Giao thông đường thủy Mỹ xáo trộn do sập cầu ở Baltimore
Những diễn biến chính của vụ sập cầu
Rạng sáng 26/3 theo giờ Mỹ, một tàu chở container tên Dali, treo cờ Singapore, đã đâm vào một trong những trụ đỡ trung tâm của cây cầu Francis Scott Key tại khu vực cảng Baltimore. Cây cầu bốn làn xe dài 2,6 km bắc qua sông Patapsco và đóng vai trò là điểm giao nhau ngoài cùng của bến cảng Baltimore. Đây cũng là điểm nối thiết yếu của I-695, hay đường vành đai Baltimore.
Cảnh sát bang Maryland cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, trên cầu có một đội xây dựng 8 người đang sửa chữa cầu. Họ đã rơi từ độ cao 56m xuống sông. 6 người rơi xuống nước mất tích và được cho là đã tử vong. Ngày 27/3 (theo giờ địa phương), cơ quan chức năng đã tìm thấy hai thi thể trong số 6 người này. Ngoài ra, có hai người được cứu sống, trong đó có một người bị thương nặng.
Thống đốc bang Maryland cho biết các nhà chức trách đã cứu sống nhiều người bằng cách ngăn chặn các phương tiện đi qua cầu sau khi con tàu gửi tín hiệu khẩn cấp. Trước khi sự cố xảy ra, thủy thủ tàu Dali thông báo động cơ ngừng hoạt động, toàn bộ con tàu bị mất điện và không thể điều khiển. Họ đã cố gắng thả neo nhưng không ngăn được con tàu trôi tự do với vận tốc khoảng 15 km/h và đâm vào một trụ cầu. Thủy thủ đoàn đã cố gắng ra tín hiệu cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện trước khi thực sự lao vào cây cầu, giúp các quan chức Baltimore kịp ngăn chặn các phương tiện lưu thông trên tàu. Vụ va chạm khiến các nhịp chính của cầu đứt gãy, rơi xuống sông và chắn ngang luồng lưu thông đường thủy qua tuyến đường huyết mạch này.
Phần khung thép của cầu Francis Scott Key rơi xuống sông, trơ lại trụ cầu sau vụ tai nạn. Nhiều người mô tả cú đâm gây rung chấn như động đất và cảnh tượng trên sông giống như cảnh tượng của bãi chiến trường.
Tôi đang trong ca làm việc của mình.Trước mặt tôi là một xe đẩy chứa đầy các gói hàng. Bất ngờ, toàn bộ chiếc xe rung chuyển. Những người xung quanh tôi đều cảm thấy như nghe thấy tiếng sấm vậy. Khi chúng tôi chạy ra ngoài xem có chuyện gì thực sự xảy ra thì đã thấy cây cầu đổ sập rồi.
Chị Jayme Krause - Người dân Mỹ.
Thống đốc bang Maryland Wes Moore đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người mất tích sau khi cây cầu sập xuống sông Patapsco và cho biết vụ sập cầu là một sự kiện gây sốc và đau lòng đối với người dân Maryland, những người đã sử dụng cây cầu trong 47 năm qua và gắn bó với họ như một phần kí ức.
Cơ quan Giao thông Vận tải bang Maryland cho biết tất cả làn đường ở cả hai đầu cầu đã bị phong tỏa và giao thông đang được điều phối chuyển sang hướng khác. Về phần cầu Francis Scott Key, Thống đốc bang Maryland Wes Moore cho biết cây cầu đã hoạt động đúng quy định và không có vấn đề gì về cấu trúc. Cảnh sát Baltimore cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy vụ tàu hàng đâm sập cầu là do khủng bố.
Tàu Dali thuộc sở hữu của Công ty Grace Ocean Private, do hãng Synergy Marine, có trụ sở tại Singapore quản lý nhưng đã được hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch thuê để vận chuyển hàng hóa. Tàu dài khoảng 300 m, rộng khoảng 48 m, tương tự ba sân bóng đá nối tiếp nhau. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, tàu khổng lồ 95.000 tấn chở theo 22 thủy thủ đoàn và được chất đầy thùng hàng container. Tất cả thành viên thủy thủ đoàn đều đã được xác định danh tính và không có báo cáo nào về thương tích trên tàu. Được biết, con tàu này từng gây ra va chạm vào một cầu cảng ở thành phố Antwerp (Bỉ) hồi năm 2016.
Nguyên nhân khiến cây cầu đổ sập trong tích tắc
Có nhiều câu hỏi về vụ va chạm, bao gồm tại sao con tàu lại đâm thẳng vào cây cầu và tại sao cầu sụp đổ quá nhanh ngay khi tai nạn xảy ra. Các chuyên gia cho biết có thể còn quá sớm để nói chính xác những gì xảy ra trong vụ va chạm và sụp đổ sau đó. Các kỹ sư cho biết rất có thể xảy ra hậu quả thảm khốc khi một con tàu cỡ Dali đâm thẳng vào cầu. Vụ tai nạn cho thấy mức độ bảo vệ xung quanh các trụ cầu khỏi tác động mạnh của các con tàu còn yếu và đây cũng được xem là lời cảnh báo đối với các cây cầu tương tự ở khu vực giao thông đông đúc.
Theo các chuyên gia, thiết kế như cầu Fancis Scott Key vô cùng phổ biến tại các tuyến đường quốc lộ vùng bờ biển tại Mỹ đặc biệt là vào thập niên 70. Những trụ cầu chỉ đủ giữ và nối các nhịp cầu nhưng chưa tính đến kích thước khổng lồ và sức mạnh của những con tàu chạy bên dưới ngày nay. Dù đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và quy định về thiết kế ở thập niên 1970, cầu Baltimore Key có thể không trang bị biện pháp bảo vệ để ứng phó với chuyển động của tàu thời nay, trong trường hợp này là một tàu chở hàng khổng lồ như Dali.
Đây là một cây cầu kéo dài trên ba nhịp, có hai trụ chính và không được chống đỡ ở hai đầu cầu. Vì vậy, tất cả các kết cấu của cầu đều đóng vai trò quan trọng trong việc chịu tải. Khi bạn chỉ rút ra một phần kết cấu thôi là các phần còn lại sẽ bị phá huỷ theo. Mặc dù đây là cách xây cầu giúp tiết kiệm chi phí và vật tư xây dựng, điều này đồng nghĩa các cây cầu sẽ không có khả năng chống chịu lực tác động mạnh như tai nạn vừa rồi.
Ông David Knight - Viện kỹ sư xây dựng Vương quốc Anh
Theo báo cáo năm 2018 của Hiệp hội Cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy thế giới, Mỹ chiếm phần lớn trong số 35 vụ sập cầu do tàu hoặc sà lan gây ra từ năm 1960 đến năm 2015. Rủi ro va chạm cao hơn khi thương mại hàng hóa quốc tế tăng lên và tàu ngày càng lớn hơn.
Vụ sập cầu ở Baltimore xảy ra 9 năm sau khi Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về “tình trạng xuống cấp nghiêm trọng” của các con đường và cây cầu của nước Mỹ. Một báo cáo năm 2021 của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Hoa Kỳ cho thấy 42% cây cầu đã hơn 50 tuổi và 7,5% được đánh giá là “thiếu kết cấu”.
Các cây cầu với tuổi thọ ngày càng tăng đang gồng mình trước tải trọng lớn và thiếu kinh phí để sửa chữa.
Theo Hiệp hội Xây dựng đường bộ và giao thông Hoa Kỳ, hơn một phần ba nhịp cầu tại Mỹ cần được sửa chữa và thay thế, và việc này sẽ tiêu tốn hơn 319 tỷ USD.
Nguy cơ hiện hữu đó thúc đẩy xây dựng cầu hiện đại với khả năng chống va chạm. Giới kỹ sư đã phát triển một loạt yêu cầu và giải pháp an toàn nhằm đảm bảo độ kiên cố của cầu trong trường hợp va chạm.
Những cây cầu lớn bắc ngang qua tuyến đường biển đòi hỏi biện pháp bảo vệ chân cầu và trụ đỡ. Biện pháp bảo vệ có nhiều dạng khác nhau, theo Robert Benaim, nhà thiết kế cầu kiêm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia, đó có thể là dạng bảo vệ kết cấu như chèn cấu trúc làm bằng thép dưới đáy biển để ngăn hoặc chuyển hướng tàu. Ngoài ra, có thể sử dụng đảo nhân tạo đối với tàu lớn, khiến tàu không bao giờ tới gần chân cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng lại cầu Francis Scott Key trong thời gian sớm nhất có thể và nhấn mạnh thêm rằng toàn bộ chi phí xây dựng lại cây cầu sẽ do Chính phủ liên bang chi trả.
Tôi mong rằng Chính phủ liên bang sẽ thanh toán toàn bộ chi phí để xây dựng lại cây cầu và tôi cũng hy vọng Quốc hội sẽ ủng hộ nỗ lực này của tôi. Những người dân Baltimore có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ trên mọi bước đường cho tới khi cảng Baltimore được mở cửa trở lại và cây cầu Francis Scott Key được xây dựng lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, có thể phải mất nhiều tuần cảng Baltimore mới có thể hoạt động trở lại bởi cơ quan chức năng phải dọn dẹp cây cầu bị sập cũng như con tàu container dài gần 300m gây ra vụ việc khỏi lòng sông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Pete Buttigieg: “Cây cầu Francis Scott Key là một trong những biểu tượng hạ tầng của nước Mỹ. Hành trình đưa mọi thứ trở lại bình thường sẽ không dễ dàng, không thể nhanh chóng và sẽ tốn kém. Nhưng chúng ta sẽ cùng nhau làm việc này”.
Tác động của vụ sập cầu
Cầu Francis Scott Key là tuyến đường chiến lược nối hai phần của thành phố Baltimore qua sông Patapsco, là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với nền kinh tế ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Vụ sập cầu đã làm gián đoạn vô thời hạn dòng tàu ra vào cảng Baltimore, gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế địa phương, làm căng thẳng chuỗi cung ứng và gây xáo trộn việc giao hàng dọc bờ Đông nước Mỹ. Các công ty vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và có thể là cả người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận được tác động kéo dài trong nhiều tuần nữa.
Cầu Francis Scott Key là một trong ba con đường nối đến cảng Baltimore, được coi là huyết mạch vận tải với trung bình 31.000 ô tô đi qua mỗi ngày, 11,3 triệu phương tiện đi qua mỗi năm.
Giao thông tại cảng Baltimore đã bị đình trệ sau sự cố. Đây là một trong những cảng container nhỏ nhất trên bờ biển Đông Bắc Mỹ, chỉ xử lý khoảng một phần mười khối lượng đi qua cảng New York và New Jersey.
Tuy nhiên, đây lại là cảng lớn nhất của Mỹ về khối lượng vận chuyển máy móc nông nghiệp và xây dựng, cũng như các sản phẩm nông nghiệp như đường và muối.
Chuyên gia vận tải container Lars Jensen cho biết, luồng container đến Baltimore có thể sẽ được phân phối lại đến các cảng lớn hơn. Tuy nhiên, có thể có sự gián đoạn lớn trong việc vận chuyển ô tô, than và đường.
Baltimore vận chuyển ít hơn 2% lượng than đường biển toàn cầu nên vụ sập cầu sẽ ít ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu nhưng lượng than vận chuyển ra khỏi Baltimore bao gồm rất nhiều than nhiệt từ Ấn Độ, được sử dụng để sản xuất điện.
Theo báo cáo từ công ty phân tích hàng hóa DBX, sự gián đoạn nguồn cung sẽ ảnh hưởng đến thị trường than châu Á nhiều hơn thị trường châu Âu vì phần lớn than xuất khẩu từ cảng này có hàm lượng lưu huỳnh cao và không phù hợp với các nhà máy điện châu Âu.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý cảng Maryland, đây là cảng bận rộn nhất của Mỹ về vận chuyển ô tô với ít nhất 750.000 phương tiện được vận chuyển vào năm 2023. Cảng cũng là nơi xuất khẩu than bận rộn thứ hai nước Mỹ vào năm 2023.
Tờ New York Times nhận định các nhà chế tạo xe hơi, khai thác than đá sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi cảng Baltimore là một trong những điểm xếp dỡ hàng quan trọng nhất tại Mỹ.
Việc cảng Baltimore buộc phải đóng cửa làm gia tăng thêm phức tạp đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị tác động bởi khủng hoảng kéo dài nhiều tháng tại kênh đào Panama do mực nước thấp. Còn tại kênh đào Suez là do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ. Riêng ngành công nghiệp ô tô hiện phải đối mặt với thách thức mới về chuỗi cung ứng.
Đó là một cảng lớn với lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc. Vì vậy tác động của vụ việc sẽ rất lớn. Chúng tôi sẽ tìm các hướng thay thế, chuyển sang vận chuyển linh kiện, hàng hóa qua các cảng sáng dọc bờ Đông hoặc ở quốc gia khác.
Ông John Lawler, Giám đốc tài chính của hãng ô tô Ford.
Cảnh báo tác động đối với các nhà xuất khẩu, Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos, cho biết họ sẽ đối mặt với mức phí vận tải đường sắt và đường bộ tăng nếu chuyển hướng vận chuyển sang các cảng thay thế như: Norfolk, New York hoặc New Jersey.
Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ cho thấy tổng giá trị hàng hóa lưu thông qua cảng này hàng năm là khoảng 28 tỷ USD. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành phòng thương mại Maryland Mary D. Kane còn cho biết có 35.000 người sử dụng cầu Francis Scott Key để đi lại hàng ngày và cảng Baltimore tạo ra hơn 15.000 việc làm trực tiếp.
Tàu chở hàng Dali có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ nhiều phía, bao gồm cả chủ sở hữu cây cầu và gia đình các nạn nhân và yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới hàng trăm triệu USD sau sự cố. Các yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể có thể thuộc về chủ tàu Dali chứ không phải cơ quan vận hành cây cầu vì thường các vật thể đứng yên sẽ không có lỗi nếu bị một tàu đang di chuyển đâm vào. Trước mắt, chủ sở hữu có thể muốn đưa tàu Dali ra khỏi nước Mỹ, nhưng nhiều khả năng con tàu này sẽ nằm lại Baltimore một thời gian trước khi các yêu cầu bồi thường và thiệt hại được giải quyết.
Báo chí Mỹ mới đây đưa tin Iran đang chuẩn bị tấn công Israel, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, nhằm trả đũa vụ Israel tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10.
Vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc so găng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vẫn hết sức gay cấn. Hầu hết, các chuyên gia nhận định đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất lịch sử nước Mỹ, mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
0