Hà Nội cấp lý lịch tư pháp trực tuyến | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội cấp lý lịch tư pháp trực tuyến; Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; Hà Nội dự kiến mức hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội cấp lý lịch tư pháp trực tuyến

Từ ngày 30/3 tới đây, việc cấp lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng VneID sẽ được TP Hà Nội và các bộ, ngành triển khai.Với việc triển khai theo hướng này, công dân sẽ không phải đến Sở Tư pháp, đồng thời có thể đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc đăng ký nhận kết quả tại Sở Tư pháp.

LLTP là một loại giấy tờ được sử dụng để chứng minh bản thân có bị án tích hay không bị án tích. Thời gian vừa qua, nhu cầu xác minh LLTP của người dân có hiện tượng tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu LLTP cũng như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và tổ chức ở một số địa phương không thể đáp ứng được với nhu cầu tăng cao này.

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước trong thời gian qua. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến năm 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp hơn 51.200 phiếu, năm 2023 số lượng hồ sơ yêu cầu cấp gấp 1,5 lần năm 2022. Tuy nhiên, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế nên việc đáp ứng yêu cầu của người dân có khó khăn nhất định.

Ảnh: Thái San

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, thì việc cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID hoàn toàn có thể giải quyết được thực trạng này. VNeID được xây dựng với mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống. Ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số nên việc tích hợp thêm Phiếu LLTP là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách đã đề ra. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, với nhu cầu cao và việc tích hợp như vậy, Bộ Công an thời gian tới cần xem xét nâng cấp, phát triển đảm bảo ứng dụng hoạt động ổn định, liên kết, kết nối dữ liệu với các bộ ban ngành khác cũng như các dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ, đáp ứng được nhu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân. Các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể để người dân thực hiện thủ tục này. Người dân cũng cần chủ động và có trách nhiệm thực hiện theo các chỉ đạo trong việc cài đặt, định danh và sử dụng ứng dụng VNeID cho mình. Việc làm này mới chỉ là thí điểm tuy nhiên nếu mang lại hiệu quả cao, việc cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID cần sớm được nhân rộng và triển khai trên toàn quốc

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương, Hà Nội là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước được thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện. Thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ trong việc phân quyền này, Sở Tư pháp sẽ tăng tính chủ động, chịu trách nhiệm và tham mưu thành phố giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về cấp Phiếu LLTP, đề xuất cấp có thẩm quyền giảm mức phí cung cấp thông tin LLTP để khuyến khích người dân thực hiện cấp phiếu LLTP qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, trải qua một tuần chạy thử, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao đã hoàn thành 7/57 kế hoạch, tình huống. Đây là tiền đề quan trọng để cơ quan chức năng sớm hoàn tất việc chạy thử, đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vào khai thác.

Quá trình chạy thử đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cho thấy công tác vận hành diễn ra thuận lợi, đúng kịch bản. Sau đó độ khó sẽ được tăng dần để kiểm chứng nhân sự, việc chạy thử sẽ kết thúc vào ngày 26/4. Khi kết quả đảm bảo, cơ quan chức năng đưa ra chứng nhận an toàn hệ thống, sao đó Cục Đường sắt Việt Nam có vai trò thẩm định, báo cáo lên Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận. Dự kiến, tuyến sẽ được vận hành khai thác thương mại vào đầu tháng 7/2024. Về lý do đưa ra tới 57 kịch bản cho việc kiểm tra tuyến Metro, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đây là kịch bản được các chuyên gia quốc tế đề xuất dựa trên kinh nghiệm hàng trăm năm tại châu Âu, đảm bảo tuyến hoạt động hiệu quả, an toàn nhất. Vận hành thử là bước cuối cùng trong 8 bước. Trong trường hợp kịch bản thực hiện chưa thuần thục sẽ được tiến hành lại để tăng tính hiệu quả, an toàn.

Tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm trên đường ray hồi cuối tháng 8/2023. Ảnh: Phạm Chiểu

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, có chiều dài hơn 12km, được phê duyệt lần đầu vào năm 2006, tổng mức đầu tư 783 triệu Euro. Dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng đến tháng 9/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mới được khởi công, kế hoạch hoàn thành được lùi đến năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề vướng mắc, dự án tiếp tục xin lùi lại thời gian hoàn thành đến 2018, sau đó là năm 2022 và hiện nay là đến năm 2029.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km, trong đó có 342 km đi trên cao, 75 km đi ngầm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có tuyến Cát Linh-Hà Đông được đưa vào hoạt động. Trong tương lai không xa, khi tất cả các tuyến đường sắt đô thị đã hoàn thành xây dựng đi vào khai thác sẽ hình thành mạch máu giao thông chính của Thủ đô, tạo thành vòng tròn khép kín, kết nối trung tâm nội thành với các vùng phụ cận, các đô thị vệ tinh, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội còn được kỳ vọng làm thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân và văn hóa giao thông của người dân bởi những tiện ích mà nó mang lại. Đặc biệt, hệ thống metro còn góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại

Hà Nội dự kiến mức hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng

Hà Nội đang lấy ý kiến của người dân vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của thành phố Hà Nội. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với trên 800.000 đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong đó có gần 80.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Theo UBND TP Hà Nội, qua rà soát danh sách người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đa số người có công với cách mạng và thân nhân chủ yếu hưởng hằng tháng từ nguồn trợ cấp ưu đãi, không có lương hưu. Đa số người có công với cách mạng tuổi cao, sức khỏe yếu cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên. Chính vì vậy, hỗ trợ kịp thời người có công nhằm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn thành phố là cần thiết. Và là một giải pháp đảm bảo về mặt an sinh xã hội và thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với người có công với cách mạng, phù hợp với các quy định pháp luật, góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần đối với người có công.

Ảnh minh họa

Tại tờ trình, cơ quan soạn thảo đưa ra ba phương án về mức hỗ trợ đặc thù đối với người có công. Cụ thể, phương án thứ nhất: Hỗ trợ trợ cấp 0,5 lần mức chuẩn Người có công. Theo Nghị định số 55 ngày 21/7/2023 của Chính phủ thì mức chuẩn trợ cấp là 2.055.000 đồng. Như vậy, người có công và thân nhân hằng tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 1.027.500 đồng/tháng. Phương án hai: Hỗ trợ trợ cấp 0,7 lần mức chuẩn trợ cấp người có công. Như vậy, người có công và thân nhân hằng tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 1.438.500 đồng/tháng. Phương án ba: Hỗ trợ trợ cấp một lần mức chuẩn người có công. Như vậy, người có công và thân nhân hằng tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 2.055.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ thay đổi khi quy định về mức chuẩn trợ cấp người có công thay đổi. Trường hợp một cá nhân thuộc nhiều đối tượng người có công thì nhận hỗ trợ đối với một loại đối tượng.Tuy nhiên, để đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, cơ quan soạn thảo đề xuất chọn phương án hai, hỗ trợ 0,7 lần mức chuẩn người có công (1.438.500 đồng). Với mức hỗ trợ này, kinh phí dự kiến một năm là khoảng 1.200 tỷ đồng./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc đang thu hút lượng lớn du khách; Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay; Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Đây là yêu cầu của Chính phủ tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Đang giữa cái nắng nóng 39-40 độ C, hai hôm nay thời tiết Hà Nội bỗng mưa dông, sấm chớp và se lạnh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những dị thường của thời tiết trong thời gian gần đây.

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; 5 ngày nghỉ lễ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; Từ 2/5, thí sinh đăng ký thi tốt THPT năm 2024... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục; Từ 2/5, sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Kỳ nghỉ lễ năm nay, lượng du khách không tăng đột biến... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.