Giọt nước mắt của người lính trẻ cứu hộ tại Làng Nủ

Dưới lớp bùn lạnh lẽo ngập đến đầu gối kia là nền của một ngôi làng, nơi từng có nhà cửa và gần 200 người dân sinh sống. Tất cả đã bị lũ và đất đá xoá sổ cách đây ít ngày. Và lớp bùn đó có thể vẫn còn đang che lấp 36 nạn nhân được cho là mất tích...

Trước lúc được đưa ra khỏi hiện trường cứu hộ, binh nhì Thào Mí Lình đã khóc. Lình khóc không phải vì vết thương ở bàn chân đang tứa máu chảy xuống bãi bùn sâu ngập gối - nơi đã vùi lấp 37 hộ gia đình thôn Làng Nủ trong trận lũ quét kinh hoàng sáng ngày 10/9.

Lình khóc vì anh sẽ không được ở lại cùng đồng đội, để cắm sào đi tìm những đôi bàn chân lạnh lẽo khác của đồng bào đang còn nằm dưới lớp bùn sâu kia...

Binh nhì Thào Mí Lình, người dân tộc Mông, quê ở xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trong lúc lội bùn tìm kiếm cứu hộ, anh đã bị thương và được đưa về Bệnh viện Quân y 109 điều trị.

Binh nhì Thào Mí Lình bị thương, phải đưa về Bệnh viện Quân y 109 điều trị. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Lình là một trong số hàng trăn chiến sĩ của Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2 tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu hộ tại thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ngay sau khi nhận lệnh, các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316 đã lập tức hành quân trong đêm hướng về Bảo Yên để triển khai công tác cứu hộ tại Làng Nủ.

Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2), cho biết: "Ngay sau khi nhận lệnh, đơn vị đã triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường. Chúng tôi nhanh chóng vẽ sơ đồ, khoanh vùng và phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận. Tất cả đều nỗ lực hết mình, tranh thủ từng phút giây để tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích".

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) vào sáng 10/9 đã gây ra hậu quả nặng nề, vùi lấp toàn bộ ngôi làng. Chỉ trong tích tắc, một thảm kịch không ai có thể ngờ tới đã xảy ra, cuốn đi sinh mạng và tài sản của hàng chục hộ dân.

Hiện trường thảm họa đến nay vẫn còn ám ảnh những người trong cuộc. Đứng trước dòng nước cuộn đất đỏ, ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông chia sẻ trong nghẹn ngào: "Nơi đây từng có lũ, nhưng chưa bao giờ kinh hoàng như lần này. Chỉ sau một tiếng nổ, hàng triệu mét khối đất đá từ trên cao đã san phẳng ngôi làng, cuốn trôi 37 hộ gia đình với 158 nhân khẩu ra con suối Vàng Kheo".

Đôi chân trần của các chiến sĩ Sư đoàn 316, vẫn từng ngày hối hả, lội bùn sâu phủ trên nền thôn Làng Nủ, cố gắng tìm cho được những đôi chân trần giá lạnh như thế này. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ Quân khu 2 đã tiến hành giải phóng các điểm sạt lở, mở một con đường độc đạo để đưa phương tiện vào sâu bên trong.

Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ đến khu vực xã Phúc Khánh, triển khai tìm kiếm nạn nhân dọc suối Nủ và khu vực sạt lở. Lực lượng dân quân cùng hơn 300 người khác cũng tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm và cung cấp thông tin.

Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn được lập tại Nhà văn hóa - Trung tâm học tập cộng đồng thôn Làng Nủ. Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Ông nhấn mạnh: "Với phương châm tìm kiếm hết khả năng, bộ đội là nòng cốt phối hợp với các lực lượng chức năng, khẩn trương triển khai tìm kiếm nạn nhân và đảm bảo nhu yếu phẩm cho bà con, đặc biệt là những gia đình có người thân bị nạn".

Giấc nghỉ trưa ngắn ngủi của các chiến sĩ. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Mặc dù địa hình lũ quét vẫn còn nhiều nguy hiểm và thời tiết mưa nắng thất thường, các cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì tiến hành "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" với quyết tâm cao nhất.

Binh nhất Lù Văn Trường, một trong những chiến sĩ tham gia cứu hộ, chia sẻ: "Sự mất mát của người dân Làng Nủ là quá lớn. Tôi và đồng đội luôn nỗ lực hết mình để tìm kiếm nạn nhân, góp phần làm dịu đi phần nào nỗi đau của bà con".

Các chiến sĩ cắm sào tìm kiếm nạn nhân dưới lớp bùn ngập tới đầu gối. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Giống như binh nhất Lù Văn Trường, sau mỗi lần cắm sào tre xuống lớp bùn sâu dưới cái nắng oi ngạt và mùi của rất nhiều sự sống đang bị phân huỷ, các chiến sĩ chỉ mong có vật gì đó cản lại. Bởi dưới lớp bùn lạnh lẽo đó là nền của một ngôi làng đã bị lũ và đất đá xoá sổ cách đây ít ngày.

Làng Nủ hiện vẫn còn 36 người được xác định là mất tích, tính đến sáng hôm nay 14/9. Có thể họ đang bị vùi lấp ở đâu đó dưới lớp bùn kia - nơi mà máu và nước mắt của binh nhì Thào Mí Lình đã chảy xuống...

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22/12, tuyến tàu điện này sẽ bắt đầu chạy thương mại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1286 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, quy định việc sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã.

Trong chương trình thăm chính thức nước Cộng hoà Dominicana, chiều 21/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu chính sách tại Học viện Giáo dục cấp cao về Đào tạo ngoại giao và lãnh sự Cộng hòa Dominicana với chủ đề: “Nâng tầm cao mới trong quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominicana: Nhịp cầu hữu nghị, hợp tác giữa Đông Nam Á và Mỹ Latinh".

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực huy động nhân lực và xuồng máy tìm kiếm trên đoạn sông ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, nơi xảy ra vụ tai nạn xe chở rác va vào lan can cầu treo và rơi xuống sông, làm 2 người trên xe mất tích vào sáng 21/11.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ đã tiếp nhận, đưa 5 thuyền viên gặp nạn trên biển vào bờ an toàn. Hiện sức khỏe của các thuyền viên đều ổn định.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa phối hợp với Cục An Toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.