Hà Nội, cốm và thu

Sớm nay bỗng có người thấy tâm hồn sao khác lạ, cứ lâng lâng một cảm giác yên lành. Ngập ngừng cảm nhận bước chân xa của mùa gần tới. Thấp thoáng trên phố, chị hàng cốm đi qua để lại tiếng rao nghe rất đỗi quen thuộc. Không biết có thu thì mới có cốm hay chính hương cốm gọi thu về cho Hà Nội.

Nhiều người nói nếu không có mùa thu sẽ chẳng có một Hà Nội độc đáo và ấn tượng đến thế. Phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu với những thảm lá vàng bay bay trong gió càng làm cho thu Hà Nội trở nên đắm say.

Những cơn gió heo may se se bờ môi, nắng vàng mơ lấp lánh như rót mật, tất cả tạo nên một thu quyến rũ. Và đặc biệt, thu Hà Nội còn hấp dẫn bởi những gói cốm xanh mà ai cũng muốn thưởng thức một lần.

Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm hương trời, khí đất, tích tụ qua bao ngày nắng hạ để mang tới vị ngon đặc biệt chẳng thể tả bằng lời.

Cốm - món quà tinh tế của mùa thu Hà Nội. Ảnh: ngonhanoi.

Người Hà Nội cực kỳ tinh tế và khéo léo, gói cốm phải bằng hai lần lá. Lá ráy gói bên trong như màng bọc thực phẩm giữ cốm không bị khô. Mang đi xa làm quà vẫn giữ nguyên độ mềm, độ dẻo, phần ngoài mới gói bằng lá sen. Cầm trên tay gói cốm bọc trong những chiếc lá sen phảng phất thứ hương thoát tục, từ từ mở ra, nhón một nhúm cốm bỏ vào miệng, nhẩn nha nhai mới cảm nhận được hết sự ngọt bùi, tinh túy. Cái thứ nếp non ngậm sữa ngọt ngào khi đã tích nắng, đong gió để mà xanh, để mà kết tinh thành hạt. Thứ nếp ấy vừa tròn hạt thì người ta gặt về, tách hạt ra khỏi bông mà hạt cứ lưu luyến chẳng muốn rời. Quà ăn chơi thôi nhưng hấp dẫn vô cùng.

Cốm dẻo ngọt, cái ngọt thanh thanh cùng hương thơm man mát của nếp non tan ra từ đầu lưỡi, nhón tay không dính nhưng dẻo quẹo, ăn hạt cốm mà như có cả thơm thảo đồng quê. Thức quà giản dị nhưng chinh phục bao người, ăn rồi nhớ, rồi vấn vương lúc nào không biết.

Hà Nội nổi tiếng với cốm Làng Vòng, nó quyến rũ người ăn bởi sự tỉ mỉ trong quá trình chọn nguyên liệu và chế biến. Cốm ngon phải được làm từ những bông lúa nếp đã buông câu nhưng vẫn còn màu xanh lá mạ được gieo cấy ở những mảnh ruộng riêng, không bị lẫn lúa khác. Đến ngày lúa khum ngọn, hạt nếp còn sữa thì lúa được gặt đem về. Lúa làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt cẩn thận để hạt nếp không bị trầy, bị nát. Sau đó lúa nếp non được cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải giã ngay, không được để nguội, khi thành cốm mới có độ dẻo. Thứ nếp để làm được cốm quý là hạt lúa nếp cái hoa vàng, nhỏ hơn, tròn trặn hơn hạt nếp thường. Là thứ nếp mà khi ta nhấm thử một hạt, vị ngọt mát như sữa lan tỏa khắp đầu lưỡi.

Hà Nội nổi tiếng với cốm làng Vòng. Ảnh: Sở Du lịch Hà Nội.

Cốm Hà Nội có từ nghìn năm trước, xưa là đặc sản quý tiến vua và trở thành món ăn tao nhã của người Tràng An. Ăn cốm không phải ăn lấy no, ăn cốm là thưởng thức hương vị của mùa thu, thưởng thức cái tinh tế của món quà đặc biệt đất Hà Thành. Cách ăn của người Hà Nội cũng đặc biệt, có thể ăn cốm không, cũng có thể dùng chuối trứng cuốc chấm với cốm để thưởng thức. Từ cốm, người Hà Nội cũng làm ra bao món ăn khác được mệnh danh món ngon Hà Nội như chè cốm, chả cốm, bánh cốm. Mỗi món ăn đều mang hương vị riêng thấm đẫm sự tinh tế của người Hà thành.

Hà Nội những ngày đầu thu, gió heo may se se, nắng như rót mật trên những tán lá xanh cũng là lúc hương cốm lan tỏa phố phường. Ngõ ngách nào cũng bắt gặp một gánh hàng rong với cốm xanh mát. Những hạt cốm xanh mịn đặt trên tàu lá sen còn gợn phấn, mùi thơm của cốm quyện với lá sen tạo nên thứ hương không thể lẫn. Nó vấn vương bao người đặt chân tới Hà Nội, một lần được thưởng thức.

Hôm qua, Hà Nội đón trận mưa rào mát rượi, làm dịu đi không khí oi nồng còn sót lại của mùa hạ. Tháng 8, sen nói lời giã bạn, những bông cúc tinh khôi đã kịp đến bên thềm trên những gánh hàng hoa mỗi sớm. Những gói cốm xanh mát bên trái hồng đỏ mọng cùng trái na mắt xanh biếc của gánh hàng rong trên phố như một biểu tượng bình yên trong ồn ào của nhịp sống.

Lê Hà

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.

Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.

Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!

Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.