cả giàn trầu của mẹ. Mẹ trồng khóm trầu có phải chỉ riêng cho mẹ. Khi họ hàng làng xóm có đám hiếu đám hỷ, mẹ lại cẩn thận hái những lá trầu thật ngon mang đến đám. Tuần rằm mùng một hay ngày Tết lại hái cho các con mang về thắp hương. Giàn trầu thơm thảo, ấm áp yêu thương, ấm nồng tình mẹ…

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?