Hà Nội quy hoạch phát triển các công trình ngầm | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội quy hoạch phát triển các công trình ngầm; Số lượng bệnh nhân HIV/AIDS đang tăng cả về số lượng và độ nặng... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội quy hoạch phát triển các công trình ngầm

Nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch không gian ngầm trung tâm thành phố.

Thành phố sẽ xây dựng không gian ngầm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện. Không gian ngầm được phân 3 vùng theo chiều ngang, gồm: khu vực nội đô có khu vực nội đô lịch sử, từ Vành đai 2 vào trung tâm sẽ đẩy mạnh phát triển không gian ngầm do cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao; khu vực nội đô mở rộng, từ Vành đai 2 đến Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ tăng cường liên kết các không gian ngầm cục bộ tại các công trình đã và đang hình thành, tạo thành hệ thống liên hoàn. Các nội dung nghiên cứu lập quy hoạch gồm: giao thông ngầm, bãi đỗ xe công cộng ngầm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, các công trình đầu mối - xử lý nước thải; trạm biến áp cao thế); công trình công cộng ngầm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch không gian ngầm liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó đáng lưu ý hệ thống sông ngòi chằng chịt và địa chất bị đánh giá là yếu của Hà Nội. Với gần 20 năm nghiên cứu về thủy lợi và hệ thống sông ngòi, ông Trịnh Xuân Hoàng, Viện Quy hoạch Thủy lợi khẳng định, các sông chảy qua nội đô đều là sông nhỏ, có độ sâu không đáng kể so với các công trình ngầm.

Ảnh minh họa

Với quy mô 756km2, quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm, trung tâm đô thị thành phố đã được phê duyệt, chạy qua địa giới 20 quận huyện. Phân vùng chức năng với 3 lớp, độ sâu từ 0-30m. Theo các chuyên gia, kiến trúc sư, địa chất Hà nội phù hợp cho các công trình ngầm, trong đó có đường sắt đô thị ngầm. Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra cho Hà Nội khi triển khai đô thị ngầm là kỹ thuật và nguồn lực đầu tư. Chuyên gia khẳng định hoàn toàn có thể xử lý được các vấn đề về địa chất cũng như cầu ngầm qua sông. Khó khăn lớn nhất lại nằm ở nguồn lực.

Soi chiếu vào quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội cho thấy, muốn đạt mục tiêu tích hợp các mục đích sử dụng trong không gian ngầm, cần tính toán để chia sẻ gánh nặng đầu tư, hạ giá thành xây lắp. Tuy nhiên, trong cùng không gian, lại đa sở hữu, để bảo đảm mối quan hệ bền vững, an toàn đầu tư thì việc tối quan trọng là phải làm rõ quyền sở hữu tài sản trong tổ hợp không gian ngầm đô thị. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, khi xây dựng hay khai thác các công trình giao thông ngầm lớn ảnh hưởng không chỉ theo chiều thẳng đứng mà mở rộng ra các bên. Trong khi đó, văn bản pháp lý liên quan đến tài sản thuộc nhiều sở hữu trong phạm vi này rất hạn chế hoặc hầu như không có. Bởi vậy, cần thiết phải bổ sung vào các luật, đặc biệt là Luật Đất đai và Xây dựng. Đây cũng là những thách thức của tiến trình phát triển mà nhiều quốc gia trên thế giới đã phải cập nhật, bổ sung.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đã được lập. Không gian ngầm trong trung tâm đô thị liệu có thể trở thành “mỏ vàng” khi Hà Nội lần đầu tiếp cận? Đây cũng là thách thức đòi hỏi các cơ quan chức năng có nghiên cứu đa chiều để không gian ngầm đô thị theo quy hoạch bằng phương pháp mới sẽ không chỉ là bản vẽ khô cứng mà đó phải là một bản quy hoạch hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, bản quy hoạch này tới đây cần được đồng bộ, tích hợp trong nội dung Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, để bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Số lượng bệnh nhân HIV/AIDS đang tăng cả về số lượng và độ nặng

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết từ sau đại dịch Covid-19, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Đáng chú ý, độ tuổi người nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa, trung bình từ 20 - 25 tuổi, và 80% là đồng giới nam.

Lý giải về nguyên nhân, TS.BS Võ Triều Lý - Khoa Nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết, đường lây truyền HIV chủ yếu là quan hệ tình dục đồng giới, điều này khác so với 20 năm về trước là tiêm chích ma túy, quan hệ với gái mại dâm. Xu hướng này phù hợp với xu hướng trên thế giới. Một đặc điểm nữa là hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thuộc nhóm có học hành và đào tạo, công việc ổn định, nhân thân tốt, nhân viên y tế có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Nhưng đây cũng là rào cản để họ bộc lộ thông tin, họ có thể biết mình nhiễm HIV nhưng vì công việc, uy tín, hoặc vì lý do nào đó mà họ không tiếp cận sớm dịch vụ y tế nên khi phát hiện thì bệnh đã nặng. Vì vậy, số bệnh nhân HIV/AIDS nặng tăng lên và đến thời điểm này chưa có điểm dừng. Tính riêng trong năm 2023, TP.HCM phát hiện trên 4 nghìn người nhiễm HIV đưa vào danh sách quản lý. Số tử vong trong năm là 269 người. Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên năm 1990, tính đến cuối năm 2023, TP.HCM đã phát hiện được trên 86 nghìn người nhiễm HIV.

Bác sĩ dành đang tư vấn cho bệnh nhân mới phát hiện nhiễm HIV. Ảnh: Tống Nam

Những năm trước đây, nhiều người thường xua đuổi, xa lánh người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch HIV/AIDS và đây được coi là “căn bệnh thế kỷ”. Bị nhiễm HIV coi như đã mang sẵn trong mình một bản án tử. Thế nhưng, hiện nay, với sự phát triển của y học, những người mắc  bệnh có thể sống khỏe mạnh nếu điều trị bằng thuốc ARV.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh phòng chống căn bệnh thế kỷ này khi xây dựng Chiến lược quốc gia về điều trị từ xa, giúp người bệnh rút ngắn thời gian đi lại, tiếp cận thuốc sớm hơn. Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có những chiến lược sàng lọc sớm ngoài cộng đồng, tăng cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận thuốc ARV - đây là thuốc then chốt quyết định sự sống còn của bệnh nhân. Đặc biệt, HIV/AIDS hiện được xem là bệnh mạn tính và điều trị được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, cùng với chính sách thông tuyến, bệnh nhân ngại điều trị tại cơ sở y tế gần nhà thì có thể qua địa phương lân cận để sử dụng dịch vụ y tế.

Bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối hứng chịu rất nhiều nhiễm trùng cơ hội, do đó tăng tỷ lệ tử vong. Vấn đề cốt lõi là làm tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng, có thêm nhiều đồng đẳng viên và cần có công cụ tự xét nghiệm để bệnh nhân biết, đồng thời nhận thức rõ nếu phát hiện nhiễm HIV thì phải tiếp cận dịch vụ y tế sớm, còn không nhiễm thì yên tâm. Biện pháp tự xét nghiệm cũng cần được hướng dẫn rõ ràng và dễ tiếp cận./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc đang thu hút lượng lớn du khách; Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay; Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Đây là yêu cầu của Chính phủ tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Đang giữa cái nắng nóng 39-40 độ C, hai hôm nay thời tiết Hà Nội bỗng mưa dông, sấm chớp và se lạnh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những dị thường của thời tiết trong thời gian gần đây.

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; 5 ngày nghỉ lễ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; Từ 2/5, thí sinh đăng ký thi tốt THPT năm 2024... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục; Từ 2/5, sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Kỳ nghỉ lễ năm nay, lượng du khách không tăng đột biến... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.