Hà Nội và TP. HCM chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Metro

Tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, được kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và giúp đô thị lớn nhất cả nước trở nên năng động, hiện đại hơn. Đây không chỉ là kỳ vọng của những chuyên gia, nhà thầu thi công mà còn là kỳ vọng của người dân TP.HCM về một tuyến metro được vận hành thương mại trong tương lai không xa.

Nhân chuyến công tác của Ban thường vụ thành ủy Hà Nội làm việc với Ban thường vụ thành ủy TP.HCM diễn ra vào ngày 18/10, Hanoionline.vn đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông Nguyễn Quốc Hiển- Phó Trưởng ban Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM về những kinh nghiệm của TP.HCM trong việc triển khai xây dựng tuyến metro số 1( Bến Thành – Suối Tiên), đặc biệt là những kinh nghiệm được chia sẻ, trao đổi giữa hai thành phố .

PV:  Thưa ông, đối với việc thực hiện các công trình trọng điểm (điển hình là các tuyến đường sắt đô thị) những khó khăn, vướng mắc nào mà TP.HCM đã gặp phải? 

Ông Nguyễn Quốc Hiển: Lĩnh vực đường sắt đô thị là một lĩnh vực mới, công nghệ, kỹ thuật tương đối phức tạp. Bên cạnh đó cả Hà Nội và TP.HCM đều đang sử dụng nguồn vốn ODA cho các dự án này, quy mô dự án rất lớn. Do đó trong quá trình triển khai cả hai thành phố đều gặp những vấn đề vướng mắc, khó khăn là giống nhau và phần lớn các dự án đều đội vốn, thời gian thực hiện kéo dài. Bên cạnh đó công tác triển khai dự án đường sắt đô thị là lần đầu tiên nên hành lang pháp lý của các dự án chưa đầy đủ, tuyến Metro số một của TP.HCM hiện nay đã hoàn thành được khoảng 97 %, hiện chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện những hạng mục cuối cùng đồng thời tiến hành các công tác thử nghiệm, công tác đánh giá an toàn để có thể đưa vào khai thác vận hành thương mại vào giữa năm 2024.

Ông Nguyễn Quốc Hiển- Phó Trưởng ban Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM

PV: Những bài học thực tiễn gì thiết thực nhất mà TP.HCM và TP.Hà Nội có thể chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thưa ông ? 

Ông Nguyễn Quốc Hiển: Trong quá trình triển khai tuyến đường sắt đô thị số một vừa rồi, cũng rất nhiều bài học có thể được rút ra cho TP.HCM nói riêng cũng như các thành phố khác, trong đó có TP.Hà Nội. Tôi nghĩ rằng trước hết đó là công tác giải phóng mặt bằng, thông thường việc này phải tiến hành trước, đặc biệt là đối với TP.HCM thì tuyến Metro số một có khoảng 2,7km đi ngầm, thế nên công tác chủ động giải phóng mặt bằng không những mặt bằng trên mặt đất mà còn phải mặt bằng ở dưới không gian ngầm phải chuẩn bị kỹ để tránh trường hợp vừa thi công vừa phải giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ. Thứ hai là công tác quản lý hợp đồng đối với các dự án lớn đều ký hợp đồng theo hình thức hợp đồng chuẩn quốc tế. Do vậy việc chuẩn bị kỹ hợp đồng ngay từ giai đoạn đấu thầu, thương thảo hợp đồng, cũng như ký kết hợp đồng đều phải chặt chẽ và rõ ràng minh bạch. Chúng tôi cũng cố gắng xin phép UBND thành phố ủy quyền cho ban quản lý đường sắt đô thị được chủ động nhiều hơn trong công việc.

PV: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai đơn vị đã từng có những chia sẻ kinh nghiệm ở những khía cạnh nào, thưa ông ?

Ông Nguyễn Quốc Hiển: Đối với Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cũng như Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, chúng tôi vẫn thường xuyên có những trao đổi chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong thời gian tới để hiện thực hóa được mạng lưới đường sắt đô thị, chúng tôi nghĩ rằng việc tăng cường trao đổi chia sẻ các bài học kinh nghiệm giữa TP.HCM và Hà Nội càng phải được phát huy hơn nữa, trên cơ sở đó tìm ra những chính sách, những giải pháp chung để trên cơ sở đó có thể kiến nghị Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ cho phép những cơ chế đột phá mới có thể hoàn thành nhanh mạng lưới đường sắt đô thị trong thập kỷ tới. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi đã mời những thành viên lãnh đạo của ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tham gia vào việc này, chúng tôi đang cùng với phối hợp để tổ chức một hội thảo lớn để phát triển đường sắt đô thị từ những kinh nghiệm quốc tế và dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Đoàn tàu metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên trong buổi chạy thử nghiệm toàn tuyến vào cuối tháng 8/2023

PV: Vậy theo ông cần những cơ chế đột phá như thế nào để hai thành phố có thể hiện thực hóa giấc mơ xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị trong tương lai? 

Ông Nguyễn Quốc Hiển: Trong thời gian tới, cả Hà Nội và TP.HCM đều phải có một nhiệm vụ chung theo đúng kết luận 49 của Bộ chính trị là phải cố gắng hoàn thiện được mạng lưới đường sắt đô thị của hai thành phố vào năm 2035. Tôi nghĩ rằng đây là một nhiệm vụ vô cùng thách thức đối với hai thành phố.

Rõ ràng để tự hiện thực hóa được mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố, chúng ta phải phát huy được nội lực trong nước, việc kết hợp giữa Hà Nội và TP.HCM trong việc cùng triển khai sẽ tạo ra được một thị trường lớn hơn cho lĩnh vực đường sắt đô thị, trên cơ sở đó sẽ dễ dàng hơn trong việc kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các chuyên gia, kĩ sư trong nước cùng tham gia, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của mạng lưới đường sắt đô thị hai thành phố.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./. 

(VP thường trú đài Hà Nội tại TP.Hồ Chí Minh)

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 22/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức chung khảo cuộc thi “Tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Hà Nội giao các đơn vị liên quan hạ ngầm đường dây cáp đi nổi, đặc biệt tại 4 quận nội đô hoàn thành trong năm 2026. Việc hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi sẽ được giao trách nhiệm thực hiện cho các địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1286 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, quy định việc sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã.

Chiều nay, 21/11, Đài Hà Nội và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác tăng cường truyền thông về giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân trên Đài Hà Nội.

Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, sản phẩm trí tuệ nhân tạo do Cục Thuế thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển đã được Tổng cục Thuế tổ chức ra mắt sáng nay, 21/11.

Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao. Thông tin được nêu tại Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra chiều 21/11.