Hà Nội bình dị mà duyên dáng
Nhiều cá thể chim về hồ Gươm làm tổ
Một sớm mùa thu, hàng trăm cá thể chim tự nhiên đã chọn vùng cây xanh giữa hồ Gươm và khu vực quanh hồ để làm tổ và kiếm ăn. Theo quy luật của tự nhiên, thời gian này những đàn chim ấy bắt đầu tìm tới những nơi an toàn, làm tổ và chuẩn bị cho mùa sinh sản, thường từ tháng 8 cho tới gần cuối năm.
Ở đó, những chú chim non mới sinh sôi ấy sẽ có một hai tháng để lớn lên, rồi bay đi về những phương trời xa lạ cho tới năm sau, khi tới mùa sinh sản thì chúng lại tìm về.
Loài chim chủ yếu đang sinh sống ở khu vực hồ Gươm hiện tại là chim cò xanh (một loài chim họ diệc), ngoài ra còn có cò trắng khoang đen và nhiều loài chim tự nhiên khác. Hình ảnh của những chú chim tung bay soi bóng trên mặt hồ Gươm tạo nên cảnh thơ mộng và yên bình. Hà Nội mùa chim làm tổ là những khoảnh khắc đẹp, lãng mạn giữa chốn thị thành.
Đất lành chim đậu. Sự tồn tại và phát triển của các loài chim là một trong những chỉ số quan trọng về chất lượng môi trường, sinh thái của một vùng đất. Tại Hà Nội, sự xuất hiện của những loài chim hoang dã cỡ lớn về hồ Gươm trú ngụ, kiếm ăn, cho thấy một không gian an toàn dù nằm giữa đô thị rất đông đúc.
Hà Nội đang xanh hơn
Những ngày đầu tháng 8, dù ánh nắng chưa bớt chói chang, nhiều con đường của thủ đô rợp bóng mát. Các tuyến phố cổ thường được trồng những loại cây đặc trưng, như phố Phan Đình Phùng với hàng sấu cổ thụ tán dày xanh mướt; phố Hoàng Diệu nổi tiếng với hàng xà cừ có gốc cây to đến ba bốn người ôm, thân cây cao vút tràn đầy sức sống.
Những năm gần đây, trong quy hoạch, Hà Nội chú trọng đẩy mạnh yếu tố “xanh” để tăng mảng xanh cho đô thị, góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị, hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành nơi đáng sống.
Trong rất nhiều chủng loại cây xanh đô thị được trồng mới, cây bàng lá nhỏ đang tạo được nhiều ấn tượng, làm xanh mát cho nhiều tuyến đường mới mở, như trên tuyến vành đai 2, đoạn đường Láng, Bưởi. Cây có tán lá đẹp, nhỏ gọn, các cành ngắn, mọc theo hướng chếch lên tạo vòm tán vừa phải, không tốn nhiều diện tích, phù hợp trong điều kiện không gian ngày càng bị thu hẹp. Và mỗi khi lá chuyển sang sắc vàng, vị trí này thành tâm điểm để các bạn trẻ đến chụp ảnh.
Hà Nội đã có quy hoạch cây đô thị trồng ở từng khu vực để tạo ra nét đặc thù về kiến trúc cảnh quan. Những con đường mới mở sau này mang vóc dáng hiện đại với đa dạng chủng loại cây được thiết kế 3-4 tầng, đã tạo nên một hệ thống cảnh quan đẹp và hiện đại. Việc trồng cây không chỉ phủ xanh thành phố, giúp điều hòa không khí, cải tạo môi trường mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho từng tuyến phố.
Hà Nội - thành phố của những mùa hoa
Thuận theo tự nhiên một năm sẽ có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, nhưng Hà Nội lại mang thêm một nét đẹp riêng đó là 12 mùa hoa ứng với 12 tháng trong năm. Những chiếc xe đạp cũ kĩ chở đầy hoa tươi đã trở thành một phần của Hà Nội, một hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày và là một nét duyên dáng Thủ đô.
Tháng giêng được bắt đầu với hoa đào bung nở khoe sắc trong ánh nắng phớt hồng. Ở Hà Nội, hoa đào được trồng nhiều nhất tại Nhật Tân, Phú Thượng..., là những làng hoa nổi tiếng lâu đời.
Bước vào tháng 2, hoa ban nở tím biếc trên phố và sẽ lưu lại trong khoảng 3 tuần trước khi rời cành. Cũng trong khoảng thời gian này hoa sưa trắng muốt sẽ gây thương nhớ. Bất chợt một ngày đi trên phố, bạn nhận ra hàng cây vẫn đứng lặng thầm suốt mùa đông bừng nở trắng xóa, đấy là sưa đã về với phố. Ở Hà Nội có một số nơi trồng nhiều như phố Kim Mã, Thanh Niên, Điện Biên Phủ…
Mùa hoa gạo Hà Nội bắt đầu khoảng tháng 3, khu vực nội thành cây gạo được trồng đơn lẻ, cao vút trên tầm các cây xung quanh. Nở hoa trong thời điểm Hà Nội mưa phùn ẩm ướt, bầu trời mù sương làm nền cho những bông gạo đỏ lựng.
Tháng tư, loa kèn chờ xuống phố. Mùa hoa đến nhanh và đi cũng thật nhanh. Có khi người ta chưa kịp nhận ra mùa hoa đã về thì cánh hoa loa kèn đã úa tàn. Từ trong nhà ra đến ngõ phố, từ ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng cho đến ngôi biệt thự sang trọng, trên giỏ chiếc xe đạp lọc cọc đến chiếc ôtô cao cấp thanh lịch, trong những chiếc lọ bằng men sứ thông thường hay những bình pha lê đắt tiền..., là loa kèn trong trắng và cao quý.
Mùa hoa muồng ở Hà Nội bắt đầu từ đầu tháng 5 và kéo dài đến hết tháng thì tàn phai. Hoa nở đẹp nhất vào thời điểm giữa tháng. Cây muồng được trồng khá nhiều ở Hà Nội, như quanh hồ Tây, các khu đô thị mới, đường Nguyễn Phong Sắc…
Khi sắc vàng hoa muồng dần tàn phai, hoa phượng vĩ bắt đầu khoe sắc. Những chùm hoa muồng và phượng vĩ nối nhau nở ven hồ Tây. Hoa phượng vĩ được trồng trên nhiều phố, có nơi trồng đan xen, có nơi chỉ một loại phượng vĩ. Tại trục đường dọc sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Gươm được trồng nhiều, hoa bắt đầu nở vào khoảng đầu tháng 6 báo hiệu hè về.
Bằng lăng được biết đến như một loài hoa đặc trưng của vùng nhiệt đới Nam Á. Ở Hà Nội, cây bằng lăng ban đầu được trồng để tạo cảnh quan đô thị và lấy bóng mát, dần trở thành một điểm nhấn quen thuộc với Hà Nội vào mỗi dịp hè về. Bằng lăng bắt đầu ra hoa vào khoảng đầu tháng 6, sắc tím của bông hoa gây ấn tượng mạnh cho nhiều con đường của Thủ đô.
Tháng 6 cũng là tháng của nhiều loài hoa đẹp và đặc trưng của thủ đô. Trong chiếc lán ven hồ, những cánh hoa sen mỏng manh tỏa hương thơm dìu dịu. Sáng sớm mùa hè, hãy đến với hồ sen, để thưởng hương sen, pha ấm trà sen thơm ngọt giọng và ngắm một hồ Tây lao xao gió yên bình.
Tháng 7, thơm hương hoa sấu, hoa xà cừ. Sau một mùa trút lá, những bông hoa sấu đầu tiên đã nở và rụng đầy trên những con phố. Có thể bạn sẽ không nhận ra những hương thơm ấy bởi hàng trăm mùi hương khác trên phố. Nhưng đâu đó phảng phất là vị ngọt của hoa sấu, là hương hoa xà cừ dìu dịu, thoang thoảng.
Khi những trận mưa rào tháng 8 nặng hạt đặc trưng của mùa hè tới thấm đẫm mặt đất sẽ là thời điểm rộ nở của dâu da xoan. Hoa kết thành từng chùm li ti, trắng tinh khiết. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, từng vạt hoa rơi xuống trắng cả con đường.
Tháng 9 và tháng 10, một Hà Nội bước vào thu với những cơn gió nhè nhẹ, se se lạnh cùng hương hoa sữa nồng nàn. Có thể nói hoa sữa chính là đặc sản của mùa thu Hà Nội. Có những con đường ở Hà Nội được mệnh danh là “phố hoa sữa”, bởi lẽ cứ đi vài mét lại có một cây. Những con phố Quang Trung, Nguyễn Du, Duy Tân, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lò Đúc, Đào Tấn... Đặc biệt, con phố Nguyễn Chí Thanh dài chừng 1,7 km có tới khoảng trăm cây hoa sữa.
Tháng 11, khi những cơn gió lạnh tràn về, là lúc những đóa cúc họa mi trắng tinh khôi nở rộ báo hiệu đông sang. Những bông hoa mỏng manh và dịu dàng khoe sắc không chỉ làm say đắm bao người mà loài hoa này còn mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tháng 12, độ đông về, cánh đồng hoa cải vàng rực rỡ, mênh mông là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách và người dân Hà Nội. Trong giá lạnh, sắc vàng tươi tắn của hoa cải làm rực sáng cả một khoảng trời ven sông, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp đầu đông ở Hà Nội.
Hà Nội có khí hậu nhiệt đới đặc trưng của miền Bắc, với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt, mang vẻ đẹp nên thơ, lãng mạn từ những loài hoa đặc trưng. Vẻ đẹp dịu dàng ấy khiến ai đi xa cũng phải nhớ về một Hà Nội bình dị mà duyên dáng vô cùng.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được xây dựng từ năm 1966, với diện tích gần 5000m2. Tòa nhà là một tác phẩm tổng hòa của kiến trúc cổ điển và hiện đại, kết hợp độc đáo giữa phong cách châu Âu với kiến trúc đình làng Việt Nam.
Dự án nghệ thuật công cộng ga Long Biên hoàn thành sau 2 tháng triển khai, cảnh quan khu vực đã hoàn toàn đổi khác với cụm tác phẩm nghệ thuật công cộng đa dạng như tranh 3D, sắp đặt điêu khắc và ánh sáng.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Giữa cái se lạnh buổi sớm của Hà Nội, ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” của nhạc sĩ Phú Quang vang lên bỗng cho ta cảm giác như mùa đông đang tới gõ cửa từng nhà. Khi gió se sắt lùa trên những mái ngói phong rêu, ngồi ở quán quen nơi góc phố, ủ trong tay một thức quà ấm nóng, gợi ký ức mùa xưa... Dường như mùa đông đã về...
Những bãi cỏ lau ven đê và cánh đồng hoa cúc vàng nở rộ ngay dưới chân cầu Long Biên đang là những điểm check-in không thể bỏ qua vào những ngày cuối thu này.
Đường Yên Phụ dài 1,4 km, bắt đầu từ dốc đường Thanh Niên đến phố Hàng Đậu. Điểm nhấn dọc tuyến phố là sự kết hợp giữa không gian xanh và các bức họa gốm sứ dài hơn 1000 mét, mô tả các thời kỳ lịch sử và giới thiệu cảnh quan, những địa danh nổi tiếng của Hà Nội.
0