Hà Nội đặt mục tiêu quản lý chất lượng không khí đến năm 2030 | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội đặt mục tiêu quản lý chất lượng không khí đến năm 2030; Việt Nam là nước xuất khẩu smartphone lớn thứ hai thế giới… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội đặt mục tiêu quản lý chất lượng không khí đến năm 2030 

Chất lượng không khí tại Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng khi nhiều ngày trong năm ghi nhận chỉ số chất lượng không khí hàng ngày - AQI ở mức kém và xấu, cùng với nồng độ bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống) cao gấp đôi so với quy chuẩn.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến 2035 nhằm ứng phó tình trạng "chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng". Trong kế hoạch này, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu để có từ 75% đến 80% số ngày trong năm với chỉ số AQI ở mức tốt và trung bình. Các biện pháp chính trong kế hoạch bao gồm kiểm soát nguồn phát khí thải, tăng cường giám sát, cảnh báo chất lượng không khí để cải thiện môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Dẫn báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, thành phố cho hay giai đoạn 2019-2020, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Đến nay, Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy bụi mịn PM 2.5, PM 10 có nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường.Trong đó, nguồn giao thông chiếm hơn 66 % đối với PM 2.5 và hơn 54% đối với PM 10. Ngoài ra, tình trạng đốt rơm rạ ngoài trời và hoạt động công nghiệp cũng được xác định là nguồn phát thải lớn.

Nhiều ngày trong năm, Hà Nội ghi nhận chỉ số chất lượng không khí hàng ngày - AQI ở mức kém và xấu.

Trước đó, theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân công bố năm 2020, ô nhiễm không khí khiến Việt Nam thiệt hại  từ 10 đến 13 tỷ USD mỗi năm.  Chính vì vậy, Hà Nội đặt mục tiêu kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát, cảnh báo chất lượng không khí để cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động đến kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Thành phố phấn đấu đến năm 2030, 75%-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình.

Thời gian qua, Thành phố cũng đã triển khai một số đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội…Thành phố cũng đã đầu tư hạ tầng giao thông công cộng như xe buýt nhanh BRT, đường sắt trên cao và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến 2035 mà Ủy ban nhân dân thành phố đang lấy ý kiến, được sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự vào cuộc thực thi thực chất của chính quyền địa phương, sẽ cải thiện chất lượng không khí, tạo ra môi trường sống lành mạnh và bền vững cho thành phố Hà Nội.

Việt Nam là nước xuất khẩu smartphone lớn thứ hai thế giới

Hai cường quốc của thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang trở thành khách hàng lớn nhất của điện thoại và linh kiện điện tử sản xuất từ Việt Nam… Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 5,5 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 50% so với tháng trước đó. So với cùng kỳ năm 2023, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng hơn 11%.

Ảnh minh họa

Thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong tháng 1/2024 là Mỹ. Việt Nam đã xuất sang Mỹ gần 1,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 25% trong số các thị trường xuất khẩu. Xếp thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 734 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13%. Hàn Quốc đứng thứ 3 với hơn 330 triệu USD, tương đương 6% tỷ trọng.  Trong năm 2023, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã thu về hơn 52 tỷ USD, là mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao thứ 2 trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, chỉ sau máy vi tính  và sản phẩm điện tử. Dữ liệu quốc tế cho thấy Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu smartphone lớn thứ hai thế giới, với thị phần 12%, xếp sau Trung Quốc với gần 50%.

Theo báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 210 triệu chiếc smartphone, chủ yếu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc. Về điện thoại nguyên chiếc, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 33 tỷ USD - phần lớn đến từ Samsung, chiếm 95%, tương đương 31,4 tỷ USD). Hàn Quốc đang có các nhà máy sản xuất điện thoại di động đặt tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam đang tăng mạnh trở lại. Việc tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong đó có xuất khẩu điện thoại và linh kiện./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam ta thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò, sức mạnh quân sự Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (có hiệu lực từ 1/1/2025), quy định xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định khí thải hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.

Hơn một tháng nữa, Tết đến xuân về. Những trận mưa phùn cuối tuần trước cộng với tiết trời lạnh đặc trưng của mùa đông, mầm xanh trên cành đào bừng tỉnh, báo hiệu người dân đã sẵn sàng cho vụ Tết đang cận kề. Ở những làng hoa ven đô như Tây Tựu, Ngọc Hà từng tốp người chăng đèn sưởi ấm cho hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội.

Là một người yêu Hà Nội, hẳn chúng ta luôn thấy hạnh phúc vì những thứ mình đang có và cả những thứ Thành phố này đem lại cho mình. Ở Hà Nội, ta sẽ quen với cảm giác được thức giấc bởi tiếng loa phường thân thuộc chào ngày mới "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Câu hỏi đặt ra liệu đâu đó còn những Mr.Pips tương tự như thế nữa không?

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua sáng - xanh - sạch - đẹp của TP. Hà Nội. Nhiều giải pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu này, trong đó đáng chú ý có vài chi tiết như: 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời thực hiện giảm việc đốt vàng mã.