Hà Nội quy định cụ thể chỉ tiêu dân số cho nhà chung cư | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội quy định cụ thể chỉ tiêu dân số cho nhà chung cư; Khuyến khích người dân gửi hình ảnh vi phạm luật qua Zalo; Tốc độ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội quy định cụ thể chỉ tiêu dân số cho nhà chung cư

Từ 10/6, Hà Nội áp dụng xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư nhằm kiểm soát hiệu quả việc phân bổ dân số, tránh tình trạng đô thị nén, gia tăng dân số đột biến tại khu vực nội thành.

Cụ thể, căn hộ một phòng ở, diện tích sử dụng căn hộ từ 25 đến 45 m2, tính một người; căn hộ hai phòng ở, diện tích sử dụng căn hộ trên 45 đến 70 m2, tính hai người; diện tích sử dụng căn hộ trên 70 đến 100 m2, tính ba người. Căn hộ từ ba phòng ở trở lên, diện tích sử dụng căn hộ trên 100 đến 125 m2, tính bốn người. Diện tích sử dụng căn hộ từ 125 m2 trở lên, tính năm người.

Trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, dân số nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp làm nhà ở xã hội được xác định theo cơ cấu phòng ở và diện tích sử dụng căn hộ tương ứng.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác trên địa bàn.

Việc quy định phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với chung cư nhằm thuận lợi cho công tác lập quy hoạch, phương án kiến trúc công trình chung cư; đảm bảo mật độ dân cư, môi trường sống cho người dân cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị. So với chỉ tiêu, hiện hàng loạt chung cư, đặc biệt là ở các quận và huyện ven đô có mật độ dân số lớn, căn hộ 50 - 70 m2 thường 3 - 5 người ở.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định cứng, quy định số người được phép ở tại căn hộ chung cư là không phù hợp và nhiều bất cập.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, việc xác định chỉ tiêu dân số không phải Hà Nội quy định để cấm người dân ở quá trong căn hộ mà để nhằm khống chế quy mô dân số và cơ cấu căn hộ của dự án trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình của dự án. Việc quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác trên địa bàn Hà Nội sẽ giúp quản lý đô thị tốt hơn, tránh quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Hà Nội ban hành quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo các nhà chuyên môn, đô thị hóa song hành với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đang từng ngày làm đổi thay diện mạo đất nước, mang đến những công năng đô thị đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Nhưng ở một bình diện khác, làn sóng đô thị hóa trên diện rộng, trong đó tình trạng tự phát diễn ra ở nhiều nơi cũng làm nảy sinh nhiều bất cập và để lại những hậu quả nặng nề về mặt xã hội, quy hoạch, kiến trúc, sản xuất, hệ sinh thái, gây nên nhiều áp lực đối với sự phát triển của đất nước, nhất là tại các đô thị lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc các dự án nhà ở mọc lên ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, tăng quy mô dân số vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng cơ sở. Để giải quyết bài toán quá tải hạ tầng cơ sở của các đô thị lớn hiện nay, theo TS.KTS Ngô Trung Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, về tổng thể phải xem xét cả hai yếu tố, mật độ xây dựng và mật độ cư trú, nhưng những năm qua mật độ cư trú lại ít được nhắc đến.

Do đó, việc Hà Nội đưa ra những quy định mang tính chất quy hoạch về xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả việc phân bổ dân số, tránh tình trạng đô thị nén tại các khu đô thị theo quy hoạch trong tương lai.

Khuyến khích người dân gửi hình ảnh phạm luật qua Zalo

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Công an thành phố Hà Nội khuyến khích người dân gửi clip, hình ảnh vi phạm giao thông.

Tình trạng vi phạm luật giao thông, đặc biệt là các hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện hành vi coi thường phạm luật, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao.

Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cho phép người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.

Hình ảnh vi phạm được người dân phản ánh sẽ được cảnh sát giao thông xác minh và xử lý nếu thông tin vi phạm là đúng. Ảnh: Hồng Quang.

Thời gian qua, nhiều trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy, khi được quần chúng nhân dân cung cấp thông tin, các clip từ camera hành trình, camera an ninh của gia đình đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc xác minh, làm rõ phương tiện và người điều khiển.  Tại Hà Nội, sau một tháng triển khai tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm giao thông qua trang Zalo chuyên biệt, phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã có căn cứ xử lý gần 300 trường hợp phạm luật an toàn giao thông.

Lượt truy cập và tương tác với trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội" tăng, cho thấy người dân có quan tâm tới kênh thông tin chính thống này của cơ quan chức năng; huy động được người dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông cho lực lượng chức năng xác minh, xử lý.

Phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, người dân có thể phản ánh qua các kênh tương tác trực tuyến của Công an Thành phố như số điện thoại 024.3942.4451 và trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội".

Tất cả các clip, hình ảnh sẽ được lực lượng chức năng bảo mật thông tin về người cung cấp, cũng như khẩn trương xác minh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, từng bước tạo nên môi trường giao thông văn hóa và an toàn.

Theo luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (quận Cầu Giấy), việc phát triển kênh tương tác giữa người dân và cơ quan chức năng trong việc cung cấp và xử lý thông tin vi phạm là biện pháp áp dụng công nghệ 4.0 để mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên, cộng tác viên đắc lực với cơ quan chức năng trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Điều này thể hiện xã hội ngày càng tiến tới một nền pháp luật văn minh, công bằng.

Tốc độ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 chiều ngày 28/5.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai chuyển đổi quan trọng nhất của thế kỷ này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Viettimes.

Chuyển đổi xanh là hướng tới mô hình phát triển thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sản xuất, tiêu dùng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải, từ đó tạo nên một nền kinh tế xanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Chuyển đổi số là hướng tới mô hình phát triển thông minh dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn, tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu hao phí tài nguyên, năng lượng, tạo ra giá trị mới, từ đó tạo nên một nền kinh tế xã hội số.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Cũng trong năm 2020 kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP, nhưng đến năm 2023 thì kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20%.

Doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều động lực hơn để bắt tay chuyển đổi xanh. Ảnh minh hoạ.

Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hoá với hai xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số chính là nhận thức. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà còn là về thể chế và chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức. Tiếp đến là nguồn nhân lực, vật lực, an toàn thông tin cho đến việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Các chuyên gia trao đổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ảnh: TTXVN.

Thách thức trong chuyển đổi xanh chính là nguồn vốn để thực hiện. Tiếp đến là về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn phát triển bền vững FPT Digital, chuyển đổi số và xanh trong doanh nghiệp trước tiên phải có sự chuyển biến từ nhận thức trong lãnh đạo doanh nghiệp, đây là hướng đi dài hạn 10 - 20 năm. Kinh nghiệm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dựa trên thế mạnh doanh nghiệp, ưu tiên đào tạo. Đây là mục tiêu tăng trưởng kép hướng tới hiệu quả, minh bạch, dữ liệu được chia sẻ.

Theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), để chuyển đổi số theo hướng chuyển đổi xanh thành công, Việt Nam cần phải đi theo con đường và cách tiếp cận riêng nhằm tận dụng lợi thế của chính mình. Đó là, dựa trên sự nhanh nhạy với cái mới, có khát vọng hùng cường, thịnh vượng của người Việt Nam; về chính sách phải có điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương; đồng thời, dựa trên đặc điểm về thể chế Đảng lãnh đạo, nên có thể huy động được tổng lực, cả hệ thống chính trị, toàn dân vào những việc lớn, vĩ đại như công nghiệp hóa - hiện đại hóa, và dựa trên các bài toán lớn của Việt Nam để tìm con đường chuyển đổi số xanh cho phù hợp.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.