Hà Nội mùa cây thay lá

Đi giữa phố phường Hà Nội trong một chiều lá bay dày, nỗi nhớ ngày xưa chênh chao ùa về...

Có lẽ rất nhiều người ấn tượng với Hà Nội bởi mùa thu thơm lừng hương cốm, hương hoa sữa bảng lảng luồn vào từng ngõ nhỏ.

Hay Hà Nội với mười hai mùa hoa mà hiếm nơi nào trên dải đất hình chữ S này có. Thế nên nhạc sĩ Giáng Son mới tha thiết bởi hoa đào, hoa sưa, hoa loa kèn, hoa sấu, hoa sen hay hoa cúc trong bài hát Hà Nội mười hai mùa hoa. Còn tôi, tôi lại ấn tượng bởi những mùa cây thay lá.

Nhớ khi tuổi còn thơ, nhà thiếu đủ thứ, từ cái ăn cái mặc cho đến củi đến than. Để tiết kiệm chi phí, mẹ tôi tranh thủ đi quét lá rụng về phơi khô dùng để nấu cơm hay nấu nồi cám cho lợn.

Nhà tôi ở ven đô, nơi có cánh đồng cò bay thẳng cánh nhưng rất ít rơm rạ vì mẹ chỉ có hai sào ruộng khoán. Những tải lá rụng xếp thành chồng trong góc bếp thành của quý trong mùa thiếu cái đun. Chính vì vậy mẹ rất mong mùa cây thay lá.

Một góc hồ Gươm vừa quen vừa lạ bởi sắc vàng của lá. Ảnh: LĐTĐ

Khi lớn lên, mỗi lần đạp xe trên con đường ngập tràn xác lá, tôi lại nhớ về mẹ với những buổi sớm tinh mơ dậy lo cho đàn con nhỏ rồi lặng lẽ mang theo cây chổi tre cán dài đi quét lá.

Hà Nội mùa cây thay lá, những con phố ngập tràn xác lá, người đi trong mưa lá bay, những thảm lá vàng trải dài theo con phố. Lá xà cừ, lá sấu ào ào trút trong đêm, sớm ra một thảm dày tha hồ mà quét.

Có những chiều lang thang một mình trên phố, những thảm lá vàng lại khiến tôi nhớ tới nụ cười bác bảo vệ một cơ quan. Cổng vào cơ quan là hàng xà cừ cổ thụ, biết mẹ con tôi hay quét lá ở khu vực này, bác đã bảo cô lao công gom lá ở cổng, mẹ con tôi chỉ việc cho vào bao tải.

Kỷ niệm tuổi thơ ấm áp ùa về theo những tán lá bay... Tôi lặng im, nhắm mắt nghĩ về ngày xưa ấy. Lòng chợt bồi hồi, Hà Nội không chỉ đẹp bởi mùa hoa mà với tôi, mùa cây thay lá còn khiến tôi xao xuyến hơn nhiều.

Lá trút vàng chẳng bởi mùa thu...  Ảnh: LĐTĐ

Hà Nội lạ lắm, lá trút vàng chẳng bởi mùa thu mà đơn giản chỉ lúc giao mùa, khi những cây sấu, cây xà cừ thay lá. Những chiếc lá rời cành, rải thảm vàng óng xuống vỉa hè kết hợp với nắng đầu mùa mà mọi thứ trở nên hoàn hảo, phố như đẹp hơn, thơ hơn.

Tôi đi trong một chiều lá bay dày như thế để nỗi nhớ chênh chao ùa về. Nhớ nụ cười thơ trẻ của chính tôi, nhớ nụ cười hằn năm tháng nơi đuôi mắt mẹ cùng những nốt chai sần trên đôi vai gánh cả gia đình. Nhớ nụ cười ấm áp của bác bảo vệ, nhớ cả những nụ cười thoáng gặp trên đường và nhớ nụ cười thanh xuân khi tôi còn anh.

Đi trong thảm lá vàng, tôi ước mọi con phố của Hà Nội đều ngập bóng cây xanh để mỗi mùa cây thay lá tôi lại được đắm chìm trong cảnh sắc tuyệt vời ấy. Cây xanh ở đâu cũng có và mùa cây thay lá không chỉ riêng Hà Nội, nhưng bằng một lý do diệu kỳ nào đó, mùa cây thay lá ở Hà Nội luôn hấp dẫn mọi người.

Thoảng gió nhẹ lả lơi làn tóc rối, đôi bạn trẻ tay trong tay tình tứ dìu nhau xuống phố với nụ cười khoe sắc nắng và tình yêu ngọt lịm bờ môi. Còn tôi lang thang trong chiều lá rụng để bất chợt nghe đâu đây tiếng hát "Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu"… rồi bồi hồi nhớ những mùa cây thay lá đã qua.

Lê Hà

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…

Cơn gió bấc đầu mùa thổi về khiến cho đêm như sâu thêm, dài thêm. Sáng ra, có người cứ trở mình qua lại, cuộn trong chăn ấm như con tằm nằm trong bọc kén chẳng muốn chui ra ngoài. Chợt nhận ra trời đang chuyển mùa và rồi lòng lại miên man với những vẻ đẹp ngày đông!

Không có tài liệu nào ghi lại nhưng chắc hẳn nghề thu tiền điện ra đời cách đây 130 năm, cùng lúc với sự kiện nhà máy đèn Bờ Hồ khánh thành phát điện. Những tờ biên lai tiền tiện được lưu giữ qua thời kỳ với nhiều bảng giá khác nhau, cùng ký ức của các bà nội trợ cho thấy sự xuất hiện định kỳ của nhân vật ít được mong đợi - là những nhân viên thu tiền điện.

Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.

Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.