Hà Nội giới hạn độ sâu sử dụng không gian ngầm | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội giới hạn độ sâu sử dụng không gian ngầm; Học sinh giỏi 4 năm vẫn trượt lớp 10 công lập Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội giới hạn độ sâu sử dụng không gian ngầm

Quy định mới về quản lý, sử dụng không gian ngầm trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Người sử dụng đất thuộc địa bàn được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch.

Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ linh hoạt, chủ động phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực được Chính phủ quy định.

Phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Hà Nội là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Không gian ngầm là một nguồn tài nguyên để phát triển đô thị. Ảnh: Phương Ngân/ Báo Lao động.

Hiện tại Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển không gian ngầm nhằm chia sẻ sự quá tải với hạ tầng mặt đất do nhiều yếu tố. Trong đó nổi bật là điều kiện dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn thiếu; thể chế, chính sách, pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch chưa đầy đủ; thiếu các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn quy hoạch không gian ngầm, các quy định sở, ban, ngành liên quan.

Kỳ vọng vào việc khai thác không gian ngầm của Thủ đô trong tương lai, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, những thành phố ngầm sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống.

Hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) là công trình giao thông ngầm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3. Ảnh: Người Hà Nội.

Về việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực. Ví dụ, ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác. Còn ở những nơi có công trình quốc phòng an ninh thì phải quy định khác. Do vậy, độ sâu thế nào, bao nhiêu mét, phải căn cứ theo khu vực. Chính phủ nên có nghị định quy định chi tiết, như thế sẽ phù hợp hơn. Còn nếu áp đồng loạt độ sâu 15 mét sẽ không ổn.

Việc khai thác không gian ngầm là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại. Hà Nội cũng xác định phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD), nên việc khai thác không gian ngầm càng cần thiết, góp phần tăng thêm diện tích, không gian cho các phương tiện giao thông công cộng, các loại hình dịch vụ, thương mại để khai thác tối ưu quỹ đất đô thị.

Nhìn từ thực tế, Luật Thủ đô (sửa đổi) với phương án quản lý, sử dụng không gian ngầm cụ thể sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm hiệu quả, đồng thời minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Qua đó đánh thức không gian ngầm Hà Nội để phát triển Thủ đô ngày một hiện đại, ngang tầm với các thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.

Học sinh giỏi 4 năm vẫn trượt lớp 10 công lập Hà Nội

Ngày 13/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố danh sách hơn 60 trường hạ điểm chuẩn lớp 10. Đây là thời điểm nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên, hy vọng tìm được chỗ học cho con ở trường công lập. Đáng chú ý, trong số đó không ít phụ huynh có con 4 năm liền là học sinh giỏi.

nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên, hy vọng tìm được chỗ học cho con ở trường công lập. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Thực tế, những trường hợp học sinh giỏi nhưng trượt lớp 10 hầu như năm nào cũng có. Báo chí từng đưa tin một nữ sinh ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, 9 năm liền là học sinh giỏi, thi được 40,75 điểm nhưng trượt cả hai nguyện vọng trường công.

Do quá buồn bã, em đã bỏ nhà ra đi khiến người thân phải đăng tải thông tin lên mạng nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ. Năm trước đó, một nữ sinh đã bị mẹ bắt quỳ tại sân trường vì 7 năm là học sinh giỏi nhưng trượt lớp 10 trường công, đến cả trường tư cũng không nhận.

Hình ảnh bài đăng người thân tìm kiếm nữ sinh bỏ nhà ra đi vì trượt lớp 10. Ảnh: CMH.

Tình trạng học sinh giỏi không đỗ vào trường công, trường điểm xảy ra từ nhiều năm qua. Về khách quan, việc này chủ yếu xảy ra ở các trường thuộc quận nội thành, nơi đông thí sinh, ít trường THPT công lập.

Theo các chuyên gia, trước mỗi kỳ thi, học sinh và phụ huynh đều có những kỳ vọng. Đối với các học sinh giỏi, có thành tích học tập tốt trong những năm THCS, kỳ vọng lại càng lớn. Tuy nhiên kết quả không phải lúc nào cũng được như mong đợi.

Thực tế, học sinh tốt nghiệp THCS đều có nhu cầu học lớp 10 công lập. Trong khi, Hà Nội là thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh nên số trường THPT công lập không đáp ứng hết nhu cầu, nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh là rất lớn.

Với quy trình thi và chọn nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hiện nay, nếu học sinh không biết lượng sức mình, đặt nguyện vọng không phù hợp, chưa có phương án dự phòng, thì điểm ở mức cao vẫn có thể trượt. Ngược lại, học sinh biết sức mình, có tham khảo thông tin các năm trước, đặt nguyện vọng vừa sức thì điểm thấp vẫn có thể đỗ.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: Kiến thức.

Gánh nặng tâm lý do thi trượt ở những học sinh giỏi thường khá nặng nề. Đó là bởi các em thường có quá trình học tập suôn sẻ, quen được khen ngợi, ít khi bị thất bại, chưa trải qua nhiều thử thách về mặt tâm lý. Vì thế, khả năng chịu đựng thất bại, ổn định tinh thần khi đón nhận kết quả không như mong đợi từ một kỳ thi lớn sẽ yếu hơn các bạn khác.

Các em học giỏi cũng tự đặt ra cho mình những kỳ vọng cao hơn về kết quả thi. Bởi vậy, khi thi trượt, các em rất dễ suy sụp, thất vọng, trách móc bản thân.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa cho rằng, vì nhiều yếu tố nên hiện nay các cơ sở giáo dục công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu của học sinh. Việc không may trượt lớp 10 công lập là điều hoàn toàn bình thường. Mỗi học sinh cần chuẩn bị tâm lý. Nếu kết quả thi không mong muốn, các em hãy tìm hiểu các trường ngoài công lập, mô hình 9+, 10+ hoàn toàn có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ.

Việc cha mẹ cần làm nhất lúc này là trò chuyện, động viên để giúp con ổn định tâm lý, vượt qua cú trượt ngã đầu đời. Cánh cửa trường công không phải là duy nhất. Các con vẫn có những con đường khác để tiếp tục học hành. Cha mẹ nên cùng con tìm kiếm, lựa chọn các phương án thay thế phù hợp, đó có thể là một trường tư thục, một trường nghề.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau khi vào Biển Đông, bão số 3 có tên quốc tế là Yagi tiếp tục di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được từ 10 - 15 km và đang ngày một mạnh dần lên.

Nhiều ngôi nhà tại khu phố cổ Hà Nội đang được rao bán giá mỗi m2 ngang ngửa một căn chung cư cũ!

Với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh Việt Nam được nhiều trường đại học nước ngoài xét tuyển thẳng và có cơ hội nhận học bổng đến toàn phần.

Cầu Tứ Liên ở cửa ngõ phía bắc Hà Nội, với vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, sẽ được khởi công xây dựng ngay trong năm 2024.

Hà Nội sắp có Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia có quy mô thuộc top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ là kỳ quan mới của Thủ đô, khởi phát nền kinh tế Expo sánh ngang với các tâm điểm giao thương toàn cầu.

Hơn 122.000 trong khoảng 673.600 thí sinh đỗ đại học nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.