Hà Nội xếp thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội xếp thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính
Năm 2023, thành phố Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số cải cách hành chính và là năm thứ hai liên tiếp đạt kết quả này. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ đô Hà Nôi là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, mặt trái mà đô thị luôn phải đối mặt là áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân cư đông khiến công tác cải cách hành chính gặp khó. Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã có bước tiến lớn về cải cách hành chính. Sự bứt phá của thành phố từ vị trí thứ 10 vào năm 2021 lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 và năm 2023 là minh chứng rõ nét về điều này.
Chương trình số 01 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” được xem chương trình cốt lõi, xương sống trong 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Với mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thời gian qua các sở, ban ngành, quận huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã tìm tòi, áp dụng nhiều mô hình hay, sáng kiến mới trong cải cách hành chính. Tiêu biểu như mô hình : “thủ tục hành chính không chờ”; “chứng thực hành chính 24/24h tại thôn, tổ dân phố”; mô hình “bộ phận làm ngay”, mô hình “ngày thứ 6 xanh”. Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, thành phố đã ban hành 76 văn bản liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính. Thành phố ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức.
Thành phố đã ban hành 15 quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 211 thủ tục hành chính; quyết định ủy quyền giải quyết 578 thủ tục hành chính; thực hiện tích hợp 781 dịch vụ công trực tuyến một phần, 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện.. Việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của thành phố đạt tỷ lệ cao, chiếm 99,7%.... Hà Nội thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương là “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.
Với những nỗ lực, quyết tâm cao trong công tác cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, năm 2023 TP Hà Nội đã tăng tới 9 bậc về chỉ số SIPAS, xếp thứ 21 (năm 2022, TP Hà Nội đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Đồng thời, chỉ số cải cách hành chính năm 2023 xếp thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 91,43% - là năm thứ hai liên tiếp duy trì vị trí này. Công tác cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố.
Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội kiểm tra, xử lý việc thổi giá chung cư
Thông tin về giá nhà chung cư tại địa bàn Thủ đô Hà Nội tăng kỷ lục trong quý I/2024 đang được đông đảo người dân quan tâm. Bởi những chỉ số tăng giá không chỉ nằm trên báo cáo khảo sát thị trường từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp mà còn được thể hiện bằng các giao dịch thực tế. Dư luận nghi vấn liệu có chiêu trò thổi giá trên thị trường.
Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 1488 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn. Theo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, đất đai, nhà ở... Các địa phương cũng đã chủ động thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn nên thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển biến khởi sắc.
Tuy nhiên, gần đây tại một số khu vực, dự án, khu chung cư có căn hộ nhà ở với mức giá bất thường, có hiện tượng thổi giá, làm giá, đầu cơ. Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị chú trọng kiểm tra tại các dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường như dư luận phản ánh. Từ đó, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản (nếu có). Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo có hiệu quả các nội dung này và có báo cáo gửi về Bộ trước ngày 20/4.
Số liệu khảo sát thị trường từ kênh thông tin batdongsan.com.vn cũng cho thấy, kết thúc quý I/2024 giá chung cư ở hầu hết các quận nội đô Hà Nội đều ghi nhận mức tăng từ 20 - 33% so với thời điểm cuối năm 2023. Không phủ nhận những yếu tố thị trường như quỹ đất hạn hẹp, hạ tầng kỹ thuật - xã hội được nâng cấp, đầu tư mới... đang góp phần đẩy giá bất động sản nói chung, nhà chung cư nói riêng tại địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhu cầu mua nhà ở hiện nay là có thật, nguồn cung mới nhà có thời điểm bị khan hiếm là có, nhưng việc giá nhà chung cư tăng một cách chóng mặt là không hợp lý. Phân khúc căn hộ chung cư tại Thủ đô Hà Nội đã ghi nhận tăng giá 20 quý liên tiếp, nhưng chỉ tăng từ 5 - 7%; còn tăng ở mức từ 20% đến trên 30% là không có căn cứ.
Trước tình trạng này, Hiệp hội đã tổ chức khảo sát kỹ lưỡng và nhận thấy giá đã được đẩy cao một cách chóng mặt, nhưng giao dịch thực tế thì gần như không có sự gia tăng đột biến so với các quý trước, thậm chí còn thấp hơn. Như vậy, có thể khẳng định giá căn hộ chung cư bao gồm cả chung cư mới, chung cư cũ, căn hộ tái định cư tăng đột biến thời gian gần đây là do sự tham gia tích cực của một số nhóm môi giới bất động sản, thậm chí bao gồm cả những sàn giao dịch bất động sản để gia tăng lợi nhuận. Chính vì vậy phía các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có sự can thiệp kịp thời để triệt tiêu những hành vi gây ra nguy cơ làm tổn hại thị trường.
Đền Hùng đón khoảng 500.000 khách trong ngày Giỗ Tổ
"Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Cứ vào dịp tháng 3 Âm lịch, người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước lại nô nức trở về nơi cội nguồn của dân tộc, đó chính là Đền Hùng Phú Thọ. Với mỗi người dân nước Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng cho sức hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 18/4, tức ngày 1 đến 10 tháng 3 Âm lịch. Với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, các sự kiện thể thao và du lịch thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức lan tỏa rộng rãi, sự hài lòng cho đồng bào, du khách như: chương trình văn hóa nghệ thuật, trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày; hội trại văn hóa; trình diễn hát Xoan làng cổ; hội thi bơi chải; hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP...
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, dự báo ngày chính lễ có khoảng 500.000 khách, ít hơn 50% so với năm ngoái. Nguyên nhân là năm nay chỉ có một ngày nghỉ lễ, trong khi năm ngoái dịp giỗ Tổ trùng với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, kéo dài 5 ngày. Trong ngày 14/4 vừa qua ghi nhận 700.000 khách đến Đền Hùng.
Để phục vụ khách du lịch về dự lễ giỗ Tổ Đền Hùng, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ đã bố trí các điểm thông tin hỗ trợ khách tại khu vực cổng Trung tâm lễ hội, sân đồi Công quán và ngã 5 Đền Giếng - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Tại đây có hướng dẫn viên và các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu quảng bá điểm đến du lịch, chương trình tour du lịch tham quan trải nghiệm đất Tổ. Công an tỉnh Phú Thọ đã huy động gần 1.000 chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các chốt, các đền, các địa điểm ở thành phố Việt Trì và địa bàn lân cận, triển khai thực hiện các nhiệm vụ từ phân luồng, điều tiết giao thông, không để tình trạng ùn tắc, chen lấn, xô đẩy tại khu vực diễn ra lễ hội, để người dân và du khách có được trải nghiệm tốt nhất khi đến với miền đất Tổ linh thiêng./.
- Nền nhiệt Hà Nội mùa hè năm nay lên đến 45 độ C | Hà Nội tin mỗi chiều
- Thực phẩm bẩn bủa vây cổng trường, xử lý và quản lý thế nào? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hơn ba triệu hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực, ai chịu trách nhiệm? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội cấm tuyệt đối báo trước kế hoạch kiểm tra ATTP | Hà Nội tin mỗi chiều
- Đến năm 2035 Hà Nội sẽ có 400 km đường sắt đô thị | Hà Nội tin mỗi chiều
Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.
Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.
Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.
Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.
Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
0