Hà Nội đánh thức tiềm năng du lịch sông Hồng | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội đánh thức tiềm năng du lịch sông Hồng; Từ 1/7, lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, tăng cao nhất từ trước đến nay... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội đánh thức tiềm năng du lịch sông Hồng

Sông Hồng với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, làng cổ đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đặc trưng của Hà Nội. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của con sông này vẫn đang ngủ đông khi chưa được khai thác xứng tầm.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, ngành du lịch Thủ đô chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế của từng địa phương.

Ngày 21/6, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát một số tuyến điểm du lịch dọc sông Hồng.

Tuyến du lịch sông Hồng do Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng khai thác từ nhiều năm qua, hiện có 6 tuyến tham quan chính với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, như: Những nhịp cầu hạnh phúc; Ấn tượng sông Hồng và 4 chương trình Trên dòng sông Phật pháp với hành trình thăm các đình, đền, chùa từ huyện Gia Lâm, Thường Tín (Hà Nội) đến huyện Khoái Châu (Hưng Yên), Duy Tiên (Hà Nam), thị xã Từ Sơn và huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Đền Dầm (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những điểm đến hấp dẫn của tuyến "Ấn tượng sông Hồng". Ảnh: Linh Tâm/ Hanoimoi.

Trong đó, tuyến Ấn tượng sông Hồng thăm đền Đại Lộ, đền Dầm (huyện Thường Tín, Hà Nội), đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã hình thành từ hơn 20 năm trước.

Trước đó, Sở Du lịch phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội khảo sát xây dựng tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch văn hóa, làng nghề trên khu vực sông Hồng nhằm đưa vào khai thác tour du lịch đường thủy kết nối phố cổ Hà Nội với làng gốm sứ Bát Tràng, di tích đền thờ Chử Đồng Tử.

Đây là một trong những hoạt động góp phần để ngành du lịch Hà Nội quảng bá hình ảnh Thủ đô đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thúc đẩy việc đạt được mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến với Hà Nội trong năm 2024, trong đó, 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 103 nghìn tỷ đồng.

Hạn chế lớn nhất hiện nay là hệ thống bến cảng, bến tàu thủy nội địa ở Hà Nội thiếu trầm trọng và không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khiến tàu du lịch khó cập bến, đặc biệt là vào mùa nước cạn từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.

Sự chồng chéo trong các chính sách, quy định về cấp phép, quản lý bến tàu thủy nội địa và phương tiện đường thủy cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư không dám vận hành, khai thác sản phẩm du lịch đường sông tại Hà Nội.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bến bãi và cảnh quan hai bên sông; sản phẩm du lịch cũng như công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm còn nghèo nàn, đơn điệu; thiếu hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ tốt; thiếu tính liên kết, hoạt động tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm tại các làng nghề, làng cổ ở các địa phương trên dọc tuyến sông còn hạn chế là những nguyên nhân khiến tuyến du lịch sông Hồng chưa thu hút được du khách trong nước và quốc tế.

Hoàng hôn trên sông Hồng. Ảnh: Linh Tâm/ Hanoimoi.

Tạp chí Rianovosti của Nga đã từng bình chọn sông Hồng là một trong 18 thắng cảnh đẹp nhất thế giới. Có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160 km, trên địa bàn 15 quận, huyện, thị xã trong đó có tới 40 km qua nội đô nên dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề đặc sắc của Hà Nội như đình Chèm (Bắc Từ Liêm), đền Ghềnh (Long Biên), đền Dầm (Thường Tín), làng gốm cổ Bát Tràng; cùng với cây cầu Long Biên cổ kính hơn năm 100 tuổi, cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Hà Nội và nhiều làng chài, trang trại, nhà vườn ven sông hấp dẫn du khách.

Sau chương trình khảo sát, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch cụ thể. Từ đó, tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về việc khai thác, phát triển tuyến du lịch sông Hồng.

Trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng và quản lý bến tàu thủy nội địa; cải tạo cảnh quan môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tàu, đội ngũ hướng dẫn viên, lắp đặt hệ thống audio guide (thuyết minh tự động) và hệ thống màn hình chiếu trên tàu để tăng cường thông tin về các điểm đến cho du khách.

Từ 1/7, lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, tăng cao nhất từ trước đến nay

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ tại cuộc họp báo vào chiều 20/6, từ ngày 1/7, lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng lên 2,34 triệu đồng, tăng 634.000 đồng so với mức lương cũ và mức lương tối thiểu vùng tăng 6%.

Đợt cải cách tiền lương vào tháng 7 tới đây được rất nhiều công chức, viên chức, người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay chỉ đáp ứng các điều kiện sống cơ bản.

Việc cải cách tiền lương với mức tăng khoảng hơn 30% cho công chức, viên chức đem lại niềm vui, động lực với nhiều người làm công ăn lương. Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu không có nỗi lo thường trực, đó là giá cả tăng theo lương.

Nếu giá cả thị trường tăng quá cao thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo lại gặp khó khăn vì tăng lương không theo kịp giá cả thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin tại họp báo. Ảnh: Báo Thanh niên.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, một nhóm hàng có chỉ số giá giảm. CPI tăng và tập trung ở các nhóm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.

Những tháng qua, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ổn định thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Mới đây, vào ngày 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp về quản lý, điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024. Phó Thủ tướng lưu ý, còn hơn 6 tháng là kết thúc năm 2024, áp lực lạm phát vẫn thường trực, đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải biển làm chi phí vận tải tăng lên, một số mặt hàng dịch vụ theo yêu cầu cơ cấu giá thành đòi hỏi phải tăng giá. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới và trong nước để đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, tinh thần phải kiểm soát được trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%.

Đặc biệt trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng là rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 tới, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, các yếu tố hình thành giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống. Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh cả nước đang tập trung hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ gây ra, Hà Nội quyết định dừng bắn pháo hoa dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Ứng dụng Công dân Thủ đô số iHanoi là ứng dụng thông minh giúp kết nối chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Tích hợp bốn chức năng chỉ trong một phần mềm, ứng dụng iHanoi được UBND thành phố Hà Nội đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6 năm nay và dần trở nên quen thuộc với người dân.

Hà Nội sẽ sớm khởi công cầu Tứ Liên và Trần Hưng Đạo. Thông tin vừa được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đưa ra đúng lúc tình trạng các cây cầu bắc qua sông Hồng đang được nhiều người quan tâm.

Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông tin về hai hình thức lừa đảo chủ yếu qua điện thoại trong thời gian gần đây.

Sau 3 năm thi công, với mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã khánh thành vào sáng 21/9.

26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão lũ chiếm đến 41% GDP và 40% dân số cả nước. Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, giãn hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ.