Hà Nội vẫn còn nhiều karaoke 'chui'

Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Thế nhưng chỉ có gần 70 cơ sở đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy để có thể hoạt động. Nhu cầu của người dân rất lớn dẫn đến vô vàn các quán karaoke biến tướng.

Biển ngoài là nhà hàng, bên trong là karaoke

Nằm trên con đường Trần Duy Hưng, nơi trước đây từng được biết đến như một "phố karaoke" tấp nập, có một địa điểm vừa lạ, vừa quen. Bên ngoài treo biển là nhà hàng, nhưng bước qua cửa, thực tế, lại không có bất kỳ dịch vụ ăn uống nào. Thay vào đó, không gian bên trong chỉ toàn là các phòng karaoke được bố trí kín đáo, đầy đủ tiện nghi.

Và điều đặc biệt, sau 10h30 tối, cánh cửa được kéo xuống, tấm biển tắt điện, chỉ khi có khách, cánh cửa mới được mở hé đủ để đón người vào. Khách đến không để chọn món ăn, mà để chọn bài hát.

Nhân viên quán mời: "Anh chị cứ hát thoải mái đi, bên em mở đến 3-4h sáng".

Tại mỗi phòng karaoke được trang bị âm thanh, ánh sáng chuẩn không kém các quán karaoke chính hiệu, thay vì bát đũa như nhà hàng. Theo lời mời chào của nhân viên, còn có nhiều khuyến mại đặc sắc hơn cả hát. Và tất nhiên, trong hóa đơn thanh toán cũng không ghi rõ thời gian hát, thay vào đó là các khoản phí "dịch vụ" mơ hồ.

Khi nhận thấy nhóm phóng viên đang ghi hình, nhân viên quán lập tức thay đổi thái độ, từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào rồi thúc giục khách hàng ra về do hết giờ mở cửa, trong khi trước đó vẫn quảng cáo có thể mở đến 3-4 giờ sáng.

Cháy nổ - Hiểm họa luôn rình rập trong các quán karaoke trá hình

Tầng 1 của một tòa nhà trên phố Kim Mã, quận Ba Đình, treo biển "Cà Phê Âm Nhạc", nhưng lên đến tầng 2 và 3, thực tế lại là những phòng karaoke hoạt động hết công suất. Phòng hát rộng chừng 30m², với mức giá phải chăng 200k/giờ và hoạt động xuyên đêm. Dễ hiểu vì sao nơi đây luôn tấp nập khách ra vào hàng ngày.

Nhóm phóng viên được dẫn lên tầng 3 của tòa nhà. Dù trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng, nhưng lại thiếu vắng các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Ngoài cửa phòng chỉ có một chiếc bình cứu hỏa đã cũ. Nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, lối thoát hiểm duy nhất mà khách có thể sử dụng là cầu thang bộ chật hẹp.

Tuy nhiên với nhân viên quán, việc thoát thân là không hề khó: "Nhà em thoáng, không có thang máy nên chạy từ tầng 3 xuống tầng 1 cũng được mà. Nhà em mở được 3,4 năm chưa có trường hợp cháy nào xảy ra".

Đã kinh doanh được 3,4 năm mà chưa từng có trường hợp cháy nổ nào xảy ra. Một lời khẳng định tưởng chừng như rất chắc chắn lúc ban đầu, lại mau chóng trở thành nỗi thấp thỏm ngay sau đó. "Mỗi khi khách hút thuốc xong là bọn em phải bỏ tất cả các ghế ra để xem có tàn hay thuốc ở bên dưới không. Bởi vì cái ghế này nó dễ cháy ạ. Nhiều khi thuốc vẫn còn hơi, thi thoảng nó sẽ bị bùng lên".

Lo lắng cũng là điều dễ hiểu, khi trong một không gian nhỏ hẹp với quá nhiều vật liệu dễ bắt lửa như ghế salon, xốp dán tường, hiểm họa cháy nổ luôn rình rập. Thế nhưng, khách hát cũng chẳng mấy bận tâm đến vấn đề này.

Cũng tại một quán karaoke trá hình, dưới vỏ bọc "Music Box" trên đường Nguyễn Văn Tuyết, các hoạt động diễn ra nhộn nhịp. Phòng hát ở đây chỉ rộng chưa đầy 5m², cao chưa đến 2m, nếu 1 người đứng hát, người đằng sau chẳng thể nhìn thấy màn hình. Chi phí hát khoảng 60k/giờ, nên với những bạn trẻ, chỉ cần như vậy là quá đủ.

Một vị khách chia sẻ: "Bây giờ nhỡ tự dưng cháy thì người ta chạy đâu mình chạy đấy thôi chị, thấy người ta chạy thì mình chạy theo. Tại có phải ngày nào bọn em cũng đi đâu, thỉnh thoảng mới đi vui một lúc thôi. Cũng chỉ hát tầm 2 tiếng xong bọn em đi về nên bọn em cũng không để ý, chắc không xui đến mức đấy đâu".

Sự chủ quan của khách hàng về nguy cơ cháy nổ là một yếu tố đáng lo ngại, khiến cho nhiều quán karaoke trá hình vẫn hoạt động một cách công khai. Khi sự cố xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, thì mọi thứ đã quá muộn.

Hệ luỵ của karaoke "chui"

Điểm chung của tất cả các mô hình karaoke "chui" là thường bao gồm các hình thức như nhà hàng, cà phê, phòng thu âm hay Music Box, đây là hành vi vận hành dưới hình thức trá hình, không được cấp phép. Các cơ sở này thường chỉ đăng ký giấy phép kinh doanh như quán cà phê hoặc nhà hàng ăn uống, chứ không đăng ký giấy phép karaoke, một điều kiện quan trọng tiên quyết để đảm bảo hoạt động hợp pháp.

Việc kinh doanh karaoke kiểu này không chỉ ảnh hưởng đến sự công bằng trong kinh doanh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn. Đặc biệt là an toàn phòng cháy chữa cháy, bởi các cơ sở này thường không được kiểm tra hoặc giám sát chặt chẽ như các quán karaoke hợp pháp. Những không gian karaoke nhỏ, chật hẹp, dễ dàng trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng khi xảy ra sự cố.

Mặc dù các cơ quan chức năng, nhất là Công an thành phố Hà Nội, đã xác định và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại các quán karaoke biến tướng, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn và chế tài xử phạt cụ thể với loại hình kinh doanh này. Bài học từ các vụ cháy nổ tại những quán karaoke trên địa bàn thành phố gây tổn thất nặng nề về người và tài sản vẫn còn nguyên tính cảnh báo. Nếu không sớm ban hành các quy định cụ thể đối với những mô hình này, hiểm họa sẽ là khôn lường.

Người dân muốn được hát karaoke đúng nghĩa

Thực tế, vào năm 2022, khi tất cả các hoạt động kinh doanh karaoke phải tạm dừng, nhu cầu giải trí của người dân vẫn rất lớn. Điều này dẫn đến việc họ tìm kiếm các không gian thay thế. Từ loa kẹo kéo vỉa hè, công viên đến nhà riêng trong khu dân cư… tuy giúp giải tỏa căng thẳng, nhưng những hoạt động ca hát này đã cho thấy nhiều hệ lụy khác: ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư, dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết ở cộng đồng, gây mất an ninh trật tự.

Hiện nay, với chỉ gần 70 cơ sở karaoke được cấp phép trên toàn thành phố, lựa chọn không gian karaoke "chui" lại trở thành một giải pháp của nhiều người, dù biết sẽ có những rủi ro tiềm ẩn.

Anh Nguyễn Tiến Anh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, chia sẻ: "Cháy thì cũng sợ, nhưng mà bây giờ có loại hình box này, mình thấy quảng cáo thì vào thôi, chứ cũng không biết an toàn như thế nào. Thấy có bình chữa cháy đây thì cũng yên tâm chứ không nghĩ gì mấy".

Phần lớn người dân chỉ muốn tận hưởng những giờ phút giải trí thuần túy, lành mạnh. Họ mong muốn các quán karaoke tuân thủ quy định về không gian, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên điều này đang trở thành một trong những vấn đề nan giải.

Làm sao để gỡ vướng?

Phục vụ nhu cầu giải trí thực tế của người dân, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đang tìm cách để vẫn có thể ngấm ngầm hoạt động, tìm kiếm lợi nhuận mà không phải đầu tư số tiền lớn.

Việc một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trái phép đang thách thức quy định của pháp luật, gây ra sự bất bình đẳng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke khác khi họ đang phải chấp nhận ngừng hoạt động để nỗ lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu. Điều cần hiện tại là sớm bổ sung những quy định của pháp luật để quản lý những loại hình kinh doanh karaoke trá hình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 352 về việc thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 16/8/2024 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Ẩm thực Việt đã và đang góp phần thúc đẩy quảng bá du lịch, giúp lôi kéo lượng khách quốc tế đến và tăng doanh thu cho toàn ngành.

Từ ngày 9 đến 11/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UN Tourism và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism tại Hội An.

Từ ngày 1 đến ngày 4/12/2024, Quân khu 7 tổ chức cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình phức tạp.

Trong hai ngày 3-4/12, Học viện Kỹ thuật Mật mã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về mật mã và an toàn thông tin lần thứ nhất (VCRIS 2024), với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về mật mã trong và ngoài nước.