Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 9.747 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong.

Báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chiều ngày 31/10, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc  tăng nhanh. Tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021. Số ca mắc năm 2022 tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511). Tuýp vi rút Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4.

Người dân Phường Quốc Tử Giám thực hiện lật úp các dụng cụ chứa nước để loại bỏ nơi ở của lăng quăng, bọ gậy.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết thêm: Bệnh sốt xuất huyết Dengue trên bình diện chung cả nước số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11. Sốt xuất huyết thường bùng phát tại Hà Nội vào tháng 6-11, trong đó cao điểm vào tháng 9-11. Đây là chu kỳ dịch đã thành quy luật.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Mặc dù các quận huyện đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, người dân vẫn thờ ơ với công tác vệ sinh môi trường.

Quận Hai Bà Trưng 1-2 tuần trở lại đây, số ca mắc có giảm nhẹ so với các tuần trước đó. Tuy nhiên theo diễn biến thời tiết đang rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển (mưa nhiều, nhiệt độ dao động quanh ngưỡng 20 độ C) nên không loại trừ khả năng dịch bệnh có thể gia tăng trong thời gian tới. Hiện trên địa bàn quận còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại phường Bách Khoa, Phố Huế, Vĩnh Tuy.

Mặc dù quận đã tổ chức nhiều biện pháp để kiểm soát dịch như phun hóa chất diện rộng, thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường… nhưng trong quá trình triển khai thực hiện quận cũng gặp một số khó khăn như: đặc thù là quận nội thành cũ, mật độ dân cư rất đông, di biến động nhiều.

Quận có nhiều sinh viên và lao động ngoại tỉnh thuê trọ, điều kiện về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế… Đây là những điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lây lan nhanh.

Bên cạnh đó, quận Hai Bà Trưng giáp ranh với nhiều quận huyện trọng điểm về sốt xuất huyết: Thanh Trì, Đống Đa, Thanh Xuân...

Một số quận, huyện ven đô như Hoàng Mai, Thanh Trì trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng dang dở, có phế liệu phế thải chứa nước có bọ gậy; có các hộ gia đình trồng rau sạch trên sân thượng, trồng cây cảnh - là môi trường thuận lợi cho bọ gậy phát triển.

Các huyện Đan Phượng, Thạch Thất... có nhiều khu công nghiệp và làng nghề, mật độ dân số đông, là cửa ngõ giao thương buôn bán. Người dân chưa chủ động làm vệ sinh môi trường, còn có thói quen trữ nước trong bể to để sử dụng nhưng không đậy nắp hoặc có nắp không kín.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị giao ban. (Theo Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội)

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Hà Nội đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết, từ đó có những chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh.

Để quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, đề nghị các địa phương căn cứ thực tế địa bàn để có phương án phòng chống dịch phù hợp, đặc biệt lưu ý tại các cơ sở chăn nuôi, công trình xây dựng, nhà hàng… Đối với những ổ dịch đang kéo dài, cần xác định rõ quy mô, áp dụng các biện pháp quyết liệt như tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành… để giải quyết dứt điểm ổ dịch, chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương, đơn vị vào cuộc phòng chống dịch sốt xuất huyết tương tự như phòng chống COVID-19. Với các trường học cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng chống dịch trong trường học.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Y tế vừa có Công văn số 2461gửi các sở y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về hướng dẫn tiêm vaccine Covid-19.

Ngày 15/5, thông tin từ Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, sức khoẻ của các công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm đã cơ bản ổn định, không có bệnh nhân nặng. Tình hình vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế địa phương.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó, chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý.

Từ năm nay, Bộ Y tế sẽ tiến hành mua vaccine cho các đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và phân bổ cho các tỉnh, thành phố theo nhu cầu.

Ngày 13/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp Tiến sĩ Saia Ma’u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 339 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng 12% so với trung bình 4 tuần trước).