Hà Nội sẽ kiểm tra PCCC của 100% nhà trọ trước 15/6 | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội sẽ kiểm tra PCCC của 100% nhà trọ trước 15/6 ; Hiệu quả đến từ 5 tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ kiểm tra PCCC của 100% nhà trọ trước 15/6 

Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính đã khiến 14 người tử vong. Đây là "hồi chuông" cảnh báo sự thiếu an toàn về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các nhà trọ trong ngõ sâu.

Chiều qua (24/5), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 04 về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố, UBND các quận huyện, thị xã tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn

Chủ tịch UBND thành phố giao UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo UBND các phường phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tổ chức ít nhất 33 tổ công tác để thực hiện ngay tổng rà soát, kiểm tra 100% việc khắc phục các giải pháp trước mắt đối với nhà trọ trên địa bàn quận Cầu Giấy theo chỉ đạo tại Công điện 991 của Thủ tướng Chính phủ. Việc hướng dẫn phải thể hiện bằng biên bản kiến nghị rõ thời hạn thực hiện hoàn thành và yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết thực hiện. Dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Quá trình kiểm tra đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm; kỹ năng xử lý tình huống chữa cháy ban đầu cho người dân. Hoàn thành và báo cáo kết quả về UBND thành phố (qua Công an thành phố) trước ngày 30/5/2024.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ban hành Công điện tăng cường công tác PCCC, rà soát 100% các nhà trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: T.L

Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các phường trên địa bàn quận Cầu Giấy tổ chức rà soát đối với cơ sở nhà trọ bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Chủ trì đôn đốc, kiểm tra việc triển khai của các đơn vị; tổng hợp kết quả, tham mưu UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7. UBND thành phố giao UBND quận huyện, thị xã chủ động thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6 và báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/6. Đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao còn lại tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra hoàn thành trước ngày 15/7 báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/7.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy đáng tiếc xảy ra xuất phát từ chính sự hiểu biết sơ sài của người dân về công tác PCCC. Chỉ khi xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản thì công tác phòng cháy mới được người dân đề cao. Tuy nhiên chỉ được trong khoảng thời gian ngắn nhất thời, sau đó sẽ tiếp tục bị lãng quên.

Theo Ðại tá Dương Ðức Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thực tế thời gian qua cho thấy việc huy động sức mạnh toàn dân cùng tham gia PCCC còn yếu; sự vào cuộc của các quận huyện còn chậm trễ khiến sự cố nảy sinh. Ðể khắc phục những bất cập còn tồn tại đòi hỏi các quận huyện phải nhanh chóng vào cuộc rà soát 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn; xem xét trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu khi xảy ra sai phạm. Có quyết liệt như vậy mới không xảy ra các vụ việc đau lòng đến từ những vi phạm trong PCCC.

Sau vụ cháy tại Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), theo nhiều đại biểu Quốc hội cần có giải pháp dài hạn, đặc biệt đối với nhà ở kết hợp kinh doanh cho thuê trọ cần phải cấm. Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh phải có phương án, giải pháp phòng PCCC. Bởi nguy cơ xảy ra cháy nhà ở kết hợp kinh doanh rất hiện hữu và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi, nhà ở kết hợp với kinh doanh, cho thuê trọ thường đông người lao động, học sinh, sinh viên nên "nếu cháy thì khả năng dẫn đến chết người với số lượng lớn".  Do đó, đại biểu này đề nghị phải có các giải pháp đồng bộ cả về ngắn hạn, dài hạn, kỹ thuật và mang tính bắt buộc mới có thể ngăn chặn nguy cơ các vụ việc tương tự. Về phía chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn, nếu rà soát trên địa bàn thấy những công trình tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân thì phải dứt khoát xử lý. Trường hợp nhà không có lối thoát hiểm phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát.

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, nhiều người và ở trong ngõ sâu cần  kiểm tra kết cấu và yêu cầu đảm bảo có ít nhất một lối thoát hiểm. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh cần nâng cao công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra. Đặc biệt, nữ đại biểu cho rằng chính quyền cần vào cuộc rà soát trên địa bàn quản lý với khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy, có thể đe dọa tính mạng người dân nhưng không có lối thoát phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản, mái tôn hoặc thiết kế thêm phương án thoát nạn.

Theo báo cáo thống kê của phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy, năm 2023 trên địa bàn quận có hơn 1.000 nhà ở nhiều phòng. Trong đó phần lớn kinh doanh thuê trọ, dịch vụ lưu trú. Có 45 chung cư mini (tức những căn hộ có diện tích sàn tối thiểu 30m2/phòng trở lên) có công tơ điện tới từng hộ gia đình và vệ sinh khép kín. Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các đơn vị đã kiểm tra hơn 69.400 công trình. Trong đó có gần 30.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; 385 nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; hơn 36.100 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao.

Thực tế, việc cho thuê trọ kết hợp kinh doanh hay việc thuê nhà trọ là nhu cầu bình thường. Bởi hiện nay thành phố thiếu trầm trọng nguồn cung căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ thì người thuê nhà như công nhân, học sinh sinh viên phải tính tới thuê nhà trọ trong ngõ sâu. Chính vì vậy theo nhiều chuyên gia không nên cấm mô hình kết hợp kinh doanh với cho thuê trọ một cách cực đoan. Vấn đề ở đây là phải quản lý, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn PCCC.

Quốc hội đang sửa Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cần đưa ra những quy định xử lý vấn đề này một cách đầy đủ. Nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về PCCC đối với loại hình nhà ở. Các nội dung dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của chính quyền địa phương cũng như nghĩa vụ của công dân.

Hiệu quả đến từ 5 tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội

Sau một tuần đưa vào hoạt động  5 tổ công tác đặc biệt của CSGT TP Hà Nội, các vi phạm giao thông đã giảm, ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt . Tại các nút giao thông trọng điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, người dân đã có ý thức chấp hành tín hiệu đèn và hiệu lệnh người tham gia điều tiết giao thông, đi đúng làn, không chen lấn, dần dần tạo thói quen tham gia giao thông văn minh, lịch sự.

Thực hiện Kế hoạch số 172 về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự, an toàn giao thông, Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an các quận tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại các quận nội thành, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm nhằm phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông. Khác với kế hoạch 141 của Công an TP Hà Nội triển khai rất hiệu quả trong 13 năm qua,  5 tổ công tác "đặc biệt" lần này của Phòng CSGT Hà Nội không có sự tham gia của cảnh sát hình sự. Lực lượng chức năng tập trung xử lý vi phạm vào khung giờ cao điểm tại các điểm nút giao thông và tuyến đường trọng điểm.

Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội thành lập 5 tổ công tác, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội đánh giá, qua thực tế triển khai 5 tổ công tác đặc biệt gồm: CSGT, Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm tại 12 quận nội thành, các hành vi vi phạm giao thông đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, khi triển khai nhiệm vụ 5 tổ công tác linh hoạt vào các khung giờ cao điểm sáng chiều, hai ngày đầu tuần qua đã cho hiệu quả giảm thiểu ùn tắc giao thông đáng kể.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, 5 tổ công tác "đặc biệt" nói riêng, các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông  tập trung xử lý và lên án 6 hành vi vi phạm cơ bản như: không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, cố tình vượt đèn đỏ, chở quá người theo quy định, điều khiển xe lạng lách đánh võng, xe tự chế chở cồng kềnh và đặc biệt phụ huynh chở con không đội mũ bảo hiểm.

Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội từ ngày 16/5 đến nay,  5 tổ công tác “đặc biệt” đã xử lý 708 trường hợp, tạm giữ 218 phương tiện, tước 21 giấy phép lái xe, 655 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 17 trường hợp vượt đèn đỏ, 12 trường hợp đi ngược chiều. Thời gian tới hoạt động các tổ công tác sẽ tập trung vào các điểm giao thông có mật độ phương tiện cao, nhiều ngã rẽ với nhiều làn xe hỗn hợp, phức tạp.

Hiện tại, 5 tổ công tác đã triển khai tại các quận trên địa bàn Hà Nội: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm đạt hiệu quả cao và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Công an thành phố tiếp tục triển khai hoạt động các tổ công tác tại địa bàn các quận còn lại. Theo kế hoạch, 5 tổ công tác đặc biệt sẽ hoạt động thí điểm trong 2 tháng, tập trung ở các quận. Sau đó, Công an TP. Hà Nội sẽ tiếp thu phản ánh, đánh giá từ người dân, cơ quan chức năng về hiệu quả hoạt động để tiếp tục triển khai trên diện rộng và có chiều sâu với mục tiêu định hình và xây dựng nét văn hóa giao thông Thủ đô./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Xe đưa đón học sinh cần thêm công nghệ để giảm sai sót do con người; Ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi với nhiều tiện ích... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội đề xuất xây dựng 9 khu nhà ở xã hội; Hà Nội sẽ mở thêm điểm trông xe không dùng tiền mặt; Nỗi lo đuối nước với trẻ em dịp hè... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội lại đón nắng nóng, xen giữa mưa dông; Đề xuất người đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm; Từ 1/7, những ai chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi; Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường; Ngăn chặn cá độ bóng đá trái phép khi mùa Euro 2024 đang tới gần... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Sông Tô Lịch sắp có nước sạch; Hà Nội sắp có tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng tới Hưng Yên; Hà Nội quy hoạch trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô tại huyện Gia Lâm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 106.000 thí sinh Hà Nội dự thi lớp 10; Mô hình 9+ cánh cửa cho học sinh trượt lớp 10 THPT công lập... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.