Hà Nội dành 81 nghìn tỷ đồng cải tạo công viên | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội dành 81 nghìn tỷ đồng cải tạo công viên; Bảo vệ hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc; Đến hết ngày 31/3, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dành 81 nghìn tỷ đồng cải tạo công viên

81 nghìn tỷ đồng là số tiền thành phố Hà Nội dành cho việc cải tạo 16 công viên, vườn hoa trong năm nay. Số công viên còn lại sẽ thực hiện trong năm 2025. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến quý I của Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố.

Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Người dân hy vọng vào một Hà Nội xanh hơn, thân thiện hơn và trong lành hơn, có thêm nhiều không gian cho cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đối với 41/45 công viên, vườn hoa do các quận thực hiện, sau hơn hai năm triển khai, đến nay các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa, đạt khoảng 31% kế hoạch. Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa, dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch. Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành 11 công viên còn lại, vườn hoa đạt khoảng 91% kế hoạch. Riêng bốn công viên: Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2025 và 2026.

Cổng chính công viên Thống Nhất. Ảnh: Daidoanket

Với 111 công viên, vườn hoa lớn nhỏ do các quận huyện chủ động thực hiện, thành phố giao các quận huyện tập trung sớm hoàn thành công tác đầu tư từ nay đến năm 2025 để phục vụ người dân địa phương cũng như bổ sung thêm không gian cây xanh cho Thủ đô.

Thiếu không gian công cộng và chỗ vui chơi, giải trí cho người dân đang là vấn đề cấp thiết. Không ít các khu đô thị mới chưa chú trọng hạ tầng, không gian công cộng. Nhiều nơi xây công viên nhưng sử dụng không hiệu quả, thậm chí bị biến tướng kinh doanh trục lợi. Việc đầu tư cho không gian xanh không chỉ góp phần trong việc điều hòa không khí, thúc đẩy bảo vệ môi trường mà còn tránh lãng phí từ những mảnh đất vàng của Thủ đô.

81 nghìn tỷ đồng dành cho việc cải tạo, nâng cấp công viên là một số tiền lớn, thể hiện nỗ lực trả lại công năng và giá trị vốn có của các công viên Thủ đô. Khi số tiền này được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng tiến độ, các công viên sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ người dân thì giá trị, ý nghĩa của một chủ trương lớn càng được khẳng định và tăng lên nhiều lần.

Bảo vệ hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc

Nếu là một người yêu cây xanh, đặc biệt là yêu những hàng cây cổ thụ của Thủ đô có lẽ những ngày qua đều cảm thấy tiếc nuối, xót xa khi hay tin cây sao đen trăm tuổi trên phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng bị bức tử, đốn hạ.

Một người dân sống ở phố Lò Đúc nói, rất đau xót và tiếc nuối khi cây sao đen trăm tuổi, cao gần 20m, đường kính 1m vốn xanh tươi nay chỉ còn trong ký ức. Với chị và nhiều người dân nơi đây, những cây sao đen như người bạn đặc biệt gắn với biết bao kỷ niệm. Việc mất đi bất cứ cây nào trên con phố thân thuôc này cũng khiến họ cảm thấy bị mất mát.

Cây sao có tuổi đời hàng trăm năm ở số 65 phố Lò Đúc, Hà Nội đã bị chặt hạ. Ảnh: Cẩm Hà

Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều chương trình và dự án với nguồn ngân quỹ lớn để bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã rất quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai các biện pháp bảo vệ, duy trì và phát triển cây xanh đô thị, nhưng một bộ phận cư dân vì những lợi ích cá nhân nhỏ hẹp đã có những hành vi xâm hại cây xanh một cách thô bạo, thậm chí là liều lĩnh. Cây sao đen quý hiếm trước cửa số nhà 65 Lò Đúc bị kết luận là chết và bị chặt hạ có nhiều dấu hiệu bất thường. Do đó, rất cần cơ quan công an vào cuộc để trả lời câu hỏi của dư luận là liệu có hay không việc cố tình làm cây chết, từ đó đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm để đủ tính răn đe.

Hôm qua (26/3), lãnh đạo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, đơn vị có chức năng quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố cho biết, Trung tâm sẽ nhanh chóng khắc phục bằng cách trồng lại một cây sao đen vào ngay vị trí cây sao đen đã bị đốn hạ, trước nhà 65 Lò Đúc. Động thái này có lẽ chưa làm nguôi lòng người Hà Nội, đặc biệt là người dân trên phố Lò Đúc. Trải qua bao biến cố thăng trầm những cây sao còn lại ở phố Lò Đúc bây giờ đã trở thành tài sản quý, hơn thế là di sản rất cần được kiểm kê, lập hồ sơ theo dõi, giám định “sức khoẻ” và bảo vệ. Việc chăm sóc, bảo vệ mỗi cây xanh cũng chính là thể hiện văn hóa yêu thiên nhiên của con người. Không thể để tái diễn việc xâm hại cây xanh một cách ngang nhiên, ngang ngược ngay giữa Thủ đô.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán sẽ bị xử lý

Đến hết ngày 31/3, nếu cây xăng nào chưa thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung văn bản của Bộ công Thương gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương về thực hiện hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Chủ các doanh nghiệp cho rằng thực hiện chủ trương này chi phí đầu tư ban đầu sẽ lên tới cả trăm triệu đồng/cửa hàng, chưa kể chi phí xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán cũng tốn kém. Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, ngay khi không xuất hóa đơn điện tử thì các chủ cửa hàng xăng dầu cũng phải nắm được lượng xăng bán ra trong ngày, số tiền thu được như thế nào để tránh tình trạng nhân viên bán hàng có những hành vi bán xăng dầu gian lận. Vì vậy, họ cũng phải có phần mềm quản lý bán hàng. Phần mềm quản lý bán hàng đó sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu về xuất hóa đơn điện tử trong máy tính. Do đó, chi phí thêm không nhiều. Không những thế, cơ sở dữ liệu về xuất hóa đơn điện tử cũng bảo vệ hình ảnh, thương hiệu cho chính cửa hàng xăng dầu. Chúng ta cần coi vấn đề khi mua hàng cần xuất hoá đơn phải là một thói quen, như vậy sẽ đảm bảo việc kiểm soát hàng hoá và thị trường xăng dầu minh bạch.

Ảnh minh họa: Hoàng Hy

Tại Hà Nội, tất cả cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố cùng với các sở ngành có liên quan.

Tính đến nay, cả nước có hơn 15.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã phát hành hoá đơn điện tử từng lần bán hàng, ước đạt gần 95%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 800 đại lý xăng dầu chưa thực hiện quy định phát hành hoá đơn điện tử mỗi lần bán hàng. Thủ tướng đã  yêu cầu trong tháng 3 này, nếu cửa hàng xăng dầu không thực hiện xuất hoá đơn điện tử sẽ bị rút giấy phép. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với quan điểm phải ấn định thời hạn cuối cùng cho việc áp dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu với những chế tài đủ sức răn đe. Việc khất lần thời hạn thực hiện không chỉ tạo cơ hội cho nạn kinh doanh trái phép xăng dầu và trốn thuế hoành hành mà còn khiến thị trường xăng dầu kém minh bạch, đe dọa đến an ninh năng lượng của đất nước.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn 31/3. Có lẽ các doanh nghiệp chưa thực hiện xuất hóa đơn điện tử sẽ cần lựa chọn cách tuân thủ pháp luật thay vì những cái hành vi vi phạm để ảnh hưởng đến thương hiệu của mình, thậm chí có thể bị tước giấy phép kinh doanh./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phố lên đèn cũng là lúc bữa tiệc của những tay chơi bắt đầu. Những âm thanh chát chúa vang lên. Tất nhiên không thể thiếu đồ uống có cồn và cả bóng cười. Thoạt nhìn, những quả bóng được thổi lên chẳng khác nào chiếc bóng bay thông thường. Nhưng bên trong nó lại không hề đơn giản.

Theo quy định hiện hành, đổ rác sai quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, ngõ trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khá nhiều “điểm đen” rác thải. Ngoài lý do một số người dân có ý thức kém, việc khó xử lý người vi phạm là nguyên nhân khiến tình trạng đổ rác bừa bãi còn phổ biến và ảnh hưởng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị.

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.