Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp

Thông tin vừa được đưa ra trong kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.

Hà Nội có tổng số gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân, chiếm gần 13%. Hơn 80% số công nhân phải ở trọ trong khu dân cư, do người dân xây cho thuê. Đó hầu hết là những căn nhà tạm bợ, mỗi phòng chừng 10 m2, vừa hẹp, lại ẩm thấp, không khép kín.

Theo ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, khi công nhân ở thuê trong những căn nhà như vậy rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi sức khỏe bị ảnh hưởng thì công nhân không thể tái tạo sức lao động, thậm chí năng suất lao động bị giảm rất nhiều so với những người sống trong môi trường tốt hơn.

TP. Hà Nội đặt mục tiêu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố có nhà ở xã hội.
Ảnh: CafeLand.

Bởi vậy, xây nhà ở cho người lao động, đặc biệt là công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất là hết sức cần thiết, đáp ứng mong mỏi của người lao động.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100% các khu công nghiệp có nhà ở xã hội vào năm 2030, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, thành phố phải vượt qua được những khó khăn về cơ chế chính sách cũng như quỹ đất, nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai. Trên thực tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động, có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương.

Ngoài ra, vấn đề thuộc về ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp khi sử dụng lao động đều chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân và xem đó chủ yếu là trách nhiệm của xã hội, của Nhà nước.

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cần thay đổi nhận thức, thái độ, chuyển thành thay đổi hành vi của các cấp chính quyền, các cán bộ; công nhân lao động. Đồng thời, hoàn thiện chính sách quản lý, chính sách với nhà đầu tư, với người lao động thu nhập thấp.

Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở

Dự án đường Tây Thăng Long đoạn Văn Tiến Dũng - Phạm Văn Đồng được khởi công từ năm 2019, kế hoạch hoàn thành trong năm 2021, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư.

Dự án đường Tây Thăng Long đoạn Văn Tiến Dũng - Phạm Văn Đồng (Hà Nội).
Ảnh: Vĩnh Hoàng/ Lao Động.

Nguyên nhân chính khiến dự án mãi còn dang dở là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, có khoảng 420 hộ dân có đất ở bị thu hồi cho rằng, giá bồi thường đất ở chưa thoả đáng, không đủ để mua nhà tái định cư được Nhà nước bố trí.

Tình trạng chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Theo khảo sát của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong số bốn dự án giao thông trọng điểm năm qua chỉ có một dự án tuyến đường đang đạt tiến độ. Ba dự án đang trong tình trạng dang dở.

Dự án đường Tây Thăng Long đoạn Văn Tiến Dũng - Phạm Văn Đồng dài 3,24km.
Ảnh: Vĩnh Hoàng/ Lao Động.

Có thể kể đến như dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn một). Mức đầu tư giai đoạn một dự án hơn 7.200 tỷ đồng. Dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2024 nhưng đến nay mới giải ngân chưa được 30% và khó hoàn thành trong năm quý I/2025.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ. Theo kế hoạch, các quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ đã phải hoàn thành bàn giao mặt bằng để thi công dự án, nhưng đến nay mới được 40%.

Tại dự án tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình với mức đầu tư 12.600 tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt mới chỉ đạt gần 9%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án được xác định là do công tác quản lý Nhà nước về đất đai chưa chặt chẽ, việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn; hầu hết các dự án đều không xây dựng kế hoạch tiến độ giải phóng mặt bằng; giá bồi thường áp theo khung quy định của Nhà nước ở một số dự án còn thấp so với giá đất trên thị trường nên người dân không đồng thuận.

Dự án đang chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Vĩnh Hoàng/ Lao Động.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như thiếu kinh phí chi trả đền bù giải phóng mặt bằng; việc bố trí tái định cư chưa kịp thời; chậm làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp và đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thu hồi phục vụ các dự án đầu tư.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng những dự án chậm tiến độ không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, lãng phí tài nguyên đất đai.

Để giải quyết bài toán này, theo các chuyên gia quy hoạch, trong quy hoạch sử dụng đất hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch chuyển đổi chức năng, cần phải rà soát lại các diện tích đất đã giao nhưng khai thác không hợp lý, hoặc khai thác không đúng chức năng, đề ra được biện pháp hợp lý, tránh thất thoát lãng phí tài nguyên.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho hay, với các dự án treo, chậm tiến độ, thành phố Hà Nội đã phối hợp với chủ đầu tư làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Với các dự án không thể triển khai, chuyển đổi, thành phố sẽ tiến hành thu hồi.

Các nhà quản lý, chính quyền các cấp cần phải siết chặt hơn nữa việc thực thi quy định pháp luật về quản lý đất đai, có biện pháp xử lý dự án chậm tiến độ, bỏ hoang. Qua đó, xử lý một cách minh bạch, công bằng, công khai các dự án chậm triển khai để toàn thể người dân có thể cùng theo dõi, giám sát.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam ta thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò, sức mạnh quân sự Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (có hiệu lực từ 1/1/2025), quy định xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định khí thải hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.

Hơn một tháng nữa, Tết đến xuân về. Những trận mưa phùn cuối tuần trước cộng với tiết trời lạnh đặc trưng của mùa đông, mầm xanh trên cành đào bừng tỉnh, báo hiệu người dân đã sẵn sàng cho vụ Tết đang cận kề. Ở những làng hoa ven đô như Tây Tựu, Ngọc Hà từng tốp người chăng đèn sưởi ấm cho hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội.

Là một người yêu Hà Nội, hẳn chúng ta luôn thấy hạnh phúc vì những thứ mình đang có và cả những thứ Thành phố này đem lại cho mình. Ở Hà Nội, ta sẽ quen với cảm giác được thức giấc bởi tiếng loa phường thân thuộc chào ngày mới "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Câu hỏi đặt ra liệu đâu đó còn những Mr.Pips tương tự như thế nữa không?

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua sáng - xanh - sạch - đẹp của TP. Hà Nội. Nhiều giải pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu này, trong đó đáng chú ý có vài chi tiết như: 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời thực hiện giảm việc đốt vàng mã.