Hà Nội cấm tuyệt đối báo trước kế hoạch kiểm tra ATTP | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội cấm tuyệt đối báo trước kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm; Công bố thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Quý I, lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng giảm… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay

Hà Nội cấm tuyệt đối báo trước kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm

Toàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn như vậy nên vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội được đặc biệt quan tâm.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), Hà Nội sẽ tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm. Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra tương tự. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bảo đảm thực chất, kiểm tra đột xuất và tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Quá trình kiểm tra phải bảo đảm triệt để, qua đó có biện pháp xử lý nghiêm. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã rà soát lại việc thiết lập và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn tập thể của một trường học trên địa bàn quận Long Biên

Trong năm 2023, Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 228 về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn TP. Hà Nội. Năm 2023, toàn thành phố đã thành lập gần 1.000 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm, phát hiện trên 10.000 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 10 tỷ đồng. Thông qua công tác kiểm tra đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Thời gian tới cùng với vai trò thanh tra kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó kết hợp với các hình thức tuyên truyền qua loa phát thanh, phát tờ rơi, cần đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để thông tin đến người dân rộng rãi hơn, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cùng với việc phát hiện và xử phạt, các đơn vị công khai vi phạm (tên, địa chỉ, nội dung vi phạm…) để có sức răn đe. Chúng ta cũng cần truyền thông, giới thiệu những mô hình hiệu quả trong kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

Công bố thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các Quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận lần này, Hà Nội có 2 di sản được công nhận gồm: nghề thủ công truyền thống nghề may Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa; lễ hội truyền thống Hội làng Văn Giang – Nam Dương, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức và xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa.

Nghề thủ công truyền thống nghề may Trạch Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa với 90% người dân sinh sống bằng nghề may áo dài truyền thống. Làng Trạch Xá hàng nghìn năm luôn tự hào vì đã từng may áo cho vua quan thời nhà Nguyễn. Hầu hết các công đoạn của việc may áo dài được làm thủ công với các đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ, thẳng tắp tạo nên những chiếc áo dài mềm mại, thướt tha, khoe được các nét duyên dáng, quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều thế hệ người thợ của Trạch Xá tay nghề cao đã vượt ra khỏi lũy tre làng đi mở cửa hàng, cửa hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt là có mặt ở khắp nơi ở Hà Nội, tiêu biểu là các hiệu may áo dài lâu năm ở phố Lương Văn Can.

Một cửa hiệu may áo dài ở phố Lương Văn Can (Hà Nội) xuất phát từ làng nghề may Trạch Xá. Ảnh: nhandan

Còn Lễ hội truyền thống hai làng Nam Dương (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) và Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) được tổ chức ba năm một lần. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tình nghĩa hai làng đến nay vẫn sâu đậm và lưu truyền lại cho lớp lớp các thế hệ con cháu mai sau nối tiếp. Lễ hội Nam Dương và Văn Giang khơi dậy niềm vui lòng tự hào về tình nghĩa hai làng, luôn động viên nhau đồng cam cộng khổ vượt mọi khó khăn. Lễ hội còn thể hiện những nét đẹp trong văn hóa của người Việt, giúp mỗi người dân hướng về cội nguồn dân tộc, gắn chặt tình đoàn kết, góp phần tô đậm những nét đẹp trong văn hóa phong tục của quê hương giàu truyền thống dân tộc.

Hà Nội là địa phương đứng đầu trong cả nước khi sở hữu khối lượng di sản văn hóa đồ sộ. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị những di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng được thành phố Hà Nội coi trọng, cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chương trình. Tiêu biểu như Chương trình số 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Thời gian qua, Thành phố cũng chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển CNVH – mũi nhọn kinh tế mà Hà Nội có nhiều lợi thế và tiềm năng so với các địa phương khác trong cả nước. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu vai trò của di sản trong thực hiện công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Việc Hà Nội, có thêm những di sản văn hóa phi vật thể được công nhận chắc chắn sẽ tạo ra những động lực, đòn bẩy, sức mạnh mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể  để những di sản này có những đóng góp tích cực hơn nữa vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế của Thủ đô Hà Nội.

Quý I, lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng giảm

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong quý I/2024, số lượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội một lần đều có xu hướng giảm. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, lũy kế đến hết quý I/2024, cả nước có hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Số người lao động tham gia chính sách tăng là minh chứng sống động cho thấy thị trường lao động, việc làm trong những tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc, giúp nhiều người lao động có việc làm mới và ghi tên vào hệ thống an sinh bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong ba tháng đầu năm, cơ quan này đã chi chế độ trợ cấp và hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho tổng số hơn 154.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm gần 2.000 người so với cùng kỳ năm trước. Về số người rút bảo hiểm xã hội một lần, lũy kế đến hết tháng 3 cả nước có hơn 308.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giảm hơn 180  người so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm tuy không nhiều, nhưng đó là tín hiệu đáng mừng.

Ảnh minh họa

Tại Hà Nội, thời gian qua nhờ thực hiện các giải pháp kết nối, tạo việc làm, nhiều lao động tại Hà Nội đã được tiếp cận các cơ hội việc làm mới, phần nào kéo giảm số lao động thất nghiệp trên địa bàn. Ngay trong sáng nay, tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng cũng đã tổ chức Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hai Bà Trưng năm 2024 với gần 4.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh.

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, năm 2023 thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 214.000 lao động, đạt 132,2% kế hoạch, giảm tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố xuống còn 2,01%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 2,97%. Năm 2024, để đảm bảo được mục tiêu giải quyết việc làm cho 165.000 lao động, Sở LĐTBXH Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong quý I/2024, Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 45.600 lao động, đạt 27,6% kế hoạch năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, những tháng đầu năm 2024, Trung tâm thực hiện nhiều phiên giao dịch việc làm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức các phiên việc làm lưu động tại các quận, huyện. Các phiên chuyên đề dành cho đối tượng cụ thể cũng được tổ chức như người lao động yếu thế, xuất ngũ, người chấp hành xong án phạt tù… Trong năm nay, dự kiến tổ chức 230 phiên giao dịch việc làm, bao gồm các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, online, chuyên đề, phiên lưu động và tuyển dụng 20.000 lao động qua các phiên giao dịch việc làm. Thời gian tới, đơn vị sẽ  tăng cường triển khai các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu lao động, tư vấn hướng nghiệp học nghề, tư vấn các kỹ năng tìm việc làm, kỹ năng tham gia thị trường lao động, chú trọng tăng kết nối cung – cầu lao động. Đồng thời rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động, và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nắng nóng kỷ lục chưa từng ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sẽ diễn ra trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khi kỳ nghỉ hè của học sinh còn chưa bắt đầu; Quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển con người của Việt Nam… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới; Đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; Hanoi On, giải pháp mới ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” với nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28/4; hai phóng viên của báo điện tử VnExpress và Thời báo VTV khi đang tiến hành tác nghiệp gần khu vực xảy ra vụ cháy ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) bị một nhóm người hành hung gây thương tích... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Người đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí; Hà Nội sắp khởi công cây cầu hơn 16.000 tỷ đồng nối hai bờ sông Hồng; Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ 25 đến 28/4… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID; Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm; Hơn 50% học sinh cấp tiểu học ở Hà Nội bị chứng béo phì... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Những tín hiệu tích cực về văn hóa đọc của người Hà Nội; Hà Nội kiểm tra đột xuất lĩnh vực an toàn thực phẩm; Mưa đá, giông sét xảy ra ở nhiều quận huyện tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.