Giáo viên cần được dạy thêm trong tâm thế đàng hoàng | Hà Nội tin mỗi chiều

Việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện chính là để giáo viên phát huy được nghề nghiệp của mình một cách đúng luật và có thể kiếm tiền một cách minh bạch. Hơn nữa, các giáo viên tìm ra được một con đường hợp pháp để phát huy nghề nghiệp, đó cũng là xu hướng cho không chỉ ngành giáo dục mà cả các ngành nghề ở lĩnh vực khác.

Hôm qua (20/11), trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoànThái Bình) phản ánh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Mặt khác, theo đại biểu này, nhìn vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay, dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Vấn đề cử tri mong muốn là quy định và tổ chức việc dạy thêm, học thêm như thế nào để lành mạnh và đúng quỹ đạo, để những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng được bổ trợ và nâng cao năng lực. Đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị Chính phủ chỉ đạo đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.  

Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Bộ đã có nhiều những văn bản quy định, đặc biệt là có Thông tư số 17 ngày 16/5/2012 “Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm”. Ngoài ra, các quy định về đạo đức của nhà giáo trong quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường cũng đầy đủ các quy định với hoạt động dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường thì còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát và xử lý. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ Giáo dục và đào tạo đã gửi Văn bản số 134 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song không rõ lý do tại sao từ năm 2020-2021, việc này không được chấp thuận.

Thực tế cho thấy, học thêm dạy thêm là nhu cầu có thật. Xét trên phương diện thị trường, có cầu ắt có cung. Khi học sinh có nhu cầu học thêm, phụ huynh kỳ vọng và mong muốn con em có kiến thức vững vàng, sẽ có các thầy, cô giáo sẵn sàng đồng hành, giúp sức. Song để dạy thêm, học thêm thực sự mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực và không biến tướng, thì lại phụ thuộc vào cá nhân giáo viên, thậm chí là phụ thuộc vào ý thức của phụ huynh. Thực tế, trong một số trường hợp, việc dạy thêm làm phát sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích, có học sinh sợ bị “trù dập”, sợ bị điểm thấp, thường xuyên bị gọi lên bảng, nên phải tới các lớp học thêm của giáo viên đang dạy mình giờ chính khóa. 

Nhìn nhận công bằng, trong khi hệ thống trường công lập quá tải và chưa thể cung cấp một nền giáo dục cân bằng và toàn diện cho mọi học sinh, việc học thêm là điều cần thiết. Hạn chế việc học không bao giờ là một lựa chọn tốt. Bởi bản thân việc mong muốn học hỏi đã thể hiện sự tiến bộ, khao khát hướng tới tri thức và văn minh. Việc cần làm của cơ quan quản lý là đảm bảo việc dạy thêm không tạo ra mâu thuẫn lợi ích, khiến học sinh bị “cưỡng bức” học thêm. Các nhà quản lý phải đưa ra những quy định, điều kiện cụ thể để giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường một cách liêm khiết, chính trực. Giải pháp về việc minh bạch thông tin về số lượng học sinh, trình độ giáo viên, nội dung, chương trình giảng dạy, các yêu cầu về cơ sở vật chất tối thiểu là giải pháp được xét đến đầu tiên. Dạy thêm đảm bảo chất lượng, đúng luật, thậm chí có thể công khai quảng cáo trên phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội để người học lựa chọn. 

Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện chính là để giáo viên phát huy được nghề nghiệp của mình một cách đúng luật và có thể kiếm tiền một cách minh bạch. Hơn nữa, tìm ra được một con đường hợp pháp để phát huy nghề nghiệp, đó cũng là xu hướng cho không chỉ ngành giáo dục mà cả các ngành nghề ở lĩnh vực khác. Thay vì cấm dạy thêm thì hợp pháp hóa việc dạy thêm bằng luật. Khi đó, giáo viên sẽ ý thức được trách nhiệm của mình, đồng thời, bảo vệ được quyền lợi và danh dự nghề nghiệp của chính mình./.

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề xuất các cấp nghiên cứu giảm giờ làm việc của người lao động trong doanh nghiệp dưới 48 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, điều này cần tính đến yếu tố sức khỏe, an toàn của người lao động, năng suất lao động và vấn đề xã hội khác.

Hai tuyến đường thí điểm ở Hà Nội dành riêng cho xe đạp sẽ là một thử nghiệm rất đáng mong đợi đối với người dân, để xe lưu thông được an toàn, thuận lợi, giảm phát thải ra môi trường và hướng tới hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.

Dường như phụ huynh chỉ mới chú ý đến bữa ăn bán trú, đến kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học mà chưa thực sự quan tâm đến những loại quà vặt được bán tràn lan xung quanh các cổng trường, mà những thức ăn này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp sau 22 ngày rưỡi làm việc. Và việc hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra ở cả ba nhiệm vụ đó là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với sự đồng thuận cao ở kỳ họp lần này đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng, nhưng cũng cần giải quyết nhiều bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân… để có thể xây dựng thành phố thông minh.