Hà Nội ơi! Thương lắm những hàng cây

Bão qua đi, nhịp sống thường ngày dần trở lại. Nhưng có những điều rất lâu, rất lâu mới có thể lấy lại được và cũng có những điều buộc lòng phải cất vào quá khứ.

Khi xem phóng sự trên ti vi, nhìn những người già ứa nước mắt giọng run run vì tiếc thương cho hàng cây xanh nơi con phố mình gắn bó cả đời người, lòng tôi cũng trào lên một nỗi xót xa khó để tả hết thành lời.

Người Hà Nội yêu sự bình yên, yêu những kỷ niệm dưới những tán cây xanh. Nơi ta gắn bó cả đời người, mọi cảnh vật đều thân quen, đều là ký ức, là vật chứng lưu giữ thời gian đã qua. Nhìn gốc cây già hàng trăm năm tuổi, nhìn những hàng cây mới hôm nào còn xanh mướt một màu giờ tan nát ngay trước mặt không buồn đau sao được?

Tôi cứ day dứt mãi khi xem phóng sự ấy với sự đồng cảm từ tận đáy lòng. Nhưng vào ngày tôi đi làm trở lại sau bão, bước chân ra đường, tận mắt chứng kiến Hà Nội bây giờ nước mắt tôi ứa trào. Ai đã từng chăm một cái cây sẽ hiểu cần bao lâu để có một cây con khỏe mạnh, cần bao lâu để cây trưởng thành.

Cây cổ thụ bị bão quật đổ, chắn ngang phố Nhà Thờ.

Cây ở thành phố không chỉ nhờ bàn tay chăm sóc của những người công nhân môi trường, mà còn là tình yêu là niềm hy vọng của con người gửi gắm. Có nơi nào cây có thể lớn lên, tồn tại dài lâu mà không cần sự yêu thương, tôn trọng của con người?

Tôi thương hai cây bông gòn ở phố Giang Văn Minh. Tôi không biết thật sự tên cây. Tôi chỉ biết mỗi mùa cây ra trái, quả sẽ nở bung ra trắng muốt như bông. Thân cây rất to ba bốn người ôm mới xuể. Chỉ hai cây thôi mà cả đoạn phố Giang Văn Minh ấy đã được phủ xanh bởi tán cây rộng lớn. Tôi thương con phố Giảng Võ nơi tôi đi lại nhiều lần. Hàng cây ban đang thời kỳ phát triển mạnh mẽ đã ngã đổ, hàng bằng lăng mới mùa hè rồi hoa tím biếc, giờ chẳng còn được mấy cây. Tôi thương cây phượng già nơi góc phố chở che cho hàng nước bao mùa mưa nắng, nơi gắn kết người với người qua bao câu chuyện to nhỏ giờ chỉ còn là khoảng trống trơ trọi. Tôi có đọc được một đoạn thơ của tác giả Đặng Trường Giang:

"Dọc đường phố, cây bền lòng đứng đợi

Hệt chúng mình dạo ấy mới yêu nhau

Lá vàng rụng, nhường cành nuôi lộc mới

Cây hồn nhiên không than vãn buồn đau

Hương hoa sữa toả vào thơ, vào nhạc

Dáng thân cành cơm nguội hiện vào tranh

Đố em gọi đủ tên cây Hà Nội

Và đếm bao sắc độ của chiều xanh…"

Tôi đi qua quảng trường Ba Đình, gặp những dáng thân quen thường chạy bộ trong công viên Bách Thảo. À đúng rồi, công viên đang phải đóng cửa để khắc phục sau bão. Có thể là vài ngày, vài tuần công viên sẽ hoạt động lại nhưng biết bao giờ công viên với những con đường xanh mướt bóng cây ấy có thể phục hồi.

Tôi nhớ bóng dáng cặm cụi của những người công nhân đi kiểm tra từng gốc cây, chăm từng cây nhỏ. Giờ tự tay họ phải buộc lòng cưa, cắt bỏ những gì mình đã chăm chút. Tôi đi qua phố Phan Đình Phùng, nhìn từng gốc sấu nhớ lại cảnh người ríu rít quần áo thướt tha chụp ảnh cùng những gánh hàng hoa. Những tán cây giao hoà đan xen với nhau nay xơ xác, rời rạc, trống hoác, ngửa mặt lên thấy bầu trời xám xịt thay cho màu xanh phủ kín hôm nào. Từng bóng người lướt qua ai cũng ngơ ngác, lặng lẽ...

Sau bão, các nhân viên Công ty cây xanh Hà Nội phải làm việc hết công suất để tỉa cành, giải phóng lòng đường.

Tôi muốn thốt lên: Cây ơi cây, cây đã phải vất vả thế nào để trụ vững qua cả một ngày đêm vật lộn với siêu bão? Nhìn gốc cây này phủ kín rong rêu, những nốt sần, những vết nứt trên thân cây đã minh chứng cho cả trăm năm qua cây đã cố gắng thế nào suốt bao mùa gió bão. Có phải cây đã già rồi? Có phải cây đã mệt mỏi? Vậy nghỉ ngơi, cây nhé, người anh hùng trong lòng người Hà Nội chúng tôi. Cây đã kiên cường lắm rồi, cảm ơn người đã là bóng mát, đã là nơi in dấu biết bao kỷ niệm của con người nơi đây.

Gửi lại đây những dòng chữ từ trái tim tôi, từ trái tim của một người sống ở Hà Nội, biết ơn từng gốc cây đã cùng chúng tôi viết lên Hà Nội xanh - Thành phố vì hoà bình. Tin rằng, chỉ cần đồng lòng, Hà Nội sẽ có lại màu xanh ngát xanh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khi Yagi - cơn bão khác thường và mạnh nhất châu Á trong năm nay vừa mới đi qua và để biết bao thiệt hại nghiêm trọng thì những cơn bão mới lại tiếp tục ập đến. Giới khoa học nhận thấy sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến các cơn bão mạnh lên nhanh hơn, dễ trở thành siêu bão với sức tàn phá khủng khiếp.

Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2; Cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn sẽ bị kỷ luật; Xử lý nhanh đám cháy tại nhà dân ở đường Âu Cơ... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

“Nủ ơi, Nủ à” - Ca khúc đặc biệt trong “Dòng thời gian”; Miss Cosmo 2024 chung tay khắc phục hậu quả bão lũ; Trưởng nhóm OneRepublic đến TP. HCM... là nội dung chính trong bản tin hôm nay.

Hà Nội vào thu là cũng là thời điểm cốm "lên ngôi" và được ưa chuộng hơn bao giờ hết.

Việt Nam tăng 15 bậc, xếp thứ 71/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2024; Bộ GD-ĐT phát động cuộc thi viết về thầy cô và mái trường; Công an làm việc với người ủng hộ 200 nghìn nhưng ghi một đơn vị tòa cấp cao tại Hà Nội gây hiểu lầm; Bão Pulasan sắp đổ bộ Trung Quốc trong khi bão Bebinca vẫn gây mưa lớn... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt ứng phó bão số 4; Việt Nam tăng 15 bậc trong Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2024; Không để gián đoạn cấp cứu, điều trị cho người dân trong mưa bão; Israel bước vào giai đoạn mới trong xung đột với Hezbollah... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin thời sự hôm nay.