Hà Nội mùa sen trăm cánh

Tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là thời điểm mùa sen nở rộ nhất trên khắp các khu đầm quanh Hà Nội. Giữa màu xanh thẫm của lá, từng đóa hoa sen đầu mùa khoe sắc hồng, trắng dịu dàng, đẹp mắt.

Hà Nội mùa sen trăm cánh

Sen có ở nhiều làng quê, nhưng sen đại đóa bách diệp ở Tây hồ mang nét riêng.

Sen bách diệp bông to, thơm đượm, như một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho hồ Tây, Hà Nội, và vẻ như chỉ có nước Tây hồ mới làm sen ngát thơm và tươi sắc đến thế.

Sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết.

Sen hồ Tây hay còn gọi là sen bách diệp có đặc điểm dễ nhận biết với cánh hoa kép, màu hồng thắm, hương thơm lâu, gạo sen to và căng mọng. Đây là loại sen đặc biệt, đã được công nhận sở hữu trí tuệ.

Theo kinh nghiệm của những người trồng sen, với sen bách diệp, không phải  bông hoa nào cũng có 100 trăm cánh. Số cánh hoa phụ thuộc vào cách chăm sóc. Với những bông hoa đầu mùa, khỏe, to thì mới được hơn 100 cánh, còn bình thường chỉ khoảng 80 - 90 cánh/bông.

Sen Bách Diệp được xem là một sản phẩm đặc sản của Hà Nội.

Quanh hồ Tây có 18 hồ nhỏ với khoảng trên 20ha diện tích mặt nước có thể trồng sen. Đầm Đông và Thủy Sứ là 2 hồ rộng khoảng 7,5 héc ta nằm trong chương trình thí điểm bảo tồn sen Bách Diệp của quận Tây Hồ.

Những năm gần đây giống sen Bách Diệp dần bị thoái hóa, một số cây chỉ ra lá, ít ra hoa, ngoài nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm còn do sen bị thối nhân và thối ngó.

Để bảo tồn giống sen quý, hơn 2.000 cây sen Bách Diệp đầu tiên được đem về trồng tại hồ Đầm Đông rộng khoảng 3,7ha. Mỗi cây được trồng cách nhau khoảng 2m. Trước đó chủ đầm đã sử dụng nhiều giải pháp để cải tạo nước, đất trong hồ, phun thuốc sinh học để xử lý vấn đề sâu mục, cây héo ngọn.

Còn tại hồ Thủy Sứ, sau thời gian hút cạn nước, rắc vôi và phơi khô đất, các chủ đầm cũng đã trồng thử nghiệm sen tại một số vị trí và trong chậu. Kết quả cho thấy 90% mầm sen sinh trưởng tốt. Dự kiến sẽ trồng đại trà phủ kín hồ khoảng 5.000 đến 8.000 gốc sen.

Hiện quanh Hồ Tây có 18 hồ nhỏ với khoảng trên 20 ha diện tích mặt nước có thể trồng sen.

Những công dụng của sen

Sen đã khiến cho mùa hè Hà Nội thêm nhiều thương nhớ. Mùa hoa chỉ kéo dài chưa đầy 2 tháng từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7, nhưng những người yêu sen Hà Nội vẫn có thể tìm hương sen trên những sản phẩm được làm từ loài hoa này như trà sen, ẩm thực sen, hay lụa được dệt từ sợi sen.

Ở Hà Nội, từ xa xưa, người dân các làng Quảng Bá, Tây Hồ và Nghi Tàm đã lưu truyền nghề ướp trà sen, đưa hương sen Tây Hồ vào nghệ thuật thưởng trà. Trà sen Bách Diệp giá bán lên đến chục triệu đồng/kg.

Trà sen không lạ, nhưng lạ là phải đúng sen Bách Diệp được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo.

Khi những búp sen hồng bắt đầu nở rộ cũng là lúc những người làm nghề ướp trà sen ở phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu vào mùa.

Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, là lúc những người trồng sen ở Quảng An, Tây Hồ, đi hái sen để ướp trà. Đây là thời điểm hoa có độ tươi và hương thơm thanh khiết nhất.

Từng bông hoa được tách lấy gạo - thứ được ví như túi hương của bông sen. Khó nhất khi lấy gạo là làm sao gạo sen không bị nát. Hương vị tinh túy của chén trà sen qua 7 lần ủ gạo và sấy. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu.

Không biết có phải vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ và nhẹ nhàng hay không mà những người làm công đoạn này ở Quảng An chủ yếu là phụ nữ. Người Quảng An thường dùng trà Tân Cương, Thái Nguyên để làm trà vì sự đậm đà và mùi thơm riêng có của nó.

Tơ từ cuống sen có thể dệt thành lụa.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận ở làng lụa Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lại có cách làm ra sản phẩm khác từ cây sen. Năm 2019, bà đã dệt thành công lụa từ tơ sen, trở thành nghệ nhân dệt lụa đầu tiên ở Việt Nam làm được điều này.

Sản phẩm lụa từ tơ sen bền, mát và có thể làm thành túi, vỏ bọc sổ sách, đồ trang trí trong nhà, đóng khung treo tường... Trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Bà Thuận cho biết phải cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7 m, giá thành hơn 8 triệu đồng.

Các sản phẩm lụa được dệt từ tơ sen.

Tình yêu của người Hà Nội với hoa sen cộng hưởng với sự khéo léo của những bàn tay lành nghề đã lưu giữ và lan tỏa hương sen Tây hồ đến công chúng trong và ngoài nước. Bởi thế, dù mùa sen có ngắn ngủi thì hương thanh khiết của loài hoa được nhiều người tôn là quốc hoa sẽ vẫn được lưu lại lâu dài.

Nhằm quảng bá sen Bách Diệp, quận Tây Hồ đang tích cực chuẩn bị để tổ chức lễ hội sen vào tháng 7 tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đường Thanh Niên từ lâu đã nổi tiếng là một trong những con đường đẹp và lãng mạn nhất của Hà Nội. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống con đường luôn trở thành điểm hẹn lý tưởng của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Hà Nội của những ngày vào hạ, rực rỡ và cũng bình yên chẳng kém mùa nào khác trong năm. Hãy thử bước ra đường và ngắm nhìn đây đó, bạn sẽ phát hiện hóa ra mùa hè đáng yêu và xinh đẹp hơn tưởng tượng nhiều lắm.

Sau hơn một thế kỷ chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của Hà Nội, cầu Long Biên ngày nay là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách mỗi khi có dịp đến thăm Thủ đô.

Tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là thời điểm mùa sen nở rộ nhất trên khắp các khu đầm quanh Hà Nội. Giữa màu xanh thẫm của lá, từng đóa hoa sen đầu mùa khoe sắc hồng, trắng dịu dàng, đẹp mắt.

Phố mùa hè trở nên lãng mạn hơn với loài hoa gợi nhớ nhiều ký ức đẹp của tuổi học trò. Dọc bờ sông Tô Lịch nhìn từ cầu Trung Hòa, phượng vĩ đang nở rộ.

Nếu đã từng say mê Hà Nội khoảnh khắc đầu hè với những loài hoa đẹp, không thể bỏ qua những đóa tường vi.