Hà Nội sẽ đầu tư cải tạo, xây mới 38 chợ | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội sẽ đầu tư cải tạo, xây mới 38 chợ; Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt; Giả mạo cán bộ thuế để lừa đảo người nộp thuế… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đầu tư cải tạo, xây mới 38 chợ

Giai đoạn 2024 - 2025, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư xây mới 17 chợ (trong đó năm 2024 đầu tư xây dựng hoàn thành 5 chợ; năm 2025 hoàn thành 12 chợ), đồng thời cải tạo, sửa chữa và nâng cấp 21 chợ.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 110 thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025. Kế hoạch cũng nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố một cách tổng thể, đồng bộ. UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự… đối với các chợ trên địa bàn, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, công khai các thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận ngay trước, trong và sau khi triển khai các chủ trương, chính sách đối với công tác đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống chợ. UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát lại quỹ đất để bố trí các địa điểm xây dựng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt….Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với quỹ đất sạch góp phần giảm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án.

Hà Nội sẽ xây mới, sửa chữa 38 chợ trong giai đoạn 2024-2025. Ảnh: Tienphong

Là kênh phân phối đã tồn tại lâu đời và gắn bó với đời sống nhân dân, nên phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tại các chợ truyền thống vì sự tiện lợi và có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các chợ trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp, hạ tầng trong chợ lộn xộn, nhếch nhác, làm xấu đi hình ảnh văn minh thương mại của thành phố. Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 453 chợ, trong đó 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%). Trong tổng số 453 chợ có 89 chợ kiên cố (chiếm 19,64%); 248 chợ bán kiên cố (chiếm 54,74%); 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,62%). Hiện hầu hết các chợ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, cơ sở hạ tầng chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội đã ở mức "báo động" nhưng để kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cải tạo, xây mới đòi hỏi cơ quan quản lý cần phải lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển. Việc cải tạo các chợ truyền thống đang là yêu cầu cấp thiết nhưng muốn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ thì vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý Nhà nước là hết sức quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới rất cần UBND TP Hà Nội và các ngành liên quan sẽ cần xây dựng ngay cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, khai thác hệ thống chợ, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì khó có thể xã hội hóa vốn đầu tư.

Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chợ Hà Nội còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội. Vì vậy việc cải tạo, xây dựng lại các khu chợ cũ tại Hà Nội sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, tạo dựng môi trường thương mại đô thị văn minh, hiện đại. Song cần có giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương để thúc đẩy các dự án cải tạo chợ dân sinh hoàn thành mục tiêu mà thành phố đề ra

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần hai tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tại điểm trong giữ xe tại Phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, kết quả bước đầu ghi nhận 50% số người gửi xe máy, 70% người gửi ô tô thanh toán không dùng tiền mặt. Vào ngày 15/4 tới đây, UBND quận Hoàn Kiếm cũng sẽ tiến hành thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 16 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn, với mục tiêu minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện ở trung tâm thành phố

Những ngày này, Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cùng các đơn vị liên quan đang khẩn trương lắp đặt camera đọc biển số, barie tự động, tủ điều khiển, máy tính thu phí; cài đặt ứng dụng, chạy thử hoàn thiện hệ thống để tới ngày 15/4 sẽ chính thức thí điểm sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) tại các điểm trông giữ xe thông minh. Đây là nỗ lực của Hà Nội trong việc từng bước hướng tới xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thành phố thông minh.

Điểm thu giữ xe không dùng tiền mặt ở Q. Tây Hồ. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thông tin, từ 15/4 việc thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt sẽ được triển khai tại 8 điểm trông giữ xe trên các tuyến phố: Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; với xe máy sẽ thực hiện trên phố Bà Triệu, tại điểm trông xe trước Bệnh viện Mắt Trung ương. Đối với bãi đỗ xe có khuôn viên kín, TP. Hà Nội cho phép sử dụng công nghệ như trong thu phí tự động không dừng ETC tại các trạm thu phí. Đối với điểm đỗ lòng đường, nhân viên trông giữ xe sẽ sử dụng thiết bị đọc thẻ cầm tay, công nghệ nhận diện thẻ Etag định danh gắn trên phương tiện và công nghệ nhận dạng biển số từ ảnh chụp phương tiện

Trước đây, các đơn vị được cấp phép trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội tổ chức thu giá dịch vụ trông giữ xe chủ yếu bằng tiền mặt. Đến giữa năm 2017, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình thu phí trông giữ xe qua ứng dụng iParking tại 17 điểm trên tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Sau đó mô hình này phải tạm dừng vào tháng 9/2020 do còn một số hạn chế và bất cập. Theo báo cáo của Sở GT-VT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có 57 bãi đỗ xe được TP cấp phép hoặc nằm trong các trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học; 639 điểm đỗ (dưới lòng đường) với tổng diện tích khoảng 135.000m2. Việc triển khai thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt, ngoài những lợi ích như người dân dễ dàng tra cứu tuyến đường, điểm đỗ xe còn trống, rút ngắn thời gian di chuyển, ra vào điểm đỗ và thanh toán thuận lợi, chủ trương này còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước như: bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thu thuế từ hoạt động trông giữ phương tiện, giúp lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị.

Đánh giá về việc trông giữ xe tại các đô thị, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ  Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thu phí thời gian qua còn thiếu minh bạch, đặc biệt những dịp lễ tết và tại các địa điểm tư nhân,  hình thức chủ yếu bằng tiền mặt dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế. Do vậy, việc thu phí không dùng tiền mặt sẽ hạn chế tình trạng “chặt chém”, giúp hoạt động này đi vào quy củ và nâng cao trách nhiệm của đơn vị trông giữ phương tiện. Cũng ủng hộ chủ trương mới của Thành phố, chuyên gia giao thông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh vào khâu tổ chức, quản lý và con người. Trong tương lai, tại các tỉnh thành phố của Việt Nam cũng nên phát triển theo hướng này, nhà nước cần có cơ chế thu hút nhà đầu tư xây dựng bãi trông giữ xe, ngăn chặn các bãi xe tự phát, tiến tới giải triệt để “bài toán” thiếu điểm đỗ xe và minh bạch quá trình thu phí.

Giả mạo cán bộ thuế để lừa đảo người nộp thuế

Cục thuế TP Hà Nội vừa có thư gửi người nộp thuế trên địa bàn thành phố cảnh báo tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo. Theo đó, Cục Thuế Hà Nội cho biết, trên địa bàn một số quận như: Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, khu vực Thạch Thất – Quốc Oai, huyện Đông Anh… đã xuất hiện các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ thuế, giả mạo cơ quan thuế để tiếp cận tới người nộp thuế đã được ngăn chặn kịp thời. Hành vi này đã và đang gây thiệt hại, làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cán bộ công chức của cơ quan thuế.

Hình thức lừa đảo mà các đối tượng áp dụng đó là dùng số điện thoại từ sim rác gọi đến cho người dân và xưng là cán bộ của Cục Thuế, Chi cục Thuế yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân để được hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế và phục vụ công tác kiểm tra cũng như các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng (App) để nhận thông tin từ chi cục thuế nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Thậm chí có đối tượng còn giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VneID giả mạo để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo là “tích hợp căn cước công dân và mã số thuế” hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VneID, sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VneID giả mạo rồi từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Cục Thuế TP Hà Nội khuyến cáo, người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt… cần kiểm tra kỹ nội dung. Ảnh minh họa

Trong thời gian vừa qua, ngành thuế đã liên tục tuyên truyền và đưa ra cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo nhưng vẫn có trường hợp mắc bẫy các đối tượng này đặc biệt trong giai đoạn tháng cao điểm quyết toán thuế. Cục Thuế Hà Nội một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành thuế nào thu thuế hộ. Đồng thời cảnh báo đến người nộp thuế khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trước các tình huống. Khi nhận các cuộc điện thoại nghi ngờ là giả mạo, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin kể cả đối với thông tin có tính chất tạo áp lực đe dọa. Người nộp thuế không nên vội vàng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email, không làm theo hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, đường link giả mạo và cần thông báo ngay cho cơ quan Công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân liên hệ trực tiếp tới cơ quan thuế quản lý đơn vị hoặc gọi đến danh sách số điện thoại chính thống của Cục Thuế TP Hà Nội được niêm yết trên website https://hanoi.gdt.gov.vn để phản ảnh và được hỗ trợ kịp thời./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.