Gói trọn hương sắc thu trong gói xôi lá sen

Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.

Con gái tôi, năm nay mới tám tuổi, thường băn khoăn mỗi khi nghe mẹ nhắc về hương vị mùa thu Hà Nội. Con bé hồn nhiên bảo: Con thường nghe hoa có mùi hương, món ăn có mùi thơm nhưng chẳng ai lại nói mùa thu có mùi hương đâu ạ. Tôi thường mỉm cười sau câu hỏi của con bé. Cũng bởi, tôi biết với độ tuổi của con, đây thật sự là một câu hỏi trừu tượng. Tuy nhiên, với những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hương vị của mùa thu mới quyến rũ và nhiều hoài niệm làm sao. Chỉ cần mỗi sớm mai, thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, tôi thấy lòng mình lâng lâng khi từng cơn gió mùa thu nhẹ nhàng ùa vào mơn man da thịt.

Mỗi khi quay trở về Hà Nội, tôi thường giữ thói quen lang thang vào những khu chợ nhỏ, hít hà mùi thơm của các loại thảo mộc như rau mùi, rau thơm, rau tía tô, ngò tàu… Thi thoảng, đi ngang gian hàng nhỏ chuyên bán bồ kết của bà lão tóc bạc lại khiến tôi nhớ đến khoảng thời gian tuổi thơ luôn được mẹ chăm chút nấu từng nồi nước lá cho chúng tôi gội đầu.

Tôi vẫn nhớ mỗi độ thu cũng là thời điểm người ta thu hái bồ kết, mẹ tôi thường ra chợ mua từng nhúm nhỏ bồ kết về để dành dùng dần. Những quả bồ kết khi còn xanh, thường mỏng dẹt, nổi hình hạt bồ kết bên trong được phơi trên cái nong to, đặt ở góc sân nhà phía trước. Chờ đúng bữa nắng to, bồ kết sẽ nhanh chóng khô quắt lại, biến thành màu đen nhức. Bố tôi sẽ chất bồ kết vào trong cái bồ nhỏ, treo trên gác bếp, hong khô nhờ vào khói bếp, để hạn chế mối mọt.

Ảnh minh họa: Bách hóa Xanh.

Mẹ tôi thường nấu một nồi thật to, vừa đủ cho cả nhà gồm sáu người gội. Những quả bồ kết được vùi vào tro nóng, chờ đến chín tỏa mùi thơm rồi khều ra, phủi sạch tro, bẻ mảnh cho vào nồi nước. Mẹ tôi còn thêm vào nồi bồ kết một số những loại thảo mộc mua ngoài chợ. Đứa trẻ là tôi luôn cảm thấy thích thú vì sự hòa quyện của các loại thảo mộc như lá bưởi, lá tre, hương nhu, cúc tần... hòa lẫn với mùi thơm thoang thoảng của bồ kết. Mẹ múc nước bồ kết ra chậu nhỏ cho nguội. Chị em chúng tôi ngồi ở chiếc ghế con con, cúi đầu để mẹ gội sơ qua bằng nước lã. Rồi mẹ sẽ thong thả múc từng bát nhỏ tưới dần lên mái tóc cháy nắng của tôi. Tôi nhắm nghiền mắt, vì sợ nước bồ kết chảy vào mắt cay xè. Cứ thế từng bát nước bồ kết thoang thoảng hương nhu lẫn cúc tần, lá bưởi... được dội lên đầu, quyện vào mũi tôi nồng nàn hương thơm. Ngày hôm sau, đi bộ theo mẹ đến trường, tóc tôi vẫn thoang thoảng tỏa hương. Có cảm tưởng hương mùa thu Hà Nội đang vấn vít trên tóc mình.

Hương vị mùa thu còn có cả mùi thơm hấp dẫn của những thức quà đặc trưng của Hà Nội. Một cụ già dáng gầy ngồi bán xôi xéo bọc lá sen bên gốc bằng lăng già. Người ta xếp hàng dài chờ đến lượt mua một vài gói xôi. Mặc cho người mua cứ nôn nao, cụ già vẫn thơi thả chậm rãi. Cụ thong thả gẩy xôi bằng đũa thành những gói xôi tơi, dẻo và đều. Cụ xắt bột đậu bằng con dao sắc lẹm thành từng khoảnh vàng tươi, béo ngậy. Cuối cùng, rắc hành, rưới mỡ là hoàn chỉnh một gói xôi lá sen.

Nhiều người bạn tôi khi có dịp ra thăm Thủ đô, thường đùa vui rằng người Hà Nội kiêu kỳ quá, việc bán hàng đơn giản nhưng cứ làm ra vẻ chậm rãi. Kỳ thực, họ nào có kiêu căng, đơn giản, đó là thao tác quen thuộc của họ. Cái ngon đâu chỉ từ cảm giác nhấm nháp từ tì vị mà còn ngon bởi sự tinh tế của người làm nên thức quà. Chỉ cần nhanh một chút hay chậm một chút đều làm hỏng đi cái phong vị đặc sắc của thức quà đặc trưng.

Ảnh minh họa: Afamily.

Khi tỉ mỉ giở gói xôi xéo vừa mua ra, tôi không khỏi trầm trồ vì độ tinh tế. Gói xôi là sự kết hợp giữa màu vàng óng ánh của những hạt xôi tròn căng được hong tỉ mỉ từ nếp cái hoa vàng kết hợp thêm vài lát đậu xanh cắt xéo vàng ươm và chút hành phi màu cánh gián thơm ngào ngạt. Tất cả đều được gói trong lá sen xanh, tỉ mỉ buộc bằng những lạt rơm mỏng mảnh như sợi nắng. Gói xôi nhìn giản đơn nhưng gói trọn cả mùa thu Hà Nội với tiết trời se se lạnh, ánh nắng óng ánh vàng trải dài trên những hàng cây xanh mướt như một bức hoạ tĩnh lặng mà êm đềm.

Trộm nghĩ, thưởng thức mùa thu Hà Nội thật sự bây giờ cũng giống như những thức quà ngon của nó, nhiều vô kể mà cũng vô cùng hiếm hoi. Thi thoảng, có dịp cảm nhận quay trở lại Hà Nội, tôi thường chọn một góc phố, ngồi lặng lẽ cảm nhận mùa thu Hà Nội với bầu trời trong veo, nắng vàng trải nhẹ, tiết trời dịu mát trên các cung đường, bồi hồi nhớ lại khoảng đời thơ ấu đã qua, thấy tóc mình thoang thoảng hương bồ kết dịu dàng.

Kỳ An

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quyết liệt các giải pháp ổn định thị trường bất động sản; Hà Nội: Đề xuất giá thuê nhà ở xã hội cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng; Hà Nội quy định tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất;... là một số nội dung đáng chú ý trong Bản tin hôm nay.

Làm tốt công tác đối ngoại trong tình hình mới; Cần có biện pháp mạnh để kiểm soát việc đầu cơ, thổi giá đất; Gỡ vướng thủ tục làm dự án nhà ở xã hội; Liên hợp quốc họp khẩn về Trung Đông;... là một số nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Một xe tải bị phạt gần 60 triệu khi qua cầu Đuống; Thêm tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành; Người giữ bình yên trên những tuyến đường Thủ đô;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Xe đạp Thống Nhất lên sàn; Chìa khóa phát triển bền vững cho doanh nghiệp; Xuất khẩu cà phê niên vụ 2023 - 2024 vượt mốc 5 tỷ USD; IMF cảnh báo kinh tế châu Âu ngày càng tụt lại so với Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?