Gió trở mùa

Trong ký ức tuổi thơ tôi, mỗi mùa đông đến, đêm nằm nghe gió trở mùa, tôi không thể nào quên cái cảm giác ấm áp khi nằm gọn trong lòng mẹ hít hà mùi hương thân thuộc rất riêng của mẹ. Tôi nhớ những niềm vui trong veo thời thơ dại và cả những mảnh vá của đói nghèo một thuở đã lạc trôi vào một thời quá vãng. Càng nhớ, càng thương về ngày xưa, thương cả những ngọn gió trở mùa thổi vào cuộc đời nhọc nhằn của bà, của mẹ.

Chiều nay, mời bạn cùng xuôi theo những dòng suy tư của Hà Kim Quy về ký ức thân thương của tuổi thơ trong một ngày gió trở mùa.

"Trở mùa, trời đổ gió mưa

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, thẫn thờ."

Tôi vẫn tin là đang ở cuối mùa thu, nhưng những con gió lạnh buốt đang len lỏi qua khe cửa, gầm rít trên mái nhà lại muốn nói với tôi rằng, mùa đông đã về.

Đông về. Gió bấc thổi ù ù như ném thốc những vốc gió vào mặt người đi ngược chiều gió thổi. Nghe tiếng ai hát ru con bài “Ru con mùa đông” của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc mà nhớ về tuổi thơ êm đềm.

"Ngủ đi con, nào ngủ đi con,

Mùa đông đang tới ngoài hiên..."

Tôi đã lớn lên từ lời ru của bà, của mẹ. Không ngọt ngào, dịu êm như lời ru của mùa thu, lời ru mùa đông có nỗi niềm gì đó se sắt, dường như lắng đọng trong tâm hồn mỗi con người, nó thấm vào tâm can để đến hôm nay nghe lời ru ngọt ngào và êm dịu, tâm thức ta chợt bùng lên nỗi nhớ về bà, về mẹ những ngày trở gió.

Quê tôi thuộc một huyện nhỏ bên dòng sông Hồng của đồng bằng Bắc bộ, nơi đó có những ngôi làng cổ kính đã đi qua biết bao mùa đông. Những cơn gió bấc khắc nghiệt của mùa đông dường như trở thành quen thuộc với con người và vạn vật từ bao đời nay. Lạnh giá và rét buốt. Có những mùa đông cá chết giá trên đồng, chân người dầm mưa, lội ruộng tím tái. Rét thâm môi, khi đói, áo mỏng manh, cái rét từ trong ruột rét ra như muốn đông lạnh cả da thịt. Vậy mà, những người con đi xa, đến một nơi ấm nóng không có mùa đông, mỗi mùa đông về lại nhớ cồn cào, da diết và thèm một chút se lạnh của miền Bắc với áo khăn đủ ấm nơi quê nhà.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, mỗi mùa đông đến, đêm nằm nghe gió trở mùa, tôi không thể nào quên cái cảm giác ấm áp khi nằm gọn trong lòng mẹ hít hà mùi hương thân thuộc rất riêng của mẹ. Hình như mỗi một người mẹ có một mùi hương riêng chỉ để những đứa con mới cảm nhận được?

Nằm trong nhà, tôi vẫn nghe rõ tiếng gió xào xạc đuổi nhau ngoài hiên, những chiếc lá rời cành như nô đùa cùng gió. Bao giờ cũng vậy, bà nội tôi sau một đêm dài khó ngủ vì trở trời, đã dậy rất sớm ra ngõ quét lá. Bước chân bà vội vàng như đến trước mùa đông. Những chiếc lá tre, lá duối, lá mít, lá sấu...được gom lại thành đống rồi phơi khô châm lửa đốt. Bà đã hóa cho chúng bay về trời, để xác tro tàn trả lại về lòng đất. Những ngọn khói bàng bạc bay lên. Từ ngọn lửa mùi hương cay nồng ấm áp lan tỏa khắp khu vườn.

Những ngày rét đầu mùa đột ngột, chưa kịp lôi áo rét ra mặc, lũ học trò co ro trong manh áo mỏng. Thay vì niềm vui háo hức được mua áo mới, chúng tôi chờ những chiếc áo len, áo bông cũ được lấy ra từ trong rương, trong hòm. Tôi nhớ mãi cái áo bông gia truyền không biết có từ đời thuở nào mà khi chị gái để lại cho tôi nó đã sờn khuỷu tay, mẹ tôi phải đáp hai miếng vá để khỏi lòi lớp bông trắng ra ngoài. Màu vải xanh sĩ - lâm bên trong cũng đã bạc phếch. Nhưng phải công nhận là nó ấm nhất trong những chiếc áo tôi có hồi đấy.

Năm qua đi, tháng qua đi…Mỗi lần gió trở mùa, nỗi nhớ ngày xưa dâng đầy trong tôi. Thèm khát lắm một thời thơ dại, anh em quây quần, háo hức xúm quanh mẹt bánh mà quên đi đói nghèo, được chở che, lớn khôn dần trong vòng tay của bà, của mẹ. Những ngày mưa gió không đi làm được, mẹ ở nhà trổ tài nấu bánh đúc. Cho đến bây giờ hễ cứ mưa gió là tôi nhớ đến món bánh thần thánh thuở nghèo khó của mẹ. Mùi vôi trong như vẫn còn nồng đâu đây bên mẹt bánh bốc hơi nóng hổi. Bánh thường được chấm với nước tương hoặc mắm tôm. Cũng có khi công phu hơn, mẹ nấu bánh đúc ăn với riêu cua. Miếng bánh thơm, ngon, ngoài vị giòn sừn sựt, bùi, béo ngậy của đỗ lạc và gạo tấm đồng mình, hình như nó còn có hương vị của mưa và gió mùa nên bất luận trong cuộc đời, được ăn bao nhiêu loại bánh trứ danh nhưng tôi không thể nào quên mẹt bánh đúc mẹ nấu ngày trở gió.

Khi đó, lúa đã gặt vãn. Ngoài đồng còn trơ lại những mảnh lúa nếp cái hoa vàng dài ngày, chúng riu riu ngả vào nhau theo chiều gió. Khi hạt lúa đã khô sữa, chưa chín hẳn, chị tôi xin mẹ cắt một ít mang về làm cốm. Gian bếp ấm cúng hẳn lên. Chúng tôi dùng đôi đũa tre kẹp vào bông lúa để tuốt hạt. Trông chị làm thì dễ mà tay tôi lóng ngóng, những hạt thóc cứ bướng bỉnh gan lì nằm im như thách thức tôi. Mãi rồi tôi cũng tuốt xong một bông. Người thì chuẩn bị bếp rang, anh tôi chuẩn bị cối giã. Bà tôi ngồi cười móm mém: "Đúng là hay ăn thì lăn vào bếp!" Không gì háo hức bằng món ăn tự tay mình làm. Chúng tôi  thưởng thức cốm bắt đầu từ mùi hương lúa trên chảo rang cho đến khi hạt thóc được giã bẹt ra lại càng thơm, lúc đó chỉ mong nhanh nhanh để mẹ sẩy hết vỏ trấu là có món cốm xanh nhạt dai dai, bùi bùi, ngầy ngậy, beo béo và ngọt ngào. Mẹ mang buồng chuối tiêu đã chín lổ đổ trứng cuốc ra. Ăn cốm xanh với chuối tiêu chín trong vườn hoặc ăn với quả hồng chín đỏ mới ngon.

Bây giờ, áo khăn đã đủ ấm, không còn chịu cảnh đói rét ngày xưa. Những ngày mưa gió dầm dề, ta ngồi đây lại nhớ những cơn gió mùa đông bắc luồn qua mái lá thấm vào ổ rơm và nhớ những cơn gió cứ thông thốc thổi rạp vườn cây bên hiên nhà ngày xưa. Tôi nhớ những niềm vui trong veo thời thơ dại và cả những mảnh vá của đói nghèo một thuở đã lạc trôi vào một thời quá vãng. Càng nhớ, càng thương về ngày xưa, thương cả những ngọn gió trở mùa thổi vào cuộc đời nhọc nhằn của bà, của mẹ. Gió cứ thổi mãi mà không lấp đầy khoảng trống vắng trong tâm hồn tôi, những cơn gió trở mùa./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.