Hà Nội triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh; Dạy kèm miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ôn thi; Hà Nội hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh

Giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế xã hội, nhất là ở các thành phố lớn. Giao thông đô thị của Thủ đô hiện đang đối diện với nhiều thách thức ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp, dữ liệu giao thông chưa có tính đồng bộ, kết nối….

Những vấn đề đó đòi hỏi Hà Nội cần có phương án, giải pháp kịp thời để giải quyết mọi tình trạng trên, hướng tới phát triển giao thông hiện đại hoá, ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học công nghệ.

Thời gian qua, TP Hà Nội đang đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh nhằm hình thành quản lý hiệu quả hơn hoạt động giao thông của thành phố.

Đây được xem là cơ sở quan trọng nhằm xây dựng thành phố thông minh, tiết kiệm tối đa chi phí cho ngân sách phải bỏ ra cho lĩnh vực giao thông. Bên cạnh đó là phát triển giao thông công cộng bền vững cũng như dữ liệu được tích hợp và chia sẻ.

Hệ thống giao thông thông minh. Ảnh minh họa: Luci

UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất với kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố trong thời gian từ tháng 6 – 12/2024.

Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh bao gồm: hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Trong đó, hai chức năng quản lý đỗ xe và quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của thành phố sẵn sàng vận hành.

Cụ thể, tại Trung tâm Điều hành giao thông thông minh sẽ có phần mềm quản lý và ghi hình luồng video có tính năng kết nối, quản lý camera an ninh; hiển thị hình ảnh linh hoạt theo thời gian thực; cảnh báo trạng thái thiết bị, cảnh báo vi phạm giao thông mới phát hiện.

Cùng với đó là các phần mềm đo đếm lưu lượng; giám sát vi phạm; điều khiển đèn tín hiệu giám sát giao thông. Tại hai nút giao thông trên phố Phạm Văn Bạch sẽ được lắp đặt camera đo đếm mật độ lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến, tích hợp dữ liệu giao thông với ứng dụng bản đồ; camera đo tốc độ; camera dùng để ghi nhận, phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nhằm hỗ trợ xử lý vi phạm.

Nghị quyết số 10 ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh - hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông thông minh trên địa bàn thành phố bắt đầu được triển khai từ năm 2014, thông qua dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư khoảng 231 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, trong số 2.310 nút giao thông trên toàn thành phố đã có 540 nút lắp đèn tín hiệu điều khiển giao thông, trong đó có 474 nút kết nối với trung tâm điều khiển. Ngoài ra, tại 149 nút giao thông đang có 579 camera quan sát tình hình giao thông, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, một số đơn vị đã triển khai các tiện ích phục vụ quản lý như: ứng dụng “Busmap Hà Nội”; camera giám sát, bảo đảm an ninh trật tự trên xe buýt; phần mềm trong quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; thí điểm thẻ vé điện tử trên một số tuyến buýt.

Để hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh thành phố cần rất nhiều sự trợ giúp từ cơ chế chính sách của Hà Nội nói riêng và trung ương nói chung. Bên cạnh việc cần có các tiêu chuẩn rõ ràng về việc kết nối, liên thông dữ liệu thì cơ chế khuyến khích hợp tác công – tư trong xây dựng, vận hành các cấu phần của hệ thống giao thông thông minh cũng rất cần thiết. Bởi cơ chế này sẽ giúp giảm thiểu tối đa chi phí mà ngân sách phải bỏ ra khi xây dựng giao thông thông minh.

Hà Nội dạy kèm miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ôn thi

Một mùa thi lại cận kề, thời điểm này học sinh cuối cấp đang gấp rút ôn tập cho kỳ thi lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội nếu cần sự giúp đỡ sẽ được dạy kèm miễn phí phục vụ ôn thi.

Đây là nội dung tại Đề án “Tiếp sức mùa thi năm 2024”. Căn cứ vào Đề án “Tiếp sức mùa thi năm 2024”, nhằm hỗ trợ học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thành đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội triển khai dự án “Áo xanh sư phạm tiếp sức mùa thi” năm 2024.

Ảnh: Hanoimoi

Dự án nhằm hỗ trợ học tập theo hình thức dạy kèm miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời gian triển khai dự án từ tháng 5 đến khi hai kỳ thi diễn ra. Hình thức học trực tuyến 2 buổi/môn/tuần, mỗi buổi 2 tiếng; các môn học gồm có Toán, Văn, Tiếng Anh.

Học sinh khi đăng ký lớp học sẽ được kiểm tra trình độ đầu vào; xác định phong cách học tập của mỗi học sinh; kết hợp kết quả cùng với nhận xét của giáo viên trên trường để lên lộ trình học riêng; liên tục theo dõi, báo cáo học tập cho phụ huynh; điều chỉnh lại lộ trình và phương pháp dạy phù hợp trong quá trình triển khai. Học sinh được dạy kèm hoàn toàn miễn phí.

Các tình nguyện viên tham gia dự án là sinh viên có kiến thức, trình độ phù hợp với môn học gia sư. Thông qua dự án, sinh viên có cơ hội được rèn luyện kỹ năng sư phạm của bản thân. Gia sư tình nguyện và sinh viên sư phạm đăng ký thông tin  qua email: truonghoc.hanoi@gmail.com. Các trường đăng ký danh sách học sinh gửi về Ban Thanh niên trường học, Thành đoàn Hà Nội qua mail: truonghoc.hanoi@gmail.com.

Dự án “Áo xanh sư phạm tiếp sức mùa thi” đã được Thành đoàn Hà nội triển khai nhiều năm qua mang lại những kết quả tích cực, sự ghi nhận đánh giá cao của xã hội. Ban tổ chức kỳ vọng, chương trình năm nay sẽ tiếp tục giúp học sinh Thủ đô thêm vững tin trong các kỳ thi quan trọng trước mắt.

Hà Nội hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách

Sau khi 16 tour đêm đặc sắc được giới thiệu, ngành Du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội; đề xuất hai sản phẩm du lịch đêm là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí tại huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, các chỉ số ngành Du lịch Thủ đô đều tăng từ đầu năm 2024. Đây là hiệu quả từ các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực quảng bá, xúc tiến thời gian qua. Riêng trong tháng 3/2024, ngành đã đón được 2,26 triệu lượt khách, tăng 7,1% (so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó khách du lịch quốc tế đạt 468.000 lượt khách tăng 12,6%. Khách du lịch nội địa đạt 1,798 triệu lượt khách tăng 5,8%.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.740 tỷ đồng tăng 9%. Lượng du khách tăng cao kéo theo trong 3 tháng đầu năm 2024, du lịch Hà Nội đón 6,54 triệu lượt khách tăng 10,9%. Trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023, du khách nội địa đạt 5,14 triệu lượt khách tăng 5%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25.487 tỷ đồng tăng 17,8%.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2024 du lịch Thủ đô chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", “Thành phố vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”.

Hà Nội sẽ hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như: khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao.

Bốn tháng đầu năm đã có hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội. Ảnh: bvhttdl.gov

Sau khi 16 tour đêm đặc sắc được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội; đề xuất hai sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).

Hà Nội cũng chú trọng tổ chức các sự kiện, chương trình, lễ hội nhằm quảng bá du lịch Thủ đô như Lễ hội du lịch Hà Nội 2024; lễ công bố sản phẩm “Du lịch cộng đồng bản Miền” của xã Ba Vì, huyện Ba Vì, chương trình “Happy Tết 2024” với sự góp sức của nhiều đơn vị uy tín như Trung tâm di sản Diều Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Câu lạc bộ áo dài Việt Nam, Hội Đầu bếp Hoàng gia, Hội Đầu bếp Việt Nam đã góp phần làm nên sự thành công du lịch Hà Nội 6 tháng đầu năm. Qua đó hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 109,41 nghìn tỷ đồng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội đề xuất xây dựng 9 khu nhà ở xã hội; Hà Nội sẽ mở thêm điểm trông xe không dùng tiền mặt; Nỗi lo đuối nước với trẻ em dịp hè... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội lại đón nắng nóng, xen giữa mưa dông; Đề xuất người đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm; Từ 1/7, những ai chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi; Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường; Ngăn chặn cá độ bóng đá trái phép khi mùa Euro 2024 đang tới gần... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Sông Tô Lịch sắp có nước sạch; Hà Nội sắp có tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng tới Hưng Yên; Hà Nội quy hoạch trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô tại huyện Gia Lâm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 106.000 thí sinh Hà Nội dự thi lớp 10; Mô hình 9+ cánh cửa cho học sinh trượt lớp 10 THPT công lập... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 100.000 thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10; Rà soát kê khai, nộp thuế sau những phiên livestream bán hàng triệu USD; Mở thêm cánh cửa phát triển công nghiệp văn hóa cho Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.