Hà Nội những chuyến về

Hà Nội không phải nơi sinh ra cũng chẳng phải nơi lớn lên. Nhưng mỗi lần đến Hà Nội, có một cô gái luôn cảm thấy ấm áp, thân quen và gần gũi như về với chính quê hương mình. Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng cảm xúc của Thu Phương.

Tôi theo bố mẹ vào Nam lấy chồng và sinh sống ở gần cuối cực Nam của Tổ quốc. Cứ đến tháng mười hai, những cơn gió chướng thổi mạnh, tiết trời se se lạnh là tôi nhớ miền Bắc. Tôi nhớ quê hương Ninh Bình nơi tôi sinh ra, lớn lên và nhớ cả Hà Nội. Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi mình nhớ Hà Nội vì điều gì? Đơn giản vì đó là trái tim của cả nước, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và là nơi Bác Hồ kính yêu yên giấc ngàn thu.

Tôi về Hà Nội khi trời vừa vào hạ. Sau một chặng đường dài, vừa xuống máy bay cái nóng dường như táp vào da thịt. Tôi cảm thấy khá thích thú vì cũng đã lâu tôi mới được trải nghiệm mùa hạ miền Bắc như thuở nhỏ.

Ảnh minh họa

Ba mươi tuổi, tôi đến và chầm chậm đi giữa phố phường Hà Nội. Hà Nội vội vã. Những dòng xe cứ liên tiếp nối đuôi nhau trên những con đường thành phố. Biển số xe ở khắp các tỉnh thành. Thủ đô đông đúc bởi nơi đây đầy bao dung và ôm ấp bao nhiêu phận người đổ về mưu sinh, bao nhiêu bạn trẻ đi tìm kiếm tri thức và nâng cánh rất nhiều ước mơ.

Anh chị tôi nhiều năm gắn bó với Hà Nội, coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Anh chị bảo Hà Nội bình yên lắm, nếu mình đủ thời gian gắn bó và yêu thương. Không lý giải rõ ràng nhưng tôi hiểu bình yên ở đây chính là các anh chị tôi được học, được làm việc trong môi trường hiện đại. Và nơi đây họ tìm thấy những giây phút thảnh thơi sau những ngày tất tả với cuộc mưu sinh.

Phố cổ Hà Nội. Ảnh minh họa

Giữa Thủ đô sầm uất, bên cạnh những tòa nhà cao ốc những khu chung cư cao tầng với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn vẫn còn đó những khu chợ nhỏ bán đủ thứ đồ quê ở các tỉnh lân cận, vùng ngoại ô mang lại. Những người nông dân chân chất, tay chân còn hằn vết bùn đất bán mấy mớ rau, chục trứng, quả mít, vài ký tôm còn búng tanh tách trong chậu, ít cua đồng bò lồm ngồm... Khách hàng quen thuộc chỉ cần chạy lại, đồ ăn đã được bỏ sẵn vào bọc. Nhiều lần nhận bó rau từ cô bán hàng mà trái tim người mua dường như lạc đi vài nhịp. Sự tảo tần chắt chiu của cô sao giống mẹ mình ở quê. Cả ngày ngoài ruộng vườn bòn mót từng mớ rau, con cá để lấy tiền nuôi con ăn học. Chị tôi nói rằng nhiều khi mệt mỏi vì tắc đường, khói bụi lúc tan tầm, nghĩ đến nụ cười hiền hậu của cô bán hàng nơi góc chợ tự dưng trái tim như dịu lại.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Tuyến

Về Hà Nội vào Lăng viếng Bác, đi ngắm Hồ Gươm, ghé Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ăn phở trên đường Lý Quốc Sư… Trải nghiệm nào cũng làm tôi thích thú. Có lẽ sự thích thú và hài lòng bắt nguồn từ tình yêu tôi dành cho Hà Nội. Tình yêu được nuôi dưỡng từ ngày thơ ấu, qua những câu chuyện kể của anh chị tôi. Nhưng có lẽ khi xa Hà Nội hòa vào tất bật của cuộc mưu sinh, điều tôi nhớ nhất vẫn là những bình dị và ấm áp nơi đây mang lại. Tôi nhớ mãi ly nước sấu của bà cụ hiền hậu nơi chung cư Linh Đàm. Nghe tôi chia sẻ thỉnh thoảng trong Nam nóng nực thèm ly nước sấu đúng điệu Hà Nội mà chẳng có, bà đã gọi điện thoại cho con gái mang lại cho tôi 5 cân sấu đã được gọt vỏ sạch sẽ kèm theo những hướng dẫn chi tiết. Bà bảo đây là bí quyết gia truyền, bà chia sẻ để món ngon Hà Nội đến với mọi miền đất nước. Lúc chia tay tôi xin gửi lại tiền, bà nhất định không nhận và bảo “tặng cho người yêu Thủ đô”. Sau này, tôi cũng làm được món nước sấu ngon nhưng chẳng thể nào giống vị nơi quán nhỏ Hà thành.

Tôi yêu Hà Nội bằng những ký ức thật đẹp của tuổi thơ, bằng những bình yên giữa phố phường đông đúc. Với tôi mỗi lần đặt chân đến Hà Nội là một lần  được trở về./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.