Hà Nội đề nghị sử dụng cơ sở di dời xây dựng trường công | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội đề nghị ưu tiên quỹ đất xây dựng trường công; Bộ Nội vụ đề xuất giải pháp ngăn chặn 'bổ nhiệm thần tốc'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội đề nghị ưu tiên quỹ đất xây dựng trường công

Học sinh đông, cơ sở trường học quá tải, trong khi đó quỹ đất xây trường thiếu khiến mỗi kỳ thi tuyển sinh của Hà Nội trong những năm gần đây trở nên vô cùng căng thẳng. Trước thực trạng này, Hà Nội đề nghị sử dụng những cơ sở bộ, ngành, nhà máy di dời xây dựng trường công.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ước tính mỗi năm, trung bình thành phố tăng từ 40 nghìn đến 50 nghìn học sinh; tương ứng quy mô từ 30 đến 40 trường xây mới. Năm học 2024-2025 học sinh đầu cấp của Hà Nội tiếp tục tăng mạnh với khoảng 70.000 học sinh. Tuy nhiên, khu vực nội thành thì không còn đất, còn việc xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.

Trường Tiểu học Thanh Liệt.  Ảnh: Nguyễn Nam

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội, với khu vực nội thành, điều cần nhất là quỹ đất để xây dựng trường học. "Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ra khỏi khu vực nội đô, thì sẽ dành quỹ đất đó để xây dựng các trường học công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên toàn thành phố, đặc biệt khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh”.

Việc di dời trụ sở các bộ, ngành, nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô được đặt ra từ nhiều năm qua và đã trở thành yêu cầu bức thiết, nhất là trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật khu vực này đang chịu sức ép quá tải. Tuy nhiên, đến nay kết quả di dời còn chậm chạp và chưa đồng bộ. Chưa kể sau khi di dời, phần đất lại được sử dụng trái ngược với mục đích di dời. Phải kể đến như phần đất tại số 138 Giảng Võ của trường Đại học Y tế công cộng sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng một tổ hợp dự án nhà cao tầng. Bệnh viện K và Bệnh viện Nội tiết trung ương đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành. Nhiều cơ quan, bộ, ngành khác sau khi di dời chưa trả lại phần đất cũ. Điều này khiến áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô vẫn chưa được giải quyết như mục đích của chủ trương di dời hướng tới. Do đó, việc Hà Nội yêu cầu sử dụng các cơ sở nơi bộ, ngành, nhà máy di dời để xây dựng trường công là một yêu cầu chính đáng và cấp thiết.

Tuy nhiên, để làm được điều đó không đơn giản. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện việc di dời triển khai còn chậm do đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, theo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với Hà Nội, là nơi hưởng lợi từ đề án thực hiện di dời, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, thành phố cần dùng các nguồn lực, cơ chế của thành phố để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời theo hướng tự chủ để có thể huy động đa dạng nguồn lực xã hội, hợp tác đầu tư, phát triển dự án.

Bộ Nội vụ đề xuất giải pháp ngăn chặn "bổ nhiệm thần tốc"

Cán bộ, công chức muốn được bổ nhiệm sẽ phải có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể tại vị trí đang đảm nhiệm. Để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc”, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp phải từ ba năm trở lên. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 11 nhóm chức vụ (từ Thứ trưởng đến Trưởng, Phó phòng thuộc huyện).

Dự thảo Nghị định đưa ra các tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý. Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, công chức lãnh đạo, quản lý phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, bản thân không tham nhũng, háo danh, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Không tham vọng quyền lực; cần cù, chịu khó, nhiệt huyết, trách nhiệm cao với công việc.

Ảnh: Dantri

Trước đó, một số cán bộ trẻ được bổ nhiệm và dư luận cho là “thần tốc” hay “siêu tốc”. Điển hình phải kể đến: Năm 2016, ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi), Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, được ví von là lãnh đạo “trực thăng” “đi lên không cần đường băng, đường lăn”. Năm 2020, Thanh Hóa hủy quyết định bổ nhiệm “thần tốc” một trưởng phòng. Đây là những cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, nhưng trong công tác cán bộ đã không tuân thủ đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng; quy trình, quy định bổ nhiệm cán bộ, đã bỏ qua nhiều bước như thi tuyển công chức, nhận xét đánh giá, tiêu chuẩn, đề bạt bổ nhiệm. Chính vì bỏ qua quy trình của công tác cán bộ nên số cán bộ này được bổ nhiệm mà theo báo chí và dư luận cho rằng nhanh đến mức “siêu tốc” hay “thần tốc”.

Việc này cho thấy ở một số nơi, trong một số trường hợp, công tác cán bộ đã bỏ qua nguyên tắc cơ bản, các bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, làm ảnh hưởng không tốt đến sự phấn đấu, rèn luyện của cán bộ trẻ. Đây là bài học đắt giá cho những ai lợi dụng ảnh hưởng, chức vụ quyền hạn sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân. Qua những trường hợp vừa nêu cho thấy cơ quan chức năng đã chỉ ra những thiếu sót trong bổ nhiệm cán bộ là không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự; ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng. Do đó, để khắc phục những hạn chế trong bổ nhiệm cán bộ, các cấp quản lý cán bộ, nhất là người đứng đầu cần chấp hành nghiêm các qui định, quy chế của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ đòi hỏi chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, đúng người đúng việc. Khắc phục cho được tình trạng nể nang, ưu ái nâng đỡ không trong sáng gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc đang thu hút lượng lớn du khách; Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay; Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Đây là yêu cầu của Chính phủ tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Đang giữa cái nắng nóng 39-40 độ C, hai hôm nay thời tiết Hà Nội bỗng mưa dông, sấm chớp và se lạnh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những dị thường của thời tiết trong thời gian gần đây.

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; 5 ngày nghỉ lễ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; Từ 2/5, thí sinh đăng ký thi tốt THPT năm 2024... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục; Từ 2/5, sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Kỳ nghỉ lễ năm nay, lượng du khách không tăng đột biến... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.