Hà Nội tình yêu của tôi

Tôi được sinh ra trong một chiều mùa đông Hà Nội, thuộc thế hệ con cái cán bộ người miền Nam tập kết năm 1954. Theo ba má về quê hương nội ngoại ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975, tôi vẫn luôn dành một góc trái tim mình cho ký ức tuổi thơ Hà Nội.

Phố Hàng Đào, con phố bán tơ lụa nổi tiếng của thành Thăng Long ngàn năm tuổi, một trong "36 phố phường" của Hà Nội đã mang đến cho tôi những cảm xúc lộng lẫy và rực rỡ đầu tiên trong trí óc non tơ ngày ấy.

Phố còn gắn với kỷ niệm ngôi nhà của hai bác người Hà Nội, bác trai là bộ đội vệ quốc Nam tiến năm 1946, bác gái nguyên gốc gia đình phố cổ nhiều đời. Bác trai khi Nam tiến nhận bà nội tôi là “má” như ruột thịt, nên khi ba má tập kết ra Bắc, ngôi nhà của hai bác trở thành một nơi ấm áp khi xa quê hương.

Bác gái theo đúng kiểu “con nhà” ngày xưa “công, dung, ngôn, hạnh”, gần như là người khai tâm cho tôi hiểu biết từ văn hóa ẩm thực tinh tế Thăng Long, vẻ thanh lịch nền nã của phụ nữ Hà Thành, nét hào hoa lịch lãm của trai Thủ đô... cho tôi cảm nhận vẻ đẹp tiềm ẩn văn hiến Hà Nội. Ở nhà bác, tôi biết mâm cỗ Tết Nguyên đán truyền thống ra sao, tôi được nếm hương vị cực phẩm từ loại bánh trung thu trong có nhân hạt trám, “sang chảnh” bậc nhất kinh thành.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Các anh con của hai bác đã mở rộng biên độ, cho tôi được biết nhiều chiều của Hà Nội trăm năm - Thăng Long ngàn năm. Tôi không thể quên cảm giác đầy kính ngưỡng khi lần đầu tiên được ngắm rùa đá đội bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi vẫn nhớ lần đầu được đắm mình trong tiếng chuông chùa Trấn Quốc, cảm nhận sự linh thiêng của Thăng Long tứ trấn: đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Quán Thánh.

Hồ Gươm, “vũ trụ” nhỏ mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc thú vị. Không chỉ là câu chuyện mẹ kể về Hồ Gươm, hay truyền thuyết “Hoàn kiếm” thời vua Lê Thái Tổ, vẻ đẹp của cây cầu đón nắng mai Thê Húc, Tháp Bút - Đài Nghiên nhiều thần tích, mà còn là ở nơi đó có Câu lạc bộ Thống Nhất - bây giờ là nhà hàng Lục Thủy. Mỗi chủ nhật, những người miền Nam tập kết gặp nhau và lũ trẻ con miền Nam "thế hệ F1" chúng tôi có cả một ngày đắm vào không khí “quê hương” miền Nam trong lòng Hà Nội.

Hồ Gươm với truyền thuyết "hoàn kiếm"

Hà Nội tuổi thơ tôi, ngoài ngôi nhà ở cùng ba mẹ còn có một nơi gắn bó thân thiết và đầy ắp kỷ niệm thơ ấu trong trẻo ngây thơ và ngọt ngào với bạn bè, ngôi nhà 36 phố Lý Thái Tổ - Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội, bây giờ là Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Đó là nơi ươm mầm khát vọng nghệ thuật của chúng tôi, cũng là một góc ký ức mà mỗi khi nhắc đến tôi vừa tự hào vừa hạnh phúc.

Tôi sinh hoạt trong đội Kịch nói của câu lạc bộ. Còn nhớ những buổi tập kịch, được “hóa” thành nhân vật anh hùng thiếu nhi trong những câu chuyện đánh giặc ngoại xâm như Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Vừ A Dính, Dương Văn Nội hay những nhân vật đồng thoại như chú dế mèn, chị ong mật, anh ve sầu, cô bướm vàng, bác kiến càng...

Cho tới giờ, tôi vẫn không thể quên vị ngọt lịm mát lạnh của kem Tràng Tiền, vị ngọt thơm hương trái cây của viên kẹo Hải Châu sau những buổi tập kịch hay đi thu âm ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

Vườn Bách Thảo, khu vườn cổ tích đầy mộng mơ, ảo diệu kỳ lạ đối với tôi và lũ trẻ. Vườn với những cây cổ thụ cao như xuyên mây chạm vào mặt trời, thân xù xì chìm nổi những vảy vỏ loang từng mảng trắng bạc chen xanh rêu, to đến mấy vòng ôm người lớn, rễ trồi lên mặt đất lượn sóng như sống lưng con rồng ánh sắc nâu bóng, lá quanh năm xanh mướt tỏa bóng dịu mát cả khu vườn, và trong um tùm xanh là bao nhiêu tổ chim xinh xắn, tiếng hót hòa vào nhau nghe như một đại nhạc hội nhiều cung bậc bổng trầm.

Vườn Bách Thảo, lá phổi xanh của Hà Nội

Kích thích mọi giác quan và cho cảm giác phiêu lưu mạo hiểm chính là khi leo lên đỉnh núi Nùng. Mon men khe khẽ từng bước len qua những gốc sưa cổ thụ, rồi trong cái u tịch được bao phủ bằng những chùm rễ si, đa, đề buông dài, cả lũ trẻ nắm tay nhau rón rén, ngắm nhìn một cách kính cẩn ngôi miếu cổ thờ Huyền Thiên Hắc Đế, tương truyền là người có công giúp vua Lý Thái Tổ đánh giặc ngoại xâm.

Tôi yêu Hà Nội như mối tình đầu se kết thành tơ thành tóc trong tâm hồn, trong trái tim, luôn vương vấn quấn níu từng mái nhà xám rêu như đứng đó từ ngàn năm trước, từng góc phố cổ bàng bạc không khí chợ “Hàng” mấy trăm năm qua, từng gánh hàng rong thong dong ngang phố như chưa bao giờ có năm có tháng đậu lại...

Và mỗi khi từ phương Nam ra Hà Nội là như được trở về với ký ức tuổi thơ trong veo mà ngọt ngào, ngây thơ mà lộng lẫy.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.

Với mục tiêu thay đổi diện mạo của Thủ đô, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị và cải tạo cảnh quan môi trường, mang đến cho người dân một không gian sống chất lượng.

Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 vừa qua, hoa giấy ở làng nghề Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đã khoe sắc trở lại. Thời điểm này, người trồng hoa đang tất bận chuẩn bị cho Lễ hội 'Sắc hoa trên miền di sản' được tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm.

Mỗi khi chiều buông nắng, nếu có dịp đến ngã ba sông Hồng - sông Đuống, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Nhật Tân từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng đào. Có nhiều di tích lịch sử cùng cảnh quan hấp dẫn, nơi đây đã được công nhân là khu du lịch cấp thành phố.