Hà Nội mạnh tay dẹp 'bóng cười' | Hà Nội tin mỗi chiều

Phố lên đèn cũng là lúc bữa tiệc của những tay chơi bắt đầu. Những âm thanh chát chúa vang lên. Tất nhiên không thể thiếu đồ uống có cồn và cả bóng cười. Thoạt nhìn, những quả bóng được thổi lên chẳng khác nào chiếc bóng bay thông thường. Nhưng bên trong nó lại không hề đơn giản.

Hà Nội đang thực hiện chiến dịch mạnh mẽ nhằm kiểm soát và xử lý tình trạng kinh doanh bóng cười trái phép tại các khu vực nhạy cảm của quận Hoàn Kiếm. Đáng nói là, nhiều cơ sở như quán cà phê, quán bar và nhà hàng phát nhạc mạnh đang trở thành điểm tập trung sử dụng khí N₂O (loại khí thường được gọi là bóng cười) bất hợp pháp.

Xung quanh thông tin này, khá nhiều bình luận được đưa ra. Đa phần các ý kiến ủng hộ chiến dịch này của thành phố Hà Nội.

“Nên cấm. Tôi từng chứng kiến. Lúc đầu người ta chơi một, hai quả xong tăng dần. Có khi ngày chơi một, hai bình. Người cứ lờ đờ hết chỗ nói. Và chắc chắn ảnh hưởng thần kinh. Lo ngại là từ bình khí cười lại kẹo ke các kiểu... Chả hiểu sao có cafe bóng cười rồi karaoke bóng cười, bar cũng bóng...” - người dùng Hà Anh chia sẻ trên mạng xã hội dưới bài báo nói về chủ đề này.

Bóng cười hay còn được gọi là "funky ball" là loại bóng được bơm đầy bởi hợp chất hóa học N₂O (dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại bóng này được nhiều bạn trẻ sử dụng như một thú vui, khi "hít - thổi" khí N₂O sẽ tạo cảm giác hưng phấn, ảo giác và gây cười cho người sử dụng.

Trong thế giới của người chơi bóng cười, mọi thứ trở nên nhoè nhoẹt, chậm rãi theo đúng nghĩa đen và vì vậy mà họ “cười”.

Tình trạng sử dụng bóng cười, khí cười tại các quán bar. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Rất nhiều ý kiến được đưa ra từ chính những người trong cuộc. Có những người "thử cho biết" và họ nghĩ "chơi ít thì cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe", nó chỉ là cảm giác thoáng qua tầm vài chục giây cho mỗi một hơi bóng và khoảng 5 phút cho một quả bóng. Nhiều người nghĩ có thể kiểm soát được việc chơi bóng của mình, không để quá giới hạn. Nhưng đã gọi là chất kích thích thì chắc chắn khó kiểm soát vì có thể gây ngộ độc. Nó  có thể tác động đến hệ thần kinh không khác gì các chất gây nghiện nếu sử dụng trong thời gian dài. Vậy là chẳng biết có “cười” thật không hay sau đó là những hệ lụy khiến người dùng phải “khóc”?

“Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc hít bóng cười ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, tim mạch cũng như nếu lạm dụng chất này lâu ngày sẽ dễ đi đến sử dụng các chất gây nghiện khác. Bởi lẽ, khi đã chìm đắm trong "cơn phê" của N₂O thì người dùng rất có khả năng muốn tìm đến các "cơn phê" mạnh hơn từ các chất kích thích khác” - Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã cảnh báo như vậy.

Để xảy ra tình trạng này, có nhiều lý do phải bàn. Nhưng điểm đáng chú ý là dịch vụ mua bán khí cười vẫn len lỏi rất tinh vi. Các cơ sở này giấu bình khí N₂O trong các phòng riêng, thuê nhà lân cận làm kho chứa, hoặc thậm chí lắp đặt hệ thống bảo mật để tránh bị phát hiện. Ngoài ra, nhiều cơ sở chọn kinh doanh vào khung giờ đêm muộn hoặc chỉ bán cho khách quen, nhằm giảm thiểu khả năng bị kiểm tra.

Có cầu ắt có cung. Khi mà nhu cầu cao, nguồn cung sẽ mọc lên rất nhanh như quy luật tự nhiên. Vấn đề lớn nhất để dẹp bóng cười, khí cười ngoài những biện pháp quyết liệt của Công an thành phố thì việc những người trẻ phải nâng cao ý thức trong việc sử dụng chất kích thích là không thể xem nhẹ. Có lẽ là nếu không muốn "khóc" thì phải “tỉnh táo".

Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội) và Công an phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đang kiểm tra cơ sở kinh doanh khí N2O tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Tạp chí Công Thương.

Trong 9 tháng năm 2024, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng quản lý thị trường - thành viên của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thực hiện 21 cuộc truy quét và xử lý vi phạm liên quan đến việc kinh doanh khí N₂O trái phép. Qua đó, đã có 41 bình khí N₂O và hơn 1.600 vỏ bóng cao su bị thu giữ, với tổng số tiền phạt hành chính lên đến hơn 700 triệu đồng. Những con số này cho thấy hai điều.

Điều tốt là thành phố đã rất nỗ lực kiểm soát và dẹp bóng cười, khí cười. Điều đáng ngẫm là 1.600 vỏ bóng đã là con số cuối cùng hay chưa khi mà với dân chơi, để tận hưởng cảm giác lâng lâng đó chỉ cần 5 phút 1 quả, 1 buổi có thể chơi hàng chục quả. Vậy nên, rất nhiều người có thể nghĩ, mình vẫn đang chơi và thấy vui, kiểm soát tốt nên chẳng sao cả. Trên thực tế, hậu quả của việc sử dụng bóng cười thường đến bất ngờ. Dù mọi người có tự tin kiểm soát việc sử dụng chúng đến đâu đi chăng nữa thì rất có thể một ngày nào đó, chính mọi người là nạn nhân của những quả bóng cười.

“Trong bóng cười có chứa chất N₂O, khi ngộ độc khí N₂O, biến chứng thần kinh xuất hiện đầu tiên, sau đó gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác, cảm giác ban đầu bệnh nhân có thể cảm nhận rõ đó là tê bì tứ chi. Với những tổn thương thần kinh xuất hiện sau 6 tháng sẽ không còn khả năng hồi phục” - xin nhấn mạnh lại, bóng cười là thứ không nên thử!

Những dẫn chứng về các hệ lụy của việc sử dụng bóng cười được báo, đài thông tin quá rõ. Nếu một giây phút nào đó, đứng trước những cám dỗ, đứng trước những cuộc vui thì mỗi người hãy nghĩ kỹ: "Mình sẽ được và mất gì?" Người ta hay nói, đặc quyền của người trẻ là “được sai” nhưng sai nhiều quá thì rất khó sửa đổi, khắc phục.

Bóng cười, người khóc! Những quả bóng kia không có tội nên chúng có thể cười. Nhưng người dùng sẽ khóc vì hệ luỵ của nó, người bán dĩ nhiên cũng chẳng tránh được pháp luật nếu vi phạm. Vậy nên, thay vì dùng bóng cười, mọi người hãy tự tạo ra nụ cười thực sự bằng những cách rất đơn giản. Hãy chăm chỉ làm việc, suy nghĩ tích cực và nếu có giây phút nào yếu lòng, hãy mạnh mẽ, mỉm cười bước qua. Nụ cười đó mới giá trị, mới là thang thuốc bổ!

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của người thầy luôn được đề cao và kính trọng như một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nghề gieo những hạt mầm yêu thương lên mảnh đất tâm hồn học trò, để nó nảy mầm thành cây xanh của lòng nhân ái, là một điều thiêng liêng mà không phải ai cũng biết cách làm.

Vốn không hài lòng về chuyện con dâu thuê người giúp việc, Hồng Hà và mẹ chồng lại tiếp tục căng thẳng. Mục đích cuối cùng của mẹ chồng Hồng Hà vẫn là muốn con dâu ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Không ép được con dâu thay đổi, mẹ của Tuấn lại đến tìm con trai vừa thuyết phục vừa nói xấu con dâu, nhưng khi Tuấn tỏ rõ thái độ, bà vô cùng thất vọng.

Nhiều năm về trước, khi Internet mới xuất hiện, blog không phải là một khái niệm quá xa lạ với người dùng. Qua thời gian, Internet phát triển bùng nổ hơn, kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các trang mạng xã hội khiến xu hướng xem blog dần thoái trào. Thế nhưng đến nay, vẫn có những người trẻ tìm đến blog như một nơi để lưu giữ kỉ niệm về một thành phố mà họ yêu.

Lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng tại Việt Nam; Bà Đỗ Thị Nhàn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội; Làm rõ 1.400 tỷ đồng do Xuyên Việt Oil chiếm đoạt;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Để giữ thể diện trước Ngân, Long mua kẹo giúp Hải, một người bán kẹo dạo tỏ ra nghèo khổ. Sau đó, Ngân bất ngờ phát hiện Hải lành lặn, sống trong cùng chung cư và thực chất chỉ giả vờ để lừa gạt người khác. Cuối cùng, Ngân quyết định báo cáo sự việc cho cơ quan công an.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), với nhiều cam kết mạnh mẽ về chống đói nghèo, đánh thuế tỷ phú và tài chính khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không?