Hà Nội trong em và trong tôi

Hà Nội không phải nơi tôi sinh ra, không phải nơi tôi lớn lên, cũng không phải nơi tôi lập thân, gắn bó cuộc đời. Nhưng nếu ai đó hỏi tôi rằng, có yêu Hà Nội không, tôi sẽ không ngần ngại mà gật đầu.

Tôi có quen một người con gái Hà Nội, nhà nằm ngay trong phố cổ. Tôi vẫn thường nghe em kể về phố cổ với những góc phố giao cắt nhau như bàn cờ, về căn nhà hơn mười mét vuông với bảy con người sinh sống thuộc ba thế hệ, về các mợ thảnh thơi ngồi trò chuyện bên thềm nhà.

Hà Nội phố, Hà Nội ngõ và Hà Nội bên thềm đã trở thành một phần cuộc sống trong em. Vui có, buồn có và những khốn khó cũng không hề ít. Ấy vậy mà mỗi câu chuyện của em đều thanh thoát và nhẹ nhàng.

Lối sống, cách ăn cách ở của người Hà Nội theo thời gian dẫu có mai một ít nhiều cũng đâu hoàn toàn biến mất. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Ảnh minh hoạ: Kinh tế & Đô thị.

Có lần em bảo tôi: "Anh ra Hà Nội đầu đông đi. Thích lắm!".

Tôi bật cười: "Chết rét à?". Lại mường tượng đến cái rét lạnh cóng cả người, thi thoảng ập đến những cơn mưa dầm dề dai dẳng làm người ta chỉ muốn nằm ườn trên giường trong chăn êm nệm ấm.

Không. Hà Nội vào đông thú vị lắm!

Và rồi từ em, một người con của phương Nam với hai mùa mưa nắng biết về mùa đông nơi đó. Hà Nội vào đông không thấu thịt cắt da như Sa Pa mùa sương đọng thành băng giá, không rực rỡ ngàn hoa như Đà Lạt bảng lảng sương chiều, không liêu xiêu gió thốc trên đồng hun hút vào mùa cấy, cóng cả mạ non.

Hà Nội vào đông rất lạ. Lạ vì rét đó người ta vẫn muốn ra đường tìm chút hương bên chén trà nóng hít hà hơi phố xá. Lạ vì mưa phùn ảm đạm vẫn muốn lao về phía hồ Tây mà ngắm khói sương, vấn vương hồ Gươm liễu rủ hay hoài cổ trên phố Cổ Ngư.

Vậy đó! Hà Nội bốn mùa thì bốn mùa khác nhau, đâu như phương Nam chỉ thấy mưa và nắng.

Ừ, tôi hứa mùa đông.

Lại có lần em bảo: "Anh biết đặc trưng của Hà Nội là gì không? Là bia hơi. Gánh hàng rong". Một người không có tâm hồn ăn uống như tôi thì có bao giờ để ý đến những điều mình cho là nhỏ nhặt, dẫu hàng rong đã trở thành một phần văn hóa của Hà Nội.

Mùa nào thức ấy và không khó để bắt gặp các mẹ các chị với gánh hàng rong len lỏi khắp phố, khắp phường. Mùa hè oi bức với bát tào phớ trắng ngà, mát lạnh, sóng sánh nước đường đen. Mùa thu se se lạnh nhón cốm vòng xanh mướt thơm mùi lúa mới, lá sen. Mùa đông xuýt xoa với bắp ngô non nướng trên bếp lửa hồng mà quên đi cái rét căm căm. Mùa xuân với những gánh hàng hoa tung tăng lướt phố.

Ừ, tôi sẽ cùng em…

Ảnh minh hoạ: aFamily.

Khi người ta sống đủ lâu thì có thể hiểu về Hà Nội. Nhưng chỉ khi người ta yêu, người ta thương Hà Nội thì mới dễ dàng bỏ qua thói hư tật xấu của phố để có bức tranh thật đẹp về Hà Nội, để thấy những điều dù nhỏ bé cũng đẹp đến nao lòng. Em yêu Hà Nội và em truyền tình yêu đó sang tôi từ khi nào không biết để lòng mãi cứ bâng khuâng mà nhớ. Đôi khi lại buột miệng thì thầm:

"Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…"

Nào đâu dám lấy mình so sánh với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tôi chỉ là người con đất phương Nam và tôi yêu Hà Nội. Một Hà Nội trong em và cả ở trong tôi.

Quốc Việt

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.