Hà Nội đi TP.HCM bằng đường sắt chỉ hơn 5 tiếng | Hà Nội tin mỗi chiều

Đến năm 2035, Việt Nam sẽ có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Khi đó hành trình Hà Nội - TP. HCM sẽ chỉ mất hơn 5 tiếng. Tuyến đường sắt này có thể đóng góp 1% tăng trưởng GDP.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 vừa qua đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ trên trục Bắc – Nam, bởi đây được coi là thời điểm chín muồi để thực hiện chủ trương này.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá sẽ là một công trình trọng điểm quốc gia mang lại nhiều giá trị to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng cường kết nối vùng miền, đảm bảo quốc phòng an ninh. Ở góc nhìn khác, khi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vận hành, sẽ tối ưu cơ cấu thị phần vận tải, góp phần giảm chi phí logistics, tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ, xây dựng, vật liệu và tạo ra hàng triệu việc làm.

Vậy phương án đầu tư nào cho đường sắt tốc độ cao của Việt Nam? Đây là câu hỏi đang rất được quan tâm. Tốc độ 350 km/h, cự ly ga trung bình 50 - 70 km đang là xu hướng chung trên thế giới. Với tốc độ này, thời gian từ Hà Nội đến TP. HCM còn 5h30 phút. Các chặng Hà Nội đi Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ chỉ mất lần lượt là 1,3 giờ; 2,7 giờ và 4,3 giờ, nhanh hơn nhiều so với đường sắt hiện hữu và ô tô khách. Thậm chí có chặng ngắn còn nhanh hơn đi máy bay, nếu tính cả thời gian chờ đợi.

Đến năm 2035, Việt Nam sẽ có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VOV.

Về công năng vận tải, đường sắt tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách và hàng hoá nhẹ khi có nhu cầu. Đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ chuyên vận chuyển hàng hoá và khách du lịch ngắm cảnh chặng ngắn.

Tuyến đường này có tổng chiều dài 1.541 km, đường đôi khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Trên toàn tuyến có 23 ga khách, cách nhau trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hoá.

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 67 tỷ USD. Bình quân khoảng 43 triệu USD/km, trong khi suất đầu tư của Indonesia là khoảng 52 triệu USD/km. Đây là mức đầu tư trung bình của các quốc gia trên thế giới. Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp và chi phí thấp khác.

Đường sắt Bắc - Nam. Ảnh: Người quan sát.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận đây là thời điểm chín muồi để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam vì 3 lý do.

Thứ nhất, nhu cầu vận tải tới năm 2050 của đường sắt là vận tải hàng hoá khoảng 18,2 triệu tấn/năm; vận tải hành khách là 119,4 triệu lượt hành khách/năm. Với những con số này, có thể thấy, đã đến lúc chúng ta cần phải có ngay một tuyến đường sắt tốc độ cao, hiện đại, vận chuyển khối lượng lớn, mới có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng cao.

Thứ 2, sắp tới đây sẽ đánh thuế carbon rất cao cho vận tải đường bộ và đường hàng không, do đó việc đi đường sắt là lợi thế lớn có mức cạnh tranh cao.

Thứ 3, tổng sản phẩm trong nước năm nay ước đạt trên 465 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2010, nợ công chỉ khoảng 37% tổng sản phẩm trong nước và thu nhập bình quân đầu người ước vượt 4.500 USD vào cuối năm nay, Việt Nam hiện đạt mức tương đồng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới khi bắt đầu phát triển đường sắt tốc độ cao.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn để đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao không còn là trở ngại. Chúng ta đang có đủ nguồn lực để có thể đầu tư xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt một cách hiện đại.

Lựa chọn về công nghệ, tốc độ tuyến đường sắt đang được đề xuất là 350 km/h. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng: Tốc độ tối đa của tàu cao tốc trên thế giới có thể đạt trên 500 km/h. Tuy nhiên địa hình của Việt Nam tương đối phức tạp, khu vực miền Trung có độ dốc lớn, hay xảy ra bão lũ, nếu xây dựng tốc độ cao quá, sẽ không đảm bảo an toàn. Do đó, tốc độ 350 km/h được lựa chọn là tối ưu.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặc biệt lưu ý về vấn đề giải phóng mặt bằng liên quan đến đất đai, rừng, sông ngòi, quốc phòng an ninh cần được giải quyết đồng bộ. Vấn đề giám sát thi công cần minh bạch để dân chúng, đặc biệt là các tỉnh, thành có tuyến đường sắt đi qua hiểu và đồng thuận. Trong quá trình thực hiện dự án, việc quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình thiết kế và thi công dự án cần được thực hiện nghiêm túc bằng cách xây dựng hệ thống quản lý, giám sát hiệu quả, áp dụng công nghệ hiện đại. Ngoài ra, cần tạo cơ chế để các tập đoàn công nghệ hiện đại tham gia vào dự án như hợp tác, chia sẻ rủi ro và lợi ích với các nhà thầu công nghệ hàng đầu.

Một trong hai phương án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảmh: VOV.

Trên thế giới, nhiều nước đã và đang triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao, nhằm hướng tới các lợi ích về kinh tế - xã hội và không ít quốc gia đã đạt được những hiệu quả tích cực từ loại hình giao thông hiện đại này. Là tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, được đưa vào vận hành từ tháng 10 năm ngoái, chỉ sau gần một năm, đường sắt tốc độ cao Jakarta-Bandung đã có tới 4 triệu lượt khách đi lại, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố lớn này từ khoảng 3 giờ đi bằng ô tô xuống chỉ còn 40 phút. Nhờ sử dụng điện năng, ước tính đường sắt tốc độ cao có thể tiết kiệm khoảng 200 triệu USD chi phí nhiên liệu mỗi năm. Đường sắt tốc độ cao này từ quá trình xây dựng đến khi vận hành, đã đóng góp khoảng 5,3 tỷ USD vào kinh tế các địa phương có đường sắt đi qua.

Những tác động tích cực từ các tuyến đường sắt tốc độ cao đã góp phần thúc đẩy thêm nhiều quốc gia phát triển loại hình giao thông này. Nước Mỹ, nền kinh tế số một thế giới cũng vừa khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên, dự án sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm tại địa phương và góp phần giúp giảm tới 400.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Trung Quốc hiện là quốc gia sở hữu mạng lưới đường sắt tốc độ cao lớn và tiên tiến bậc nhất thế giới, với hơn 46.000 km. Mạng lưới này hiện vẫn đang liên tục được mở rộng và nâng cấp, đã giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển, kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, thì ước mơ về một tuyến đường sắt tốc độ cao đang đến gần. Khác với hơn 10 năm trước khi bối cảnh kinh tế chưa phù hợp, giờ là lúc chúng ta có thể nghĩ tới một loại phương tiện giao thông hiện đại bắt kịp xu thế toàn cầu.

Do tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Ban Cán sự Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8, khóa XV xem xét, quyết định. Việc thực thi này sẽ được xem xét, tính toán để tiến độ được đảm bảo, tránh trường hợp đã từng xảy ra với những tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và TP. HCM.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Việc dạy trẻ em các kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân khi thiên tai xảy ra là vô cùng quan trọng. Vậy làm thế nào để trẻ có thể nhận biết nguy hiểm và tự xử lý khi rơi vào các tình huống khẩn cấp? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong chương trình Vì trẻ em tuần này.

Điều tra hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng; Truy bắt ổ nhóm đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản; Bắt giữ nhóm thanh niên mang theo hung khí đuổi đánh nhau;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

MLee: “Tôi phát triển hơn để bước lên đỉnh vinh quang” là nội dung chính của bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.

Trên khắp các con phố của khu phố cổ Hà Nội, không khó để tìm thấy những hình ảnh hàng rong. Các thức quả theo mùa, các món quà dân dã của Hà Nội được chất chứa trên các sạp, các thùng hàng, rong ruổi dọc trên các con phố, con ngõ.

Ngoài những vũ khí truyền thống như xe tăng, đạn pháo, máy bay chiến đấu, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của những hệ thống vũ khí tầm xa như tên lửa và các phương tiện bay không người lái (UAV). Trong đó, tên lửa tầm xa cùng khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga hiện là yêu cầu khẩn thiết của Ukraine với các nước phương Tây, trong bối cảnh Kiev đang phải chịu áp lực rất lớn trên tiền tuyến.

Cầu Trung Hà cho xe 7 chỗ, xe máy lưu thông; Khai mạc triển lãm đường sắt lớn nhất thế giới tại Berlin; KIA gọi sửa chữa hơn 12.000 chiếc SUV điện EV9;... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.