Hà Nội bổ sung hơn 2.600 biên chế viên chức giáo dục | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội bổ sung hơn 2.600 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023 - 2024
Trong năm học 2023- 2024, trên địa bàn thành phố đã có 33 trường mầm non, phổ thông công lập được thành lập mới và đưa vào hoạt động với quy mô 554 lớp học và hơn 19.300 học sinh. Trong khi đó, số biên chế sự nghiệp giáo dục thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023-2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục. Trung ương đã quyết định thông báo bổ sung 2.648 biên chế cho TP Hà Nội, bao gồm: Biên chế mầm non 191 người, biên chế tiểu học 977 người, biên chế THCS 1.033 người, và biên chế THPT 447 người.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, tình trạng biên chế thiếu giáo viên xảy ra nhiều năm nay và Sở Nội vụ cũng đã tham mưu nhiều giải pháp. Số biên chế giáo dục được giao năm 2023 là hơn 97.500; số hiện có là hơn 90.600 và chưa sử dụng là 6.900. Với số thiếu hơn 6900 biên chế này, thời gian qua các đơn vị đã rất tích cực trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, việc chưa sử dụng số biên chế này do hai lý do. Thứ nhất, tuyển dụng chưa đạt chỉ tiêu được giao, có những đơn vị số ứng viên trúng tuyển chỉ đạt 75%. Thứ hai, các đơn vị được giữ lại tỉ lệ tinh giản biên chế 2% theo lộ trình. Đó là những lý do mà còn biên chế nhưng chưa được tuyển. Ngoài ra theo bà Liễu, số biên chế này vẫn thiếu nếu so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Sở Nội vụ Hà Nội cũng đã báo cáo Trung ương giao bổ sung chỉ tiêu.
Ngoài Hà Nội, hiện nay ngành giáo dục của nhiều địa phương khác cũng đang phải đối mặt với bài toán thiếu giáo viên. Mặc dù quyết định bổ sung biên chế giáo viên được xem là tín hiệu tích cực nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tuy nhiên số lượng biên chế chỉ có hạn, về cơ bản mới chỉ bổ sung phần nhỏ khoảng trống đang thiếu. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, nhất là về nguồn tuyển, trong đó đặc biệt nguồn nhân lực đối với các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025 khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành Giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp Tiểu học; trên 5.300 giáo viên Nghệ thuật ở cấp THPT.
Thiếu giáo viên không phải là vấn đề mới, tuy nhiên qua nhiều năm, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Và tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Nếu không sớm có các giải pháp căn cơ để ổn định nguồn nhân lực dạy học thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học; là một thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục cả nước trong việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.
Từ thực tế câu chuyện thừa, thiếu tại nhiều địa phương đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết để ổn định đội ngũ nhân lực ngành giáo dục về lâu dài bao gồm: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ với đội ngũ nhà giáo; giải quyết những bất cập liên quan đến tuyển dụng biên chế giáo viên. Và hơn hết, cần sự trách nhiệm và thấu hiểu sâu sắc về sự nghiệp giáo dục của các ngành các cấp có thẩm quyền để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay.
Gần 38% học sinh tiểu học thừa cân, béo phì, Hà Nội triển khai mô hình can thiệp
Gần 38% học sinh tiểu học ở Hà Nội thừa cân béo phì, một số trường nội thành lên tới 55%. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh tại một số trường Tiểu học của thành phố, giai đoạn 2023-2025 do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội tổ chức.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2017 – 2021, mỗi năm thành phố lấy nghiên cứu khoảng 7.300 mẫu/học sinh tại 90 trường, các khối lớp 5, 9, 12 để đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở học sinh Thủ đô. Kết quả, học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì rất cao, với gần 38%. Tiếp đến là cấp THCS có tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm gần 17 %, cấp THPT có tỷ lệ trên 11%. Đáng chú ý, tỷ lệ này gia tăng nhanh theo các năm.
Thừa cân béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ. Nhóm tuổi Tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng, do đó nếu can thiệp giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng cho biết, trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng nhẹ cân đang dần giảm xuống, thì tỉ lệ béo phì ở lứa tuổi học sinh lại rất đáng báo động. Tỉ lệ béo phì của trẻ 5-19 tuổi tăng vọt gấp hơn 2 lần trong 10 năm, từ 8,5% lên 19%. Theo PGS Nhung, nhiều người Việt vẫn có tâm lý ép cho con ăn để bù trừ những khi con đau ốm, khi đi học không còn được chăm sóc như ở nhà. Quan điểm này rất nguy hiểm. Hậu quả của thừa cân, béo phì là làm gia tăng tỷ lệ rối loạn mỡ máu ở trẻ em. Nghiên cứu thực hiện trên 500 trẻ em béo phì, có 30-55% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Bên cạnh đó, nguy cơ đái tháo đường trên nền trẻ béo phì cũng tăng lên. Cá biệt, có những bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì như: chế độ ăn không hợp lý, thừa năng lượng, chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng; Ít hoạt động thể lực; Ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường. Với lứa tuổi học đường, chế độ ăn không cân bằng, không đa dạng, trẻ thích ăn đồ chế biến sẵn, thức ăn có nhiều chất béo, không thích ăn rau, vận động ít càng làm gia tăng nguy cơ béo phì. Về dinh dưỡng học đường, các chuyên gia đánh giá nhiều trường đã chú ý đến bữa ăn học sinh hơn; giáo viên được đào tạo, tổ chức tốt hơn; có các phần mềm xây dựng thực đơn. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường học chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, tiếp nhận bữa ăn từ các công ty cung ứng thực phẩm. Đây là nguyên nhân khiến xảy ra ngộ độc thực phẩm. Cán bộ phụ trách bán trú của nhiều trường cũng chưa được đào tạo về dinh dưỡng
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh, liên ngành Sở Y tế - Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đã và đang triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tại một số trường Tiểu học của Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Mô hình sẽ thực hiện 5 mục tiêu gồm: đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng chống thừa cân béo phì...; cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ; tăng cường hoạt động thể lực; kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì.
Hơn 1,6 triệu người sở hữu từ 4 - 9 SIM di động
Chiều qua (8/4), tại họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, để xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển một công cụ giúp người sử dụng tra cứu xem mình đang sở hữu bao nhiêu SIM. Thống kê cho thấy, các nhà mạng đã nhận được 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414, kèm theo số giấy tờ để kiểm tra thông tin thuê bao. Trong khoảng thời gian từ 1/3 đến hết 31/3/2024, Cục Viễn thông ghi nhận khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc tập thuê bao có từ 4 - 9 SIM. Đến nay đã có khoảng 1.200 số thuê bao phản ánh tới các doanh nghiệp viễn thông, thắc mắc về số SIM lạ mà mình đang sở hữu. Từ đó, các nhà mạng đã loại bỏ các số thuê bao trong danh sách mà khách hàng phản ánh, thực hiện các thủ tục khóa 1 chiều, 2 chiều với các thuê bao không đúng tên, giấy tờ.
Theo đại diện một doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thông tin của người này bị lấy để đăng ký thuê bao của người khác, như việc một số người đăng ký sim cho cả gia đình, công ty, nhưng sau đó không còn liên lạc. Hay từ năm 2017, sau khi có quy định thuê bao đều phải có ảnh và chứng minh nhân dân, nhiều người dân không chịu đi bổ sung giấy tờ, khiến nhân viên nhà mạng, cửa hàng bán SIM... khi đó dùng tạm thông tin của người khác. Hiện các nhà mạng đã xây dựng quy trình chặt chẽ, rõ ràng để giúp người sử dụng tìm hiểu thông tin. Người sử dụng di động cũng có thể đề nghị loại bỏ thông tin của mình khỏi các thuê bao không đúng. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi, tránh việc khóa nhầm các thuê bao chính chủ.
SIM điện thoại với các ưu điểm như dễ phổ cập, dễ tiếp cận, giá thành rẻ… là một trong số các công cụ mà nhóm đối tượng ở Việt Nam, cũng như trên thế giới lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có cả cuộc gọi lừa đảo, giả danh.
Sau chiến dịch chuẩn hóa thuê bao năm ngoái, hơn 125 triệu thuê bao di động tại Việt Nam đã được cập nhật thông tin. Tuy nhiên, việc này chỉ đảm bảo thuê bao đều sử dụng thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong trường hợp phát hiện sim lạ đứng tên giấy tờ của mình, người dùng nên liên hệ nhà mạng để được hỗ trợ, nhằm tránh những rắc rối về sau./.
- 725 hộ nghèo tại Hà Nội sẽ được nhận nhà đại đoàn kết | Hà Nội tin mỗi chiều
- Một gia đình hiến hơn 1000 đơn vị máu | Hà Nội tin mỗi chiều
- Nhất trí hoán đổi ngày làm việc dịp 30/4, 1/5 để nghỉ 5 ngày | Hà Nội tin mỗi chiều
- Dự án khôi phục sông Tích hoàn thành vào cuối năm 2024 | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội thay mới rào chắn đường dành riêng cho xe đạp | Hà Nội tin mỗi chiều
Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.
Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?
Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.
Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?
Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?
0