Hà Nội mở rộng thí điểm vé điện tử cho xe buýt | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội có 38 tuyến xe buýt đã thí điểm hệ thống vé điện tử
Thành phố Hà Nội có 37 tuyến xe buýt thường và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT thí điểm hệ thống vé điện tử. Đến thời điểm hiện tại, tổng số vé buýt điện tử đã phát hành là trên trên 18 nghìn thẻ. Tổng lượng hành khách sử dụng vé điện tử là gần 10 triệu lượt.
Thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho thành phố và người tham gia giao thông công cộng, giải quyết các tồn tại, bất cập hiện nay, tiết giảm kinh phí ngân sách Nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ trên xe.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện toàn thành phố có 156 tuyến buýt, một tuyến đường sắt đô thị là tuyến số 2A. Dự kiến cuối năm 2024, sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao 8,5km của tuyến đường sắt đô thị số 3. Trong tương lai có thêm 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km. Hiện nay việc khai thác chủ yếu thông qua việc sử dụng vé giấy và tiền mặt.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông nhận đinh, tuyến đường sắt đô thị đã và đang triển khai hệ thống thẻ vé điện tử nhưng do các công nghệ thẻ vé khác nhau dẫn đến chưa bảo đảm tính liên thông. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu, chưa đa dạng được hình thức thanh toán làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Do vậy, việc triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới vận tải hành khách giao thông công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị trên địa bàn là rất cần thiết.
Theo Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Tập đoàn Asim- đơn vị triển khai thí điểm vé điện tử liên thông, khi hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức áp dụng thì sẽ không còn hình thức bán vé giấy. Thay vào đó, hành khách sẽ mua vé điện tử trên máy bán vé tự động. Máy sẽ bán ra đủ loại vé, bao gồm: vé lượt, vé tháng, combo nhiều loại vé. Đặc biệt trong tương lai, loại vé điện tử này có thể mua được đồ trong các shop.
Lo ngại thiếu nước, Hà Nội tăng khai thác nước ngầm
Trước nguy cơ thiếu hụt nước mùa hè, UBND Thành phố Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về việc nâng công suất khai thác nước ngầm của Nhà máy nước Mai Dịch thêm hơn 9.000 m3 mỗi ngày đêm.
Hà Nội dự kiến nhu cầu sử dụng nước trung bình của năm 2024 trên 1,4 triệu m3/ngày đêm, tăng khoảng 3,5% so với năm 2023. Trong khi đó dự báo tổng công suất nước khai thác từ các nhà máy gần 1,35 triệu m3/ngày đêm, bao gồm nước ngầm hơn 700.000 m3/ngày đêm; nước mặt 650.000 m3/ngày đêm, thiếu 30.000-70.000 m3/ngày đêm so với nhu cầu. Để bù đắp lượng nước thiếu hụt, ngoài việc tăng khai thác, thành phố cũng sẽ sử dụng nguồn nước ngầm dự phòng để bổ sung.
Nguyên nhân chính là nhiều dự án chậm tiến độ. Nước sạch của thành phố hiện phụ thuộc vào các nhà máy nước mặt và nhiều năm nay chưa có thêm nhà máy mới. Trong khi đó việc thi công nhà máy lại không đảm bảo tiến độ, như dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng dự kiến hoạt động từ quý I/2021 nhưng đến vẫn chưa hoàn thành. UBND thành phố Hà Nội đã gia hạn dự án hoàn thành vào quý IV/2024.
Ông Hoàng Văn Bẩy, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường từng đánh giá hầu hết các sông ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đều bị ô nhiễm. Mức ô nhiễm tăng cao vào mùa khô khi lượng nước chảy sông giảm. Không những ô nhiễm nước mặt mà còn đối mặt với các vấn đề như thuốc trừ sâu, nước mặn,...
Nguồn cung giảm nhưng cầu thì tăng, nhiều năm qua khu đô thị mới liên tục mọc lên ở Hà Nội. Điều này kéo theo nguy cơ thiếu nước sạch cục bộ khi mỗi năm, số khách hàng đấu nối nước tăng thêm trên 6%.
Giải pháp trước mắt được Sở Xây dựng đưa ra, yêu cầu các đơn vị cấp nước bảo đảm duy trì, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước; phân bổ, điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận của từng khu vực. Đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và sẵn sàng, kịp thời sửa chữa, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có.
Các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách ưu đãi, giá nước tính đúng tính đủ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư để thu hút doanh nghiệp giải bài toán thiếu nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo nước cho người dân thì việc cần thiết đầu là bảo vệ nguồn nước, bao gồm nước mặt và nước dưới đất.
Học sinh vi phạm ATGT sẽ bị gửi thông báo về nhà trường
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi từ 6 -18 tuổi, làm chết 490 người, bị thương trên 800 người. Những mất mát do tai nạn giao thông gây ra luôn là nỗi đau, nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Càng thương tâm hơn, bi đát hơn khi nạn nhân là những học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, để lại bao dự định, ước mơ còn dang dở.
Nhưng ngoài đường phố, giờ tan học, không khó để bắt gặp những cảnh tượng các em học sinh chưa đủ 18 tuổi, còn đang mặc đồng phục của nhà trường vẫn điều khiển xe máy phân khối lớn hơn 50cc, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe điện, xe gắn máy... Đây là thực trạng đáng báo động bởi ở lứa tuổi còn bồng bột, thiếu suy nghĩ, từ vi phạm luật an toàn giao thông dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thủ tướng chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành giáo dục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó, đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học.
Theo các chuyên gia giáo dục, đây là quy định cần thiết, nếu học sinh vi phạm giao thông bị lực lượng chức năng xử lý, gửi thông báo về trường sẽ bị trừ điểm thi đua, hạ bậc hạnh kiểm trong năm học. Trong lớp có học sinh vi phạm cũng sẽ bị trừ điểm thi đua hàng năm của lớp. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh, nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành quy định an toàn giao thông cho học sinh trong lớp.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trước đây các lực lượng chức năng đã từng triển khai gửi thông báo vi phạm của các học sinh về trường để phối hợp xử lý. Song đâu đó có ý kiến cho rằng sẽ xâm phạm quyền riêng tư của mỗi người. Tuy nhiên, việc làm này là cần thiết; chế tài, quy định đã có, việc triển khai hoàn toàn hợp lý, không vướng mắc.
Theo đại diện Vụ Công tác học sinh - sinh viên, thời gian tới, 100% các đơn vị, trường học sẽ phải thực hiện nghiêm song tuỳ từng lứa tuổi, địa phương, khu vực, các nhà trường, thầy cô sẽ tham khảo, lựa chọn nội dung phù hợp để tích hợp trong giảng dạy, trong các giờ trải nghiệm của học sinh, sinh viên để giáo dục, tuyên truyền giám sát xây dựng thói quen, văn hoá giao thông an toàn.
Những nỗ lực của các cơ quan chức năng, của nhà trường là cần nhưng chưa đủ. Thực tế không ít phụ huynh vẫn giao xe con khi chưa đủ điều kiện. Như vậy không chỉ là vi phạm pháp luật mà sự nuông chiều thiếu quản lý giám sát từ gia đình còn gián tiếp đưa con em mình đến những vi phạm pháp luật khác. Do đó, việc quan trọng trước mắt là công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội cần có sự đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên./.
- Cả nước đón 8 triệu lượt khách du lịch dịp nghỉ lễ | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tắt đèn một giờ, tiết kiệm gần 860 triệu đồng | Hà Nội tin mỗi chiều
- Quy định nồng độ cồn cần bảo đảm tính khả thi | Hà Nội tin mỗi chiều
- Thị trường tâm linh phủ đầy trên không gian mạng | Hà Nội tin mỗi chiều
- Người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nguồn lực quan trọng phát triển thủ đô | Hà Nội tin mỗi chiều
Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.
Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?
Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.
Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?
Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?
0