Gỡ khó cơ chế, chính sách để kinh tế TP.HCM phát triển

Tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 5/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 và thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển, các bộ, ngành và Thành phố phải phối hợp tốt với nhau, cần gỡ khó hơn nữa cho TP.HCM.

Sáng 5/10, tại TP.HCM, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM về kết quả triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM; đồng thời, nghe báo cáo về các nội dung TP.HCM đăng ký để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp cuối năm 2024; Các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TP.HCM cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật.

TP.HCM trình Quốc hội ba dự án quan trọng

Báo cáo với đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tóm tắt các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội và một số đề xuất, kiến nghị.

Theo đó, TP.HCM chuẩn bị trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM (dự án đường Vành đai 4); đề án đường sắt đô thị TP.HCM và đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM (Trung tâm tài chính quốc tế).

Theo ông Phan Văn Mãi, Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội đều thể hiện tinh thần mạnh mẽ là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có hoàn thành đường Vành đai 4 vào năm 2030.

Đường Vành đai 4 theo quy hoạch có chức năng kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không quốc tế của Vùng đô thị TP.HCM; đồng thời đóng vai trò phân luồng từ xa giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội thành TP.HCM.

Còn đề án đường sắt đô thị TP.HCM xác định thực hiện khoảng 183km đến năm 2035 và tiếp tục đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị được xác định trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Báo cáo về đề án Trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM được xác định trong phạm vi địa lý cụ thể và gắn với định hướng phát triển đô thị của thành phố, bao gồm khu phố tài chính hiện hữu ở Quận 1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm. Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau, với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.

Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm 3 cấu phần, gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh. TP.HCM đề xuất và kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong báo cáo một năm thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, địa phương có nhận thiếu sót là chưa quyết liệt đeo bám bộ, ngành.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 98 thí điểm 44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Sau hơn một năm, 30/44 cơ chế đã áp dụng, 2 nội dung đang chờ các bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế, 4 chính sách chưa đề xuất áp dụng và 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

Trước báo cáo về việc TP.HCM phải xin ý kiến bộ, ngành để thực hiện một số nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Thành phố cần đổi mới cách làm. Theo đó, TP.HCM cần tích cực hơn trong quyền hạn của mình nhưng bộ, ngành cũng phải "bám" Thành phố để tháo gỡ.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc làm việc

Việc chậm thực hiện các cơ chế đặc thù có nguyên nhân khách quan là chưa có khung pháp lý và cần thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, có những vấn đề đã có các quy định chuyển tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn điều khoản thi hành Nghị quyết 98, cho hay: Nếu cùng một vấn đề nhưng có sự khác nhau giữa nghị quyết này và luật, quy định khác thì phải áp dụng Nghị quyết 98 thực hiện. Do đó, ông lưu ý cần bám chắc điều này để triển khai, còn nếu lòng vòng, chờ đợi bộ ngành ý kiến thì rất khó.

TP.HCM quyết liệt với nhiều giải pháp mới, được người dân đồng thuận

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước; ghi nhận, đánh giá cao cách làm mới, khí thế mới, quyết tâm mới của TP.HCM.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc

Qua báo cáo, 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GRDP của TP.HCM đạt 6,8%, muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 7,5% thì quý 4, TP.HCM phải phấn đấu tăng trưởng trên 9%. Chủ tịch Quốc hội nhận xét TP.HCM có sự quyết liệt với nhiều đề án mới, giải pháp mới được sự đồng thuận của người dân. “Tôi thấy sự quyết tâm, tầm nhìn, sự đổi mới của thành phố hết sức là đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Quan tâm đến tình hình thu ngân sách của TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu TP.HCM hoàn thành chỉ tiêu năm 2024 sẽ góp phần đóng góp ngân sách Trung ương 27% để đảm bảo cân đối chi của cả nước. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý TP.HCM cần quan tâm một số vấn đề, đó là: tăng trưởng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đầu tư là chưa đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương là các bộ, ngành phải tháo gỡ cho địa phương chứ không để địa phương phải đề xuất lên.

“Các bộ phải vào TP.HCM chứ không để TP.HCM đi ra các bộ. Hôm nay, tôi cũng nói Đảng đoàn Quốc hội là vào TP.HCM, tôi cũng mong các đồng chí vào nhiều hơn nữa trên phương châm "tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó" cho TP.HCM để gỡ về cơ chế, chính sách để kinh tế - xã hội là phát triển, tháo gỡ theo cách làm mới”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, tư duy xây dựng luật pháp, cách làm luật, nghị quyết thì Quốc hội chỉ quyết định những vấn đề, phạm vi theo hiến pháp, theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Còn lại, thông tư, nghị định thì giao về cho Chính phủ ban hành, để nếu có khó khăn, vướng mắc thì chỉ sửa nghị định, thông tư, sẽ nhanh hơn sửa nghị quyết, luật.

“Cách làm mới, hiện là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trên cơ sở vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu dự cuộc làm việc chụp ảnh lưu niệm.

Về 3 dự án mới mà TP.HCM đề xuất, Chủ tịch Quốc hội nhận xét đây là những dự án mang tầm nhìn mới, là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan. “Đảng đoàn Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẵn sàng phối hợp khẩn trương, thường xuyên, trên định hướng, chủ trương ủng hộ”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định và lưu ý hồ sơ phải đầy đủ theo quy định, làm rõ về căn cứ pháp lý và đánh giá kỹ, đầy đủ các tác động. Ông đề nghị TP.HCM khẩn trương xin chủ trương, hoàn tất thủ tục để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 6/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" tại khu vực hồ Hoàn Kiếm - biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô. Trong phần mở đầu, buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng đã được tái hiện.

Tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 5/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 và thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển, các bộ, ngành và Thành phố phải phối hợp tốt với nhau, cần gỡ khó hơn nữa cho TP.HCM.

Sáng nay (6/10), chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" đang diễn tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999 - 16/7/2024).

Sáng 6/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" tại khu vực hồ Hoàn Kiếm - biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô.

Theo quy định mới về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hình thức giám sát lực lượng công an làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được loại bỏ.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu thông tin chỉ trong một ngày hôm qua, 5/10, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu 2 trận động đất có độ lớn 4.1 và 3,5 độ richter.