Hà Nội là động lực đưa vùng Thủ đô cất cánh

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cùng Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sẽ là những bệ phóng quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại. Để từ đó, Hà Nội cũng sẽ là động lực thúc đẩy vùng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN ĐỂ VÙNG THỦ ĐÔ CẤT CÁNH

Điều 44 chương 5 của Luật thủ đô (sửa đổi) nêu rõ Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia.

Vùng Thủ đô gồm 10 tỉnh, thành là: Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước.

Video: Hà Nội là động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô

Để thực hiện mục tiêu này, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội được quyền xây dựng các dự án hoặc công trình trên địa bàn của mình nhưng phục vụ việc tăng cường, kết nối giữa các tỉnh thành với Hà Nội, ví dụ những dự án tương tự như đường Vành đai 4. Đây được xem là một bước đột phá.

Việc Luật Thủ đô (sửa đổi) chú trọng đến vai trò, vị thế của Hà Nội trong liên kết vùng cũng mở ra nhiều cơ hội giảm tải cho Thủ đô về áp lực dân số, về hạ tầng giao thông, đồng thời thúc đẩy tăng cường liên kết vùng, tạo sức mạnh từ sự bổ sung và cộng hưởng.

Liên kết, phát triển vùng là nội dung tổng quan, liên quan đến trách nhiệm của cả 10 tỉnh thành, trong đó, Hà Nội đóng vai trò trung tâm. Những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế điều phối hoạt động, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương sẽ nâng cao tính hiệu quả, khả thi của Luật, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước.

Những vành đai lan toả sự phát triển của Hà Nội tới cả vùng thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng cụ thể hóa các mục tiêu đưa Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy khu vực vùng Thủ đô bằng các chiến lược hợp tác liên kết vùng.

Liên kết Hà Nội với các địa phương trong vùng thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng sẽ cho phép Hà Nội khai thác sức mạnh tổng hợp và nguồn lực nhân tài giữa các tỉnh; thu hút các tập đoàn đa quốc gia xây dựng trụ sở và trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) tại thành phố và khu vực kinh doanh. Chiến lược này cũng cung cấp nguồn lao động chất lượng cao; thúc đẩy và hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo.

Liên kết vùng cũng giúp Hà Nội chọn lựa các ngành lĩnh vực có lợi thế để thúc đẩy phát triển; xây dựng môi trường đáng sống, tăng cường khả năng kết nối với các địa phương trong vùng (cao tốc, đường sắt), quốc gia và quốc tế (sân bay).

MÔ HÌNH “THÀNH PHỐ TRONG THỦ ĐÔ”

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vạch ra một số chương trình, dự án có tính chất đột phá là trọng tâm trong việc phát triển Hà Nội cũng như Vùng thủ đô. Trong đó có phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các "Thành phố trong Thủ đô”, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; kết hợp phát triển nông nghiệp nông thôn sinh thái, văn minh, có bản sắc của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Video: Hà Nội hướng đến mô hình "Thành phố trong Thủ đô'

Việc áp dụng mô hình “thành phố trong Thủ đô” sẽ tạo cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa) sau khi hình thành sân bay thứ 2, để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính… để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, thành phố phía Bắc gồm diện tích các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn phát triển với hạt nhân là sân bay quốc tế Nội Bài gắn với dịch vụ sân bay, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí; trung tâm y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh khu vực phía Bắc, thu hút phát triển các trung tâm về nghiên cứu phát triển, dịch vụ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ.

Khu vực bao gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao, ứng dụng phát triển các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, công nghiệp phần mềm và trí tuệ nhân tạo; xây dựng thành phố Khoa học và Đào tạo tại khu vực Hòa Lạc.

Thành phố phía Tây sẽ gồm khu vực Sơn Tây – Ba Vì hiện nay. Đây sẽ trung tâm du lịch văn hóa, tham quan các làng cổ, di tích lịch sử, du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng. Tại đây sẽ phát triển hành lang sinh thái dọc sông Đáy, sông Tích gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, sạch, công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Thành phố khu vực phía Nam (huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa), theo đồ án, việc hình thành khu đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).

Việc phát triển Cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam cũng được xác định là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và Quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế. Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên hành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng cảng hàng không thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

Viễn cảnh tương lai về sân bay quốc tế thứ 2 của Hà Nội.

Kết nối phát triển cảng hàng không thứ 2 với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 5B - Tây Bắc, quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.

CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian - đất đai; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên... nhằm từng bước cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ đề xuất quy định quản lý, hướng dẫn kiểm soát phát triển, làm cơ sở xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn Thành phố theo hướng linh hoạt với từng giai đoạn, cụ thể theo các vấn đề cần quản lý, từng bước  xây dựng hình ảnh đặc trưng cho quy hoạch - kiến trúc đô thị Thủ đô Hà Nội.

Dự kiến sẽ có những lộ trình sau:

- Giai đoạn 2024-2030:

Hoàn thiện hệ thống các cơ sở pháp lý, các lớp quy hoạch thống nhất để tạo nền tảng cho sự phát triển theo quy hoạch. Xây dựng hoàn thiện mạng lưới hạ tầng khung gồm các tuyến giao thông Vành đai 4, Vành đai 5, Đường vành đai 4,5 (trục Bắc Nam); nâng cấp các trục hướng tâm kết nối vùng. Phát triển hoàn thiện các khu đô thị mở rộng phía Tây (Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng) theo mô hình TOD và đô thị Hòa Lạc.

Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô đang dần thành hình.

1/ Giai đoạn 2030-2040:

Phát triển hoàn thiện chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng (Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh) với cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, gắn với giao thông công cộng hiện đại, các khu chức năng mới, tạo nên các trung tâm phát triển mới của Thủ đô về dịch vụ, sản xuất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ phát triển vùng và các trung tâm chức năng quốc tế.

Phát triển hình thành trục sông Hồng với các chức năng về sinh thái, văn hóa, kinh tế với cơ sở hạ tầng hiện đại, biểu tượng phát triển của thủ đô Hà Nội.

2/ Giai đoạn 2040-2045:

Phát triển mở rộng và hoàn thiện các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn, Phú Xuyên để hình thành các đô thị cửa ngõ, thu hút các nhu cầu phát triển mới vào Thủ đô Hà Nội.

Kết nối với mạng lưới đô thị vùng tạo nên không gian phát triển đồng nhất. Phát triển mở rộng mạng lưới giao thông công cộng ra các đô thị vệ tinh và các địa phương lân cận để kết nối không gian phát triển.

Xây dựng Cảng hàng không thứ 2 ở phía Nam gắn với mô hình đô thị sân bay, dịch vụ logicstics quốc tế và đầu mối tiếp vận quan trọng của vùng phía Bắc tại Phú Xuyên.

3/ Giai đoạn 2045-2050 và ngoài 2050:

Phát triển hoàn thiện không gian đô thị, kết hợp hài hòa giữa không gian đô thị và nông thôn, giữa phát triển mới và cải tạo chỉnh trang đô thị, hình thành đô thị có bản sắc, sinh thái, có cơ sở hạ tầng hiện đại.

Thực hiện Phúc Minh
Đồ họa: Thanh Nga
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1286 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, quy định việc sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã.

Chiều nay, 21/11, Đài Hà Nội và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác tăng cường truyền thông về giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân trên Đài Hà Nội.

Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, sản phẩm trí tuệ nhân tạo do Cục Thuế thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển đã được Tổng cục Thuế tổ chức ra mắt sáng nay, 21/11.

Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao. Thông tin được nêu tại Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra chiều 21/11.

Hôm nay, 21/11, Thành ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao.