Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm, chưa nhiều hấp dẫn

Trong Công văn mới nhất vào cuối tuần qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Sau 7 tháng kể từ khi có hiệu lực, gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 120.000 tỷ chỉ là sự hứa hẹn mà cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà đều khó với tới.

Là một trong những đơn vị khá gắn bó với Hà Nội trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này, Công ty Cổ phần BIC Việt Nam vẫn đang phải giải quyết nhiều khó khăn để hoàn thiện giấy tờ để có thể tiếp cận được nguồn vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Nhiều trăn trở không phải chỉ ở những chồng chéo trong thủ tục pháp lý mà còn ở chính các ưu đãi của khoản vay.

Công ty Cổ phần BIC Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Việt Hùng - Công ty cổ phần BIC Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đang chờ UBND TP để hoàn thiện thủ tục tiếp cận nguồn vốn này. Nhưng với lãi suất và thời gian vay như thế thì sợ là sẽ khó tiếp cận vì lãi cao và thời gian vay ngắn. Chúng tôi kiến nghị là giảm lãi xuống 4,5-5%/năm và kéo dài thời gian áp dụng".

Không còn nằm trên giấy, dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Ninh đã xây thô gần xong. Với quy mô 16 tòa chung cư, dự án nằm ở vị trí được xem là đắc địa khi có tới bốn khu công nghiệp, hơn 170.000 công nhân ở xung quanh. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư dù đủ điều kiện để có thể vay ưu đãi từ gói 120.000 tỷ nhưng đã không làm thủ tục tham gia. Bởi theo quy định hiện hành, chỉ có chưa đầy 600 đối tượng đủ điều kiện được mua nhà của dự án này. Điều đó đồng nghĩa với 90% số căn hộ không tìm được người để bán.

Dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Ninh

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang cho biết: "Với dự án như của chúng tôi hiện nay, tốc độ bán hàng đạt hơn 400 người/năm, trong khi dự án 7000 căn hộ thì tính trung bình phải gần 20 năm mới bán hết".

Theo nhiều chuyên gia bản chất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà là gói tín dụng thương mại, được giảm 1,5-2% lãi suất so với lãi suất vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, chứ không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo hai tiêu chí: lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8-5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm. Thứ hai là thời hạn vay ưu đãi dài hạn tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên ở gói 12.000 tỷ thời hạn vay ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, Như vậy, gói vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng không có quá nhiều ưu đãi với người mua nhà ở xã hội. Và khi nhìn ngược lại, nó lại là rào cản khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà đầu tư loại hình nhà ở này.

Ông Lâm Hoàng Đăng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest cho biết: "Có rất nhiều chính sách để phát triển nhóm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại đối với người mua nhà ở xã hội hiện họ đang có vấn đề khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng để mua nhà ở xã hội. Vì vậy kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại có những chính sách mở rộng và ưu đãi hơn nữa cho người lao động để họ có đủ nguồn tiền mua nhà cho mình".

Trong đề xuất mới nhất của mình với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị xem xét mở rộng đối tượng được vay bao gồm cả chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá ba tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên. Ngoài ra, sửa đổi quy định về mua, bán các khoản nợ xấu; bổ sung quy định việc thực hiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của khoản nợ. Đây không chỉ là các giải pháp để giải ngân gói 120.000 tỷ từ nay đến năm 2030 mà cũng được nhiều doanh nghiệp và người có nhu cầu vay mua BĐS xem là đã nói đúng và trúng suy nghĩ cũng như mong muốn hiện tại.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại, đang triển khai cho vay chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân. Gói này lãi suất ưu đãi khoảng 7,7%/năm (với người mua, thuê mua nhà) và 8,2%/năm với chủ đầu tư nhà ở xã hội. Gói này thực tế là gói vay thương mại và không có nhiều ưu đãi như cho vay nhà ở xã hội.

Để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021-2030, nhiều chuyên gia đồng quan điểm khai đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng.

Trong thực tế, gói 110.000 tỷ từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng hai. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây). Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đề án - Chương trình phát triển một triệu căn nhà ở xã hội là một chủ trương rất đúng và nhân văn của Chính phủ. Để triển khai Đề án hiệu quả thì cần phải có sự vào cuộc của nhiều Ban, ngành và cả những quyết sách lớn, trong đó ngân hàng và Bộ Xây dựng sẽ giữ vai trò chủ đạo. Đây cũng là quan điểm được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Vẫn biết, đề án phát triển một triệu căn nhà ở xã hội được thực hiện trong một thời gian dài và các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài, giải ngân sẽ theo thời gian, cho nên lượng giải ngân vẫn còn thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gói 12.000 tỷ giải ngân chậm. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại những ưu đãi từ gói ưu đãi này để khuyến khích nhiều thêm các địa phương, doanh nghiệp và người dân tham gia. Vì cho tới thời điểm này 7 tháng sau khi có hiệu lực, chỉ có 23/63 tỉnh, thành đăng ký tham gia.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường được gọi là sổ hồng) và hồ sơ địa chính.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội thành phố không nhiều. Do vậy, công nhân vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội.

Sau một thời gian "sốt" nóng, giá ảo, hiện nay giá chung cư cũ đã qua sử dụng ở Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại.

Với nhiều điểm đột phá, phù hợp với thực tiễn, Luật Nhà ở 2023 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nhà ở cho người dân. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn, trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn 6 tháng.

Trong khi mặt bằng kinh doanh trên phố rơi vào tình trạng ế ẩm, thì tại các con ngõ ở Hà Nội, nhu cầu thuê đang ngày càng tăng cao.

Hàng chục khách hàng mua đất tại dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (Hà Nội) mới đây đã yêu cầu chủ đầu tư trả đất và đề nghị cơ quan chức năng điều tra việc chủ đầu tư lừa dối, bán đất không có trong quy hoạch.