Giáo hoàng, 'giương cờ trắng' và sự chia rẽ của phương Tây
Ẩn ý của Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis trong một cuộc phỏng vấn gần đây khẳng định, Ukraine nên có lòng can đảm giương "cờ trắng" và đàm phán chấm dứt chiến tranh với Nga. Bình luận này được Giáo hoàng Francis đưa ra trong cuộc phỏng vấn ghi hình vào tháng trước với đài truyền hình Thụy Sĩ RSI và được phát sóng một phần hôm 10/3.
Trong cuộc phỏng vấn, Giáo hoàng Francis đã được hỏi về quan điểm của mình trong cuộc tranh luận giữa những bên cho rằng Ukraine nên từ bỏ vì nước này không thể đẩy lùi các lực lượng Nga, và những người cho rằng làm như vậy sẽ hợp pháp hóa hành động của bên mạnh hơn. Người phỏng vấn đã sử dụng thuật ngữ "cờ trắng" trong câu hỏi.
Giáo hoàng Francis cho biết: “Tôi nghĩ rằng người mạnh mẽ nhất là người nhìn thấy tình hình, nghĩ đến người dân, và có lòng dũng cảm để giương cờ trắng đàm phán. Đàm phán cũng là một dũng khí. Khi anh thấy rằng mình đã thua, rằng mọi việc không diễn ra tốt đẹp, anh cần phải có can đảm để thương lượng. Anh có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng việc đó cứu được bao nhiêu mạng sống? Hãy thương lượng kịp thời và tìm một quốc gia nào đó làm trung gian hòa giải. Đừng xấu hổ khi thương lượng trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Đàm phán không bao giờ có nghĩa là đầu hàng. Đó là sự can đảm để không dẫn đất nước đến chỗ tự sát.".
Đây là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng sử dụng những thuật ngữ như "cờ trắng" khi thảo luận về cuộc chiến tại Ukraine, mặc dù trước đây ông đã từng khẳng định sự cần thiết phải ngồi vào đàm phán để đạt được hòa bình.
Trước đó, trong bài phát biểu hôm 25/2 nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày nổ ra xung đột Nga – Ukraine, Giaó hoàng Francis cũng kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến ở Ukraine.
Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Biết bao nạn nhân, bị thương và thiệt mạng, phải chịu đau khổ và rơi nước mắt trong một thời kỳ đang trở nên dài khủng khiếp và chưa thấy hồi kết. Đó là một cuộc chiến không chỉ tàn phá khu vực châu Âu mà còn gây ra làn sóng sợ hãi và hận thù toàn cầu. Tôi kêu gọi tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài".
Những phản ứng trái chiều
Những phát biểu của Giáo hoàng Francis, người vốn được coi là nhà lãnh đạo tối cao của 1,3 tỷ tín đồ Công giáo La Mã trên thế giới, đã lan truyền như một cơn lốc trên các phương tiện truyền thông. Trong khi Nga coi lời kêu gọi đàm phán của Giáo hoàng nhằm chấm dứt xung đột là điều "khá dễ hiểu" thì những phát biểu này lại gây ra sự phẫn nộ tại Ukraine và các quốc gia đồng minh của Kiev. Các quan chức Ukraine và các nước phương Tây coi đây là lời kêu gọi Ukraine đầu hàng Nga và đã có phản ứng mạnh mẽ. Tất cả những điều này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phương Tây liên quan đến cuộc xung đột, bởi lâu nay Tòa thánh Vatican được cho là thường có quan điểm tương đồng với phương Tây trong các vấn đề nóng trên thế giới.
Trong một tuyên bố hôm 10/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, dù không đề cập cụ thể đến Giáo hoàng Francis, nhưng đã tuyên bố rằng lời kêu gọi đàm phán với Nga là nỗ lực "hòa giải ảo".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay: “Tôi biết ơn mọi giáo sĩ Ukraine đang đồng hành cùng quân đội. Họ hỗ trợ chúng tôi bằng lời cầu nguyện, bằng lời nói và bằng việc làm. Hội thánh với dân chúng là như vậy chứ không phải ở đâu đó cách đây hai nghìn rưỡi km”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba khẳng định: "Cờ của chúng tôi màu vàng và xanh lam. Chúng tôi sẽ luôn sống, chết và chiến thắng vì màu cờ này. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương bất kỳ lá cờ nào khác".
Tiếp nối những phản ứng thể hiện sự giận giữ, Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 11/3 đã triệu tập Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, đặc phái viên Tòa thánh tại Kiev, để bày tỏ thất vọng với những lời của Giáo hoàng liên quan đến "cờ trắng".
Một số quan chức các nước phương Tây ủng hộ Kiev cũng chỉ trích tuyên bố của Giáo hoàng, trong đó Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski gợi ý rằng Giáo hoàng nên "khuyến khích Tổng thống Nga Putin có can đảm rút quân khỏi Ukraine"
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì cho rằng: "Nếu chúng ta muốn một giải pháp thương lượng, hòa bình và lâu dài, cách để đạt được điều đó là cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine bởi vì những gì diễn ra xung quanh bàn đàm phán có mối liên hệ chặt chẽ với sức mạnh trên chiến trường".
Trong khi đó, Nga nói rằng lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis về việc đối thoại để chấm dứt xung đột ở Ukraine thực chất là lời kêu gọi phương Tây từ bỏ tham vọng đánh bại Nga và thừa nhận sai lầm ở Ukraine. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Moscow coi những bình luận của Giáo hoàng Francis về cuộc xung đột ở Ukraine không phải là lời kêu gọi Ukraine đầu hàng, mà hướng tới khởi động các cuộc đàm phán hòa bình. Những bình luận này tương tự như những lời kêu gọi mà Moscow đã nhiều lần đưa ra.
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin phát biểu: "Ý tưởng mà Đức Giáo Hoàng nói đến là khá dễ hiểu. Bạn biết đấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói về sự sẵn sàng và cởi mở của chúng tôi trong việc giải quyết các vấn đề của mình thông qua đàm phán và đây là cách được ưu tiên".
Ngay cả sau khi các cuộc đàm phán giữa Mátxcơva và Kiev đổ vỡ vào mùa xuân năm 2022 do phía Ukraina, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa và đổ lỗi cho chính quyền Ukraine về việc thiếu đột phá ngoại giao.
Tuy nhiên, Kiev và những người ủng hộ phương Tây đã nhấn mạnh rằng chỉ có thể đạt được thỏa thuận theo các điều khoản của Ukraine và đang thúc đẩy cái gọi là công thức hòa bình do Tổng thống Zelensky đề xuất, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ quân một cách vô điều kiện, khôi phục đường biên giới năm 1991 của Ukraine và tiến hành thủ tục để buộc Nga chịu trách nhiệm cho các hành động của mình. Nga tuyên bố nước này không thể tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với những yêu cầu vô lý như vậy.
Trong suốt hơn 2 năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Giaó hoàng Francis đã cố gắng duy trì tính trung lập ngoại giao truyền thống của Toà thánh Vatican, nhưng đây không phải là lần đầu tiên ông có những tuyên bố gây tranh cãi về cuộc xung đột. Vào tháng 8, Giáo hoàng đã ca ngợi nước Nga tại một hội nghị truyền hình với giới trẻ Công giáo Nga, những người mà ông gọi là "những người thừa kế của nước Nga vĩ đại". Toà thánh Vatican sau đó đã buộc phải đưa ra lời giải thích rằng giáo hoàng không có ý khuyến khích cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Bất chấp điều đó, Giáo hoàng Francis vẫn dành nhiều lời ca ngợi các Sa hoàng như Peter Đại đế, hay bày tỏ sự đồng cảm với lý do căn bản khiến Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chẳng hạn như việc NATO mở rộng về phía đông.
Cơ sở cho lời kêu gọi của Giáo hoàng
Sau phát biểu mới nhất của Giaó hoàng, phát ngôn viên toà thánh Vatican Matteo Bruni đã giải thích rằng: "Điều Giáo hoàng muốn nói không phải là Ukraine nên 'giương cờ trắng đầu hàng', thay vào đó là kêu gọi chấm dứt giao tranh. Những lời phát biểu của Giáo hoàng không phải là không có cơ sở. hiện nay, trên chiến trường, Nga đang giành ưu thế, trong khi quân đội Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn từ nhân lực đến vũ khí, đạn dược".
Binh sĩ Ukraine chiến đấu gần thành phố Bakhmut của Ukraine cho biết họ đang ưu tiên sử dụng máy bay không người lái để tiết kiệm đạn dược. Sau 2 năm xung đột, nhu cầu cấp thiết nhất đối với Ukraine hiện nay là đạn pháo.
Trong khi đó, một báo cáo tình báo của NATO mới đây tiết lộ, Nga dường như đang trên đà sản xuất số lượng đạn pháo gần gấp ba lần so với Mỹ và châu Âu, một lợi thế quan trọng nhằm chuẩn bị cho một cuộc phản công có thể diễn ra vào cuối năm nay. Theo một quan chức tình báo cấp cao của châu Âu, Nga đang sản xuất khoảng 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, tương đương khoảng 3 triệu quả mỗi năm, trong khi Mỹ và châu Âu chỉ có khả năng sản xuất khoảng 1,2 triệu quả đạn mỗi năm để gửi tới Kiev.
Quân đội Mỹ đang đặt mục tiêu sản xuất 100.000 viên đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025 - chưa bằng một nửa sản lượng hàng tháng của Nga - và thậm chí con số đó hiện nằm ngoài tầm với khi khoản tài trợ 60 tỷ USD cho Ukraine bị đình trệ tại Quốc hội.
Các quan chức tình báo phương Tây cho biết Nga hiện đang bắn khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày, so với chỉ 2.000 quả mỗi ngày từ phía Ukraine. Tỷ lệ này còn tồi tệ hơn ở một số nơi dọc theo mặt trận dài hơn 1.000 km. Trong khi đó, Nga gần đây đã kiểm soát thành phố Avdiivka của Ukraine và được nhiều người đánh giá là có thế chủ động trên chiến trường. Ukraine đang gặp khó khăn không chỉ về đạn dược mà còn thiếu nhân lực ngày càng tăng ở tiền tuyến.
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine một số hệ thống vũ khí rất tinh vi, bao gồm xe tăng M-1 Abrams và sắp tới là máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng kết quả cuộc chiến có thể được định đoạn tùy thuộc vào việc ai bắn nhiều đạn pháo nhất.
Anh Oleksandr - Binh sỹ Ukraine chia sẻ: "Đối phương đang tiến về phía trước. Họ đang tiến hành các hoạt động tấn công tích cực trên năm hướng. Đối phương đông hơn nên ở một số nơi họ đã xuyên thủng phòng tuyến của chúng tôi. Tôi không có cảm giác rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc".
NATO lục đục về kế hoạch đưa quân đến Ukraine
Không phải đến khi cuộc phỏng vấn của Giaó hoàng với đài truyền hình Thụy Sĩ RSI được công bố, những rạn nứt trong nội bộ các nước phương Tây liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine mới được bộc lộ. Thời gian gần đây, tranh cãi giữa các nước NATO liên quan đến khả năng triển khai bộ binh đến Ukraine đã một lần nữa khiến mối quan hệ giữa các thành viên liên minh quân sự này rơi vào cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã chọc giận các đồng minh NATO khi cho rằng, phương Tây có thể sẽ buộc phải đưa quân tới Ukraine, báo trước một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga mà liên minh quân sự lâu nay luôn muốn tránh.
Ngay lập tức, một loạt nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Cộng hòa Séc, Phần Lan và Thụy Điển, lên tiếng bác bỏ đề xuất triển khai quân của Pháp.
Tướng Pat Ryder - Người phát ngôn Lầu Năm Góc phát biểu: "Chúng tôi không có kế hoạch cử quân nhân Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine. Tổng thống đã nói khá rõ về điều đó và đó tiếp tục là quan điểm của chúng tôi".
Thủ Tướng Séc Petr Fiala cho biết: "Cộng hòa Séc sẽ không gửi quân tới Ukraine".
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho hay: “Bạn có thể gửi tất cả vũ khí trên thế giới đến Ukraine. Bạn có thể gửi rất nhiều tiền ở đó. Bạn có thể gửi rất nhiều sự trợ giúp về mặt hậu cần. Theo quan điểm của tôi: cuộc chiến này không có giải pháp quân sự”.
Ba Lan ban đầu cũng tuyên bố không điều binh sĩ tới Ukraine. Tuy nhiên, hôm 8/3, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski cho biết sự xuất hiện của các lực lượng NATO ở Ukraine "không phải là không thể tưởng tượng được".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Crosetto khẳng định "Pháp và Ba Lan có thể tự lên tiếng, nhưng không phải thay mặt NATO".
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius mới đây cũng kêu gọi chấm dứt cuộc tranh luận về khả năng triển khai bộ binh từ các nước phương Tây tới Ukraine.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh gói viện trợ cho Ukraine của Mỹ đang bị treo tại quốc hội. Các nhà lập pháp đảng Cộng hoà tại Hạ viện nói rõ rằng họ sẽ chỉ nhượng bộ gói viện trợ 60 tỷ USD cho Kiev nếu Nhà Trắng đồng ý thắt chặt kiểm soát biên giới của Mỹ và ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Mexico.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người vừa có gặp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 8/3, cho biết nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ông Donald Trump sẽ không chi một xu nào cho Ukraine để chống lại Nga. Bản thân Hungary dù là thành viên NATO nhưng đã từ chối chuyển vũ khí cho Kiev với lý do Ukraine không thể thắng Nga. Ngoài ra, Hungary vẫn giữ quan hệ kinh tế với Moscow kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Thủ tướng Hungary đã gặp Tổng thống Nga Putin tại Trung Quốc hồi tháng 10/2023 bất chấp nỗ lực cô lập Moscow của Liên minh châu Âu (EU).
Nga mới đây đã yêu cầu Hội đồng Bảo an tổ chức phiên họp để thảo luận LÀM RÕ ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai binh sỹ NATO tới Ukraine, cảnh báo việc phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa Nga và NATO. Trước nguy cơ ấy, những lời kêu gọi đàm phán như của Giaó hoàng Francis cũng là điều dễ hiểu. Bởi cuối cùng, bất kỳ cuộc xung đột nào rồi cũng sẽ phải kết thúc trên bàn đàm phán, và quan trọng là bên nào đủ tính táo, quốc gia nào đặt lợi ích của đất nước, tính mạng của nhân dân cao hơn vai trò xung kích trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghzi đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran trong bối cảnh diễn biến quốc tế bị chi phối bởi việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.
Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?
Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.
Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
0