Giữa quê lòng lại nhớ quê
Tôi nhớ con đường làng đất cát quê tôi. Buổi sớm khi mặt trời vừa ửng hồng, tôi ngái ngủ dậy theo tiếng gọi của má ra đồng. Chao ôi, cái cảm giác đi chân trần trên con đường đất cát mới sung sướng làm sao. Những hạt cát mềm, trắng muốt, mịn màng, êm ái cứ như tan chảy dưới đôi bàn chân bé nhỏ. Tôi thích cảm giác miết bàn chân mình trên cát để cho cát phủ lấp hết cả đôi chân, nghe hơi mát của cát ngấm vào da thịt.
Con đường làng hằng ngày tôi đi học, đi chăn bò hay lon ton theo má đi chợ huyện giờ chỉ còn trong ký ức. Làng tôi bây giờ mọi con đường đều đã bê tông hóa. Hai bên đường người ta cất nhà san sát, tường rào cao, cổng ngõ kín, không còn những hàng dâm bụt hoa đỏ, những hàng chè tàu mướt xanh. Người xa quê lâu ghé về thăm không ngớt lời khen quê mình giờ giàu đẹp mà người giữa chốn quê như tôi lại thấy điều gì đó hụt hẫng, chơi vơi.
Tôi nhớ cánh đồng làng phía sau nhà tôi. Quê tôi là vùng bán sơn địa không có những cánh đồng cò bay thẳng cánh, ngút ngàn lúa xanh. Nhưng không phải vì thế mà tôi không yêu cánh đồng làng. Những đứa trẻ con như chúng tôi ngày ấy, ngoài giờ trên lớp thì thời gian ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Cánh đồng làng như người bạn lớn chở che, nuôi dưỡng ước mơ, bao dung với những lỗi lầm của chúng tôi.
Từ lúc bé tí tôi đã được má gánh ra đồng. Một bên là thúng lúa giống, một bên là tôi. Dưới bóng mát của cây duối tôi nhẩn nha chơi một mình, có lúc cuộn tròn ngủ quên bên gốc duối già nua. Lớn chút nữa, đồng làng là nơi chúng tôi chơi những trò chơi trốn tìm, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, là nơi những cánh diều chở ước mơ bay lên trên bầu trời rộng lớn, bay ra khỏi ngọn khói làng.
Thỉnh thoảng nhớ những ngày xưa, tôi thường tha thẩn ra cánh đồng làng. Tôi ngồi lặng im, hít hà mùi nồng ẩm của đất, mùi ngai ngái của bùn non, nhớ từng khuôn mặt đen nhẹm, mái tóc khét nắng của thằng Tí, thằng Tèo, nhớ trái banh phạt làm bằng lá dứa gai ném vào người đau điếng mà tiếng cười rộn rã chiều quê.
Bây giờ, những buổi chiều nhạt nắng tôi chờ đợi thật lâu nhưng không còn tiếng trẻ í ới gọi nhau chạy ra đồng chơi, những trò chơi thuở xưa giờ cũng không còn ai chơi nữa. Tôi ngồi thật lâu bên cánh đồng, tôi lặng im, cánh đồng cũng lặng im, chỉ có tiếng gió lao xao đùa cùng sóng lúa. Thỉnh thoảng một vài cơn gió bay lạc vào mắt khiến mắt tôi hoen đỏ, cay xè.
Tôi nhớ ngôi nhà tranh của ngoại có khu vườn ngát hương. Khu vườn mà suốt năm tháng tuổi thơ tôi xem như báu vật, là nơi tôi hãnh diện với những đứa em con chú tôi ở thành phố mỗi lần về quê. Mùa hè gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Gió mang theo hương dẻ thơm lừng len vào giấc mơ trưa của cô bé đang say giấc nồng trong lời ầu ơ của ngoại. Mùi ổi chín, mít chín, chay chín và sim chín thơm giấc ngủ trưa hè.
Cũng có những trưa tôi không chịu ngủ, lén theo anh chị ra sau vườn trèo lên cây hái ổi. Những trái ổi chi chít vết bấm móng tay của anh em chúng tôi để kiểm tra xem trái đã chín chưa. Và hậu quả của những trưa không ngủ là vết sẹo dài trên đầu gối do ngã từ trên cây xuống. Mỗi lần nhìn vết sẹo tôi lại nhớ ngoại, nhớ khu vườn thần tiên da diết. Tôi nhớ cái giếng nước bằng đá, chiếc ang đặt cạnh giếng, trên miệng ang bao giờ ngoại tôi cũng đặt một chiếc gáo dừa.
Sau những trò chơi nghịch ngợm chúng tôi chạy ào ra giếng, múc nước trong ang mà tắm, mà rửa mặt. Tôi nhớ cũng bên chiếc ang nước đó, tôi múc từng gáo nước dội cho ngoại gội đầu. Vừa dội nước tôi vừa hát líu lo bà ơi bà, cháu yêu bà lắm.
Ngoại mất, khu vườn tuổi thơ cũng mất, giếng nước, chiếc ang, chiếc gáo dừa cũng trôi vào dĩ vãng. Chỉ duy nhất hương thơm từ khu vườn xưa, hương thơm từ hương bồ kết ngoại gội đầu vẫn vương vấn mãi trong tôi.
Tôi nhớ những thanh âm quen thuộc của tuổi thơ ngày ấy. Tiếng gà gáy sáng tinh mơ, tiếng chú bê con ậm ò gọi mẹ, tiếng chim bắt cô trói cột khắc khoải giữa trời chiều. Tiếng rao ai nhôm nhựa soong nồi bể bán không giữa trưa hè nắng gắt làm tôi nhớ những ngày má chở muối lên tận miền ngược bán bằng chiếc xe đạp cà tàng để kiếm tiền nuôi anh em chúng tôi khôn lớn. Thảng hoặc trong giấc mơ tôi vẫn nghe tiếng chuông leng keng đầu ngõ và tiếng rao "kem đây, kem đây". Nhớ đám trẻ con nhà nghèo chạy ra đem theo dép đứt, thau bể, sắt vụn, vỏ đạn mà những hôm chăn bò nhặt được để đổi lấy những que kem mát lạnh, ngon lành.
Không phải cứ xa quê mới thấy nhớ quê. Thứ khiến người ta nhớ nhiều là kỷ niệm, là hình ảnh đã từng gắn bó thân thuộc dần dần phai nhạt theo thời gian hoặc cũng cảnh cũ đó nhưng người xưa giờ đã không còn nữa. Như tôi đi giữa con đường làng, ngồi giữa cánh đồng quê mà nhớ ngày xưa quay quắt, nhớ ngọn khói bay lên từ chái bếp của ngoại mỗi sớm mỗi chiều. Vẫn biết ngày mai bắt đầu từ hôm nay, quê rồi sẽ còn nhiều đổi thay, chỉ mong mỗi người vẫn giữ trong lòng mình một chốn đi về để mà nhớ mà thương, để đi xa muốn trở về, hạnh phúc muốn trở về, khổ đau càng muốn trở về...
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0