Hà Nội đứng top đầu cả nước về công nghệ thông tin | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội đứng top đầu cả nước về công nghệ thông tin; Hà Nội tính tăng giá vé xe buýt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội đứng top đầu cả nước về công nghệ thông tin

Thông tin vừa được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đưa ra tại tại Hội nghị triển khai “Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025” ngày 27/6.

Trong những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong top đầu cả nước về lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 2023, Hà Nội đứng thứ ba cả nước về doanh thu lĩnh vực, đạt mốc 327.000 tỷ đồng, tương ứng 10% doanh thu của toàn ngành công nghiệp công nghệ thông tin cả nước.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đứng thứ hai cả nước về công nghiệp phần mềm và đứng đầu cả nước về doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập Phòng Công nghiệp Công nghệ thông tin, thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, việc này thể hiện sự đổi mới tư duy của lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin ở Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Công nghệ số đã tiếp sức cho các sản phẩm dịch vụ tài chính như: trí tuệ nhân tạo (AI), máy học thông minh (ML), công nghệ sổ cái phân tán, Blockchain, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs).

Các dịch vụ này với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, đã làm thay đổi hàng loạt mô hình kinh doanh truyền thống. Từ sự phát triển của công nghệ số, các doanh nghiệp hoạt động ở mọi lĩnh vực trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là nông nghiệp sẽ có nhiều điều kiện để phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến gần hơn với người dân trong nước và vươn ra quốc tế.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại.

Hiện nay, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Với mục tiêu cụ thể, phát triển 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; hình thành 10 nhóm sản phẩm công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thủ đô.

Để hiện thực hoá được mục tiêu trên, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ; tạo lập thị trường cho doanh nghiệp số.

Hà Nội tính tăng giá vé xe buýt

Sau 9 năm giữ nguyên giá vé, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất điều chỉnh tăng giá vé xe buýt từ 1/7/2024.

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh theo hướng tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: "Giá vé hiện đang thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Việc tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách của thành phố".

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, đến nay, thành phố có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và ba tuyến City tour.

Hiện, hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, kinh phí trợ giá vẫn ở mức cao (đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2022); thời gian, tốc độ di chuyển buýt vẫn còn chậm; tỷ lệ người dân tham gia vẫn chưa đáp ứng được mong muốn; một số cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới phương tiện cho doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận; việc mở rộng mạng lưới chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân (một số nơi người dân chưa tiếp cận được xe buýt); một số tuyến buýt hiệu quả hoạt động chưa cao.

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất điều chỉnh tăng giá vé xe buýt từ 1/7/2024. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Ngay sau khi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất UBND thành phố tăng giá xe buýt đã có nhiều ý kiến cho rằng: "Liệu tăng giá xe buýt, chất lượng xe, phục vụ có tăng lên không?".

Trả lời nội dung này, lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội khẳng định hiện nay Hà Nội chưa tăng giá xe buýt nhưng chất lượng phương tiện, phục vụ đang được cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu tới doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải thay đổi, nâng lên từng ngày. Hơn một năm qua, Hà Nội đã đưa ra bộ tiêu chí quản lý chất lượng cho xe buýt. Thông qua bộ tiêu chí đã chấm điểm, xếp sao và là căn cứ để đơn vị vận hành tồn tại hay không.

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, giá vé xe buýt Hà Nội lượt cự ly dưới 15 km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng; từ 15 km đến dưới 25 km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25 km đến dưới 30 km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30 km đến dưới 40 km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng và từ 40 km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng. Với vé tháng, mức tăng trung bình lên tới 40%. Riêng người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.

Nhiều người dân bày tỏ quan điểm, việc tăng giá vé như vậy là chấp nhận được, nhưng mong muốn giá vé tăng thì chất lượng phục vụ cũng cần được tăng thêm, tình trạng xe chậm chuyến, bỏ điểm cần được khắc phục.

Ảnh minh hoạ: Kinh tế & Đô thị.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đánh giá, Hà Nội tăng giá xe buýt vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp. Theo ông Bình, việc giữ nguyên giá vé 9 năm là khá dài và thời điểm năm 2020 cũng phù hợp để tăng giá vé, nhưng do dịch Covid-19 nên cơ quan quản lý Nhà nước không thể tiến hành tăng giá.

Nếu tăng như đề xuất, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự báo khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3% nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%.

Sở Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt theo nguyên tắc phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân; tăng tính hấp dẫn dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; giúp người dân có nhiều lựa chọn về vé, đơn giản, thuận tiện trong lựa chọn và sử dụng vé; tạo nguồn thu bền vững từ vé đồng thời giảm bớt gánh nặng trợ giá của ngân sách Nhà nước.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, năm 2023, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách công cộng (bao gồm xe buýt và đường sắt đô thị) tại Hà Nội là gần 20%. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội.

Với việc đề xuất tăng giá vé xe buýt có trợ giá, Hà Nội kỳ vọng sẽ giảm doanh thu trợ giá và tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.

Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.

Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Ngay sau siêu bão Yagi, ngày hôm nay 8/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Tích.