Hà Nội chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu kéo dài | Hà Nội tin mỗi chiều

Đang giữa cái nắng nóng 39-40 độ C, hai hôm nay thời tiết Hà Nội bỗng mưa dông, sấm chớp và se lạnh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những dị thường của thời tiết trong thời gian gần đây.

Hà Nội chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu kéo dài

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, do ảnh hưởng của hội tụ gió kết hợp với hoạt động của rãnh gió Tây trên cao, nên từ nay đến ngày 4/5, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có thể kèm theo cả dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Lượng mưa được dự báo phổ biến từ 50 - 80mm, có nơi cao hơn 80mm.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo mưa dông tại Hà Nội có thể gây ra hiện tượng sạt lở đất, đặc biệt là ở các khu vực có địa hình dốc; làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, đường phố, ách tắc giao thông... Đặc biệt, mưa lớn kèm dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có nguy cơ làm gãy đổ cây xanh, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng...

Hà Nội liên tục chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Đức Cường cho biết, từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện tại nhiều nơi trên cả nước. Dự báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm còn xuất hiện trong thời gian tới. Theo ông Cường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra là phải chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia,  hiện tượng dông, lốc, mưa đá khó có thể dự báo xa được nhưng có thể cảnh báo sớm hiện tượng này qua các thiết bị theo dõi như sử dụng ảnh mây vệ tinh, ảnh rada với độ phản hồi lớn; từ đó có thể đưa ra được cảnh báo về hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá trước khoảng 30 phút đến 1 tiếng.

Ông Hưởng khuyến nghị người dân nên thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn thông qua các kênh phát thanh, truyền hình, báo chí, cổng thông tin cảnh báo trực tuyến của cơ quan khí tượng thủy văn để chủ động phòng tránh.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra trên 7 nghìn vụ tai nạn lao động. Số vụ tai nạn lao động này làm hơn 7.500 người bị thương tích, 662 người chết. Mặc dù con số có giảm so với năm 2022, nhưng con số người bị nạn và chết do tai nạn lao động vẫn lớn.

Mới đây nhất là vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai xảy ra ngày 1/5, khiến 6 người tử vong; hay vụ tai nạn nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong.

Xa hơn nữa, ngày 15/4, tại số nhà 22 ngõ Tức Mạc (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) chủ căn nhà thuê thợ sửa chữa mái kính tại khu vực giếng trời có diện tích 18m2. Trong quá trình sửa chữa, phần kính bị vỡ khiến nhóm công nhân này rơi xuống, làm 2 công nhân tử vong, 2 người bị thương.

Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai xảy ra ngày 1/5.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, tác phong công nghiệp còn rất hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Thạc sĩ về vật liệu kết cấu Phạm Ngọc Trung cho biết, mất an toàn lao động có nguy cơ lớn đối với nhà thầu, đơn vị sản xuất vừa và nhỏ, mà các đơn vị này chiếm đa số trong ngành xây dựng và vật liệu. Họ không thể duy trì đội ngũ công nhân chuyên nghiệp số lượng lớn do mức lương và bảo hiểm, nên khi có việc sẽ thuê nhân công thời vụ - những đối tượng này rất khó quản lý và đào tạo, nên trong quá trình thi công họ không tuân thủ an toàn hoặc coi thường, tắc trách, mất an toàn với cả chính họ và người khác.

Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhìn nhận, về bảo vệ người lao động cũng như bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, hệ thống pháp luật Việt Nam với các quy chuẩn, nghị định, thông tư qua Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, bộ luật Lao động 2019... gần như đã đầy đủ.

Tuy nhiên, cần phải xem xét yếu tố con người. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn không quan tâm, xuề xòa với an toàn của người lao động như ít kiểm tra, yêu cầu về trang phục bảo hộ, không thường xuyên tập huấn quy trình khi xảy ra sự cố...

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người lao động và tiến độ thi công công trình, tình trạng tai nạn lao động còn ảnh hưởng tới danh tiếng của nhà thầu và dự án. Vì vậy, các nhà thầu cần chú trọng hơn nữa tới các biện pháp giảm rủi ro tai nạn lao động để người lao động yên tâm làm việc, đảm bảo tiến độ công trình cũng như uy tín của mình. Người lao động cũng cần tuân thủ đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Sản phẩm hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, người tiêu dùng nếu sử dụng những sản phẩm hóa mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như ăn mòn da, hư hỏng các vật dụng như máy giặt, chậu rửa… Ngoài ra, các nguyên liệu có trong nước giặt nếu được pha hóa chất độc hại sẽ tác hại trực tiếp đến môi trường, khiến người tiếp xúc bị ảnh hưởng hệ hô hấp khi ngửi hoặc hít phải.

Ham lợi nhuận, nhiều cá nhân vẫn lén lút sản xuất hóa mỹ phẩm giả để tuồn ra thị trường. Nhiều người tiêu dùng chấp nhận mua hàng nhái, kém chất lượng là do giá cả của những sản phẩm này khá rẻ. Nhưng có không ít khách hàng bỏ nhiều tiền triệu mua sản phẩm, tưởng chính hãng, hóa ra hàng dởm.

Hóa mỹ phẩm được bày bán tràn lan.

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Hoàng Trọng Bình, trong 4 tháng đầu năm 2024, Cục đã kiểm tra, xử lý 159 vụ vi phạm về mặt hàng hóa mỹ phẩm, nước giặt giả, nhái, không nguồn gốc xuất xứ, phạt hành chính 3,2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 4 tỷ đồng.

Có thể thấy, mỹ phẩm giả có đất sống, khiến thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam loạn giá, loạn chất lượng một phần cũng là do tâm lý thích hàng hiệu nhưng lại ham rẻ của một bộ phận người tiêu dùng.

Trước những tác hại không nhỏ của hàng giả, mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng việc tìm đến các sản phẩm chính hãng từ các cửa hàng có uy tín, yêu cầu cung cấp hoá đơn, chứng từ nhập khẩu. Tuyệt đối đừng vì ham khuyến mại, giá rẻ mà rước họa vào thân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.