Hà Nội nói không với thịt chó, mèo | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo

Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội vừa ban hành văn bản hướng tới loại bỏ việc buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo trên địa bàn Hà Nội. Chỉ thị này kêu gọi tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền giáo dục cộng đồng về nguy cơ bệnh dại, nhu cầu nuôi nhốt vật nuôi có trách nhiệm, cũng như khuyến khích thay đổi, bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

Chính quyền thành phố hy vọng Hà Nội sẽ trở thành một trong những thành phố trên thế giới không tiêu thụ thịt chó, mèo.

Ước tính, ở châu Á, mỗi năm có khoảng 30 triệu chó, mèo bị giết để phục vụ nhu cầu của con người. Có khoảng trên 10 triệu con chó bị giết thịt ở Trung Quốc, một triệu con ở Indonesia và khoảng 5 triệu con ở Việt Nam.

Loại bỏ tiêu thụ thịt chó mèo sẽ góp phần xây dựng Hà Nội thành thành phố văn minh, thân thiện với khách du lịch. Ảnh minh hoạ: Kênh 14.

Từ năm 2018, Hà Nội đã kêu gọi và vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra ý tưởng cấm bán thịt chó ở các quận nội thành.

Ngày 4/7/2023, trong buổi tọa đàm về việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi, các đại biểu đã đề xuất thí điểm việc hạn chế, giảm trừ và chấm dứt ăn thịt chó, thịt mèo tại thành phố Hà Nội.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội phát biểu: "Chó và mèo là những con vật cưng phổ biến và thân thiết với con người, chúng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chủ nhân. Việc cấm ăn thịt chó, mèo sẽ giúp bảo vệ và giảm thiểu việc tàn sát, tra tấn con vật. Tuy nhiên, việc ăn thịt chó, mèo với không ít người đã thành thói quen, nên để thực hiện mục tiêu này thành công, cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, tổ chức bảo vệ động vật và cả cộng đồng. Cần thông qua các biện pháp giáo dục và tuyên truyền, đồng thời, thiết lập các quy định pháp luật cụ thể để áp dụng, thực thi việc cấm ăn thịt chó, mèo có hiệu quả bền vững".

Sử dụng thịt chó, mèo có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh hoạ: PLO.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), hàng năm, trên thế giới có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại và hơn 10 triệu người cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Tại Việt Nam, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại, và khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn cần điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với kinh phí ước tính lên đến hơn 300 tỷ đồng/năm. Từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo để tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, xoắn khuẩn, tả, góp phần giảm thiểu rủi ro cho du khách và người dân.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ quanh ta cũng đã bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm. Chính quyền Hong Kong đã ban hành Sắc lệnh chó mèo vào năm 1950 nghiêm cấm việc giết mổ chó mèo để lấy thịt và được đảm bảo thực hiện bằng cả hình thức phạt tiền lẫn phạt tù.

Các nước Philippines, Đài Loan, Singapore, Thái Lan đều có lệnh cấm tiêu thụ thịt chó từ nhiều năm trước. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu có luật bảo vệ loài vật cưng này. Tại Mỹ còn có đạo Luật Cấm kinh doanh thịt chó mèo, ai vi phạm có thể bị phạt tối đa một năm tù.

Tại Canada, nếu giết mổ chó một cách vô cớ, hành vi đó có thể bị coi là ngược đãi động vật. Người bị kết án có thể đối diện mức phạt tù lên tới 5 năm.

Tại Việt Nam, năm 2021, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và tổ chức Four Paws ký thỏa thuận nhằm cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn bệnh dịch bùng phát. Hội An cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam có thỏa thuận nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo.

Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản quảng cáo chương trình trại hè dưới hình thức “Học kỳ công an” có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia.

Lợi dụng uy tín của Học viện Cảnh sát nhân dân và thành công của chương trình trại hè “Học làm chiến sĩ công an” từ các năm trước, các đối tượng xấu đã tạo nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook và đăng các nội dung tuyển sinh để thực hiện hành vi lừa đảo.

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước bẫy lừa đảo từ các trang đăng ký trại hè.
Ảnh: Công an thành phố Hà Nội.

Để tạo niềm tin cho người dân, các đối tượng đã quảng cáo khi đăng ký tham gia trại hè sẽ hoàn toàn không mất phí, bao ăn ở, thậm chí còn có nhiều quà tặng miễn phí. Sau đó, các đối tượng sẽ gửi các tiêu chí tham gia ứng tuyển, mã ứng viên và dẫn dắt nạn nhân trao đổi qua các nhóm của Zalo, Telegram để che giấu hành tung, đồng thời tạo nhiều tài khoản các phụ huynh khác để tạo hiệu ứng đám đông, dẫn dắt nạn nhân nhanh chóng đăng ký tham gia vì sợ mất chỗ.

Tiếp đến, đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện các thử thách, nhiệm vụ với các số tiền tăng dần để hỗ trợ chương trình. Do tin tưởng, nhiều người đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền xong, đối tượng chiếm đoạt và chặn liên lạc.

Người dân cần cảnh giác trước các trang đăng ký trại hè có dấu hiệu lừa đảo.
Ảnh: Công an thành phố Hà Nội.

Để phòng tránh thủ đoạn giả mạo tổ chức trại hè nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, Công an thành phố đề nghị người dân nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, trong đó đặc biệt là lừa đảo thông qua các trang Facebook có nội dung quảng cáo về “Trại hè kỹ năng - Học kỳ công an nhân dân”, “Trại hè học kỳ quân đội”, hoặc các nội dung quảng cáo tương tự. Người dân cần tập trung nhận biết các dấu hiệu giả mạo:

1. Đánh giá một số thông tin của fanpage, như: thời gian tạo lập; thời gian đổi tên fanpage; các quảng cáo fanpage đang chạy. Nếu đúng là trang của lực lượng công an thì sẽ không có lịch sử đổi tên từ các nhóm không liên quan.

2. Nếu fanpage có số điện thoại, website thì kiểm tra thông tin số điện thoại đó bằng các ứng dụng chặn cuộc gọi rác, lừa đảo như: Truecaller; Key Messages; Block Calls & Block SMS; Hiya Caller ID and Block.

3. Người dân có thể tìm kiếm số điện thoại liên hệ, địa chỉ các đơn vị công an địa phương, các đơn vị tổ chức trên công cụ tìm kiếm để đối chứng thông tin.

Đối với chương trình trại hè “Học làm chiến sĩ công an” do Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức, người dân quan tâm có thể trực tiếp liên hệ Thiếu tá Bùi Hoàng Ly Ly, số điện thoại 0983.481.187 để đăng ký. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác, cụ thể người nhận tiền là ai, ở đâu.

Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phát hiện ý đồ lừa đảo của các đối tượng, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.