Hà Nội sẽ sớm khởi công cầu Tứ Liên và Trần Hưng Đạo | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội sẽ sớm khởi công cầu Tứ Liên và Trần Hưng Đạo. Thông tin vừa được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đưa ra đúng lúc tình trạng các cây cầu bắc qua sông Hồng đang được nhiều người quan tâm.

Thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong quý IV/2024, lên kế hoạch khởi công trong đầu năm 2025.

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn thành phố sẽ có 17 cây cầu vượt sông Hồng. Hiện đã có 8 cầu được xây dựng gồm: Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tuy 2.

9 cây cầu sẽ được xây dựng trong thời gian tới, gồm: Cầu Thượng Cát, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Thăng Long mới, Ngọc Hồi, Phú Xuyên.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện có hai cầu đang trong tình trạng cầu yếu là Long Biên và Chương Dương. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3 vừa qua, Hà Nội đã phải cấm toàn bộ người và phương tiện qua cầu Long Biên trong nhiều ngày, còn cầu Chương Dương phải cấm xe tải từ 0,5 tấn trở lên và xe ô tô chở khách. Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết trong hơn 500 cầu do Sở Giao thông Vận tải đang quản lý, có đến 40 cây cầu bị ngập do ảnh hưởng bão số 3 và không đủ điều kiện an toàn để khai thác.

Hà Nội quyết định cấm người đi bộ, các loại phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h00 ngày 10/9/2024.

Việc sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và Trần Hưng Đạo sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho các cây cầu khác. Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc đầu tư xây dựng, hình thành các cây cầu qua sông Hồng chính là tạo các “mạch nối” để bảo đảm duy trì sự kết nối, liên thông giữa khu vực hai bên sông Hồng. Từ đó, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới có tính đột phá về phát triển cho các khu vực phía Bắc sông Hồng theo đúng định hướng quy hoạch.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nhận định: Xây dựng cầu vượt sông Hồng là vấn đề bức thiết, quan trọng, vừa giảm ách tắc giao thông vừa phát triển khu vực hai bên sông, kết nối hạ tầng.

Chị Đặng Phương Thảo, huyện Gia Lâm, kể rằng: "Hàng ngày, tôi phải đi từ bên kia thành phố vào trung tâm để đi làm. Vì thế, tôi rất mong chờ các cây cầu được xây dựng sẽ kết nối giao thông và người dân đi lại thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian đi lại trên đường".

Mỗi cây cầu được xây đánh dấu sự phát triển của đất nước. Điển hình là cầu Long Biên – cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, kết nối Hà Nội với vùng Đông Bắc của đất nước; gần đây là cầu Vĩnh Tuy – cây cầu có ý nghĩa phát triển Hà Nội về phía Bắc – cây cầu chúng ta tự thiết kế, xây dựng.

Gần đây nhất, cây cầu Nhật Tân đã thể hiện nhận thức thẩm mỹ của người Việt Nam, rằng xây dựng cầu không chỉ giải bài toán giao thông, phát triển kinh tế mà còn mang dấu ấn văn hóa của một giai đoạn nhất định. Hà Nội đã chọn phương án thiết kế thẩm mỹ nhất, tốn kém nhất nhưng mang lại hiệu quả mỹ quan cao.

Cầu Nhật Tân được xem là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản trong mối quan hệ kinh tế - ngoại giao. Ảnh: gocheap.vn.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nhiều nước trên thế giới xây dựng nhiều cầu và các cây cầu đều trở thành các điểm du lịch, văn hóa. Vì vậy, ở Việt Nam cũng nên tính toán việc xây cầu, ngoài vấn đề giải quyết giao thông, kinh tế thì còn phải có kế hoạch, quy hoạch nó thành điểm du lịch.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho biết các cầu dự kiến xây dựng thêm ở Hà Nội đều đã nằm trong quy hoạch từ lâu, song thời điểm xây dựng và bố trí nguồn vốn như thế nào cho hợp lý thì còn phải tính toán nhiều.

Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, các cầu vượt sông Hồng là các công trình có chức năng quan trọng trong hệ thống giao thông khung của Thủ đô. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu vượt sông là một trong những tiền đề để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ giữa các khu vực trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, các công trình cầu vượt sông là những công trình có quy mô và nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thi công lâu. Nguồn lực đầu tư công của thành phố hiện nay là rất hạn chế, phải phân bổ cho nhiều công trình, dự án đầu tư quan trọng khác trên địa bàn thành phố nên việc đề xuất nguồn vốn, mô hình đầu tư, khai thác sử dụng là rất quan trọng, cần được sớm quan tâm, xem xét.

Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là một trong những dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, có tổng mức đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng. Cầu có kiến trúc dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.

Phối cảnh cầu Tứ Liên có dây văng xoắn chuẩn bị khởi công. Ảnh: cafef.vn.

Cầu Trần Hưng Đạo được kết nối từ nút giao thông Cổ Linh – Xuân Quan đi qua sông Hồng bắc thẳng vào trục đường Trần Hưng Đạo trong nội đô. Cầu có chiều dài 3 km, chiều rộng 20 m và có tổng mức đầu tư vào khoảng 9.000 tỷ đồng.

Mỗi cây cầu qua sông Hồng khởi nguồn từ nội đô thì đều có ý nghĩa về mặt kết nối và xác định vai trò động lực của Hà Nội với các vùng xung quanh, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển đột phá hai bên sông Hồng. Trong các lần quy hoạch trước, thành phố mới chỉ tập trung phía Nam sông Hồng, nhưng những năm gần đây, khu vực phía Bắc sông Hồng bắt đầu được quan tâm để đưa khu vực Đông Anh, Gia Lâm thành trung tâm mới – giảm áp lực cho nội đô, với quỹ đất rất rộng để phát triển.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Đơn vị thiết kế.

Đề cập đến khả năng cân đối và bố trí vốn giúp dự án có thể khởi công và thi công nhanh, đúng tiến độ, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết ngoài cầu còn làm khoảng 5 km đường dẫn để kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nên số vốn dự kiến hơn 19.000 tỷ đồng là khá lớn. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành có liên quan đã tham mưu thành phố huy động bằng nguồn vốn PPP (đối tác công tư).

Cùng với những khó khăn về nguồn vốn cần được tháo gỡ, một số chuyên gia lưu ý xây cầu mới vượt sông Hồng để khớp nối hệ thống giao thông, tạo ra sự phát triển đồng đều giữa hai bờ Nam - Bắc về kinh tế - xã hội và văn hoá là định hướng lâu dài và là quá trình tất yếu, tuy nhiên, vị trí các cây cầu, bố trí hệ thống đường dẫn lên cầu cần phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với định hướng của thành phố là hạn chế phương tiện cơ giới vào khu vực nội đô, tránh tình trạng những cây cầu chạy thẳng vào khu vực trung tâm làm gia tăng thêm mật độ phương tiện, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông thông thường, việc Hà Nội triển khai xây dựng các cây cầu lớn bắc qua sông Hồng còn hướng đến đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế, đồng thời khai phá tiềm năng quỹ đất cũng như đời sống người dân ở các vùng ven Hà Nội. Với việc Hà Nội có thêm các cây cầu bắc qua sông Hồng, các tỉnh thành ven Hà Nội cũng có thêm điều kiện để phát triển đời sống kinh tế - xã hội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối và đêm nay, Thủ đô Hà Nội đón đợt không khí lạnh tăng cường yếu, trời nhiều mây, có mưa, mưa nhỏ rải rác; nhiệt độ 23-27 độ; độ ẩm từ 54 - 75%.

Giá vàng nhẫn tăng phiên thứ hai sau tuần giảm sâu; Cục diện thương mại điện tử Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi?; Space X được định giá hơn 250 tỷ USD;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua Zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim ai đó bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!

Hồ Gươm - di sản văn hóa độc đáo của Thủ đô; Mất trật tự đô thị trên phố Nguyễn Tuân; Rác thải vẫn bừa bãi ở khu đô thị Dương Nội;... là những nội dung chính trong bản tin hôm nay.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là đòi hỏi tất yếu của ngành Giáo dục và Đào tạo khi bước vào đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là nội dung chính trong Chương trình Giáo dục và Đào tạo tuần này.