Hạ viện Mỹ tê liệt, ai sẽ là Tân Chủ tịch?| Nhìn ra thế giới| 10/10/2023
Lần đầu tiên trong lịch sử 234 năm của mình, hôm 03/10, Hạ viện Mỹ đã ủng hộ nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy – một thành viên của đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện với đa số sít sao 221 - 212 và chỉ cần có 5 người thay đổi là có thể đe dọa quyền lực của ông McCarthy trong trường hợp tất cả các thành viên Dân chủ tại Hạ viện cùng bỏ phiếu phế truất. Điều này đã xảy ra khi tại cuộc bỏ phiếu trên, 8 thành viên Cộng hòa cùng với 208 thành viên Dân chủ đã bỏ phiếu để loại bỏ ông McCarthy khỏi chức vụ.
Người dẫn đầu nỗ lực bãi nhiệm ông McCarthy là nghị sĩ Matt Gaetz - thành viên đảng Cộng hòa cực hữu từ bang Florida. Vị nghị sĩ này và các hạ nghị sĩ Cộng hòa cực hữu khác đã bày tỏ tức giận vì ông McCarthy hôm 30/9 đã dựa vào phiếu bầu của đảng Dân chủ để thông qua nghị quyết gia hạn tài trợ tạm thời cho chính phủ tiếp tục hoạt động tới ngày 17/11.
Một số đảng viên Cộng hòa đã lên tiếng phản đối việc phế truất ông McCarthy, cho rằng việc này khiến đảng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
“Họ đã khiến chúng tôi rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong khi chúng ta đang có quá nhiều việc cần làm, như tình trạng biên giới Mỹ-Mexico không được đảm bảo, nợ quốc gia, chi tiêu thâm hụt và lạm phát.”, ông Bruan Steil, Nghị sĩ đảng Cộng hòa nói.
Còn bà Nicole Malliotalis, một Nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng bày tỏ quan điểm "đảng Cộng hòa cần học cách đoàn kết với nhau. Chúng ta cần biết rằng chúng ta phải chiến đấu với đảng Dân chủ ở Thượng viện chứ không phải chống lại nhau, nếu chúng ta muốn hoàn thành mục tiêu nào đó”
Việc ông McCarthy bị lật đổ bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa, vốn đã tồn tại dai dẳng từ lâu và ngày càng sâu sắc hơn, đặc biệt từ khi cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu ra tranh cử lần đầu tiên năm 2016. Giới quan sát và cử tri Mỹ thì đặt câu hỏi: liệu đảng Cộng hòa có sẵn sàng lãnh đạo đất nước vào năm 2024 hay không?
Chủ tịch Hạ viện là vị trí quyền lực thứ 3 trong chính phủ Mỹ, chỉ sau Tổng thống và Phó Tổng thống. Chủ tịch có thể sắp xếp chương trình nghị sự lập pháp của Hạ viện, kiểm soát việc bổ nhiệm nhân sự tại các ủy ban, ấn định lịch bỏ phiếu và làm việc, đồng thời có trách nhiệm đảm bảo sự thống nhất của thành viên trong đảng đối với các sáng kiến lập pháp lớn.
Một lý do khiến Chủ tịch Hạ viện có vị trí quan trọng là bởi Hạ viện được coi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp nhất với người dân nên được Hiến pháp Mỹ trao cho quyền ban hành mọi dự luật về ngân sách. Điều đó có nghĩa Hạ viện là nơi khởi nguồn tất cả các dự thảo chi tiêu. Do vậy, Hạ viện Mỹ sẽ bị tê liệt và mọi hoạt động lập pháp sẽ không được triển khai nếu quá trình bầu Chủ tịch Hạ viện kéo dài.
Sau khi ông McCarthy bị phế truất, ông Patrick McHenry, thành viên Đảng Cộng hòa, đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch Hạ viện. Nhưng theo quy định, ông bị hạn chế về quyền hành và không thể tiến hành các hoạt động lập pháp thông thường. Nhiệm vụ chính của ông McHenry là tiến hành bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện mới.
Ông Matthew Green, Giáo sư Chính trị - Đại học Công giáo Hoa kỳ nhận định: “Chủ tịch Hạ viện có ảnh hưởng đối với chương trình nghị sự. Họ có rất nhiều trách nhiệm. Đó là lý do tại sao việc thiếu chủ tịch Hạ viện lúc này đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì điều đó có nghĩa là hạ viện và cơ quan lập pháp không thể làm được gì nhiều. Quốc hội Mỹ gần như rơi vào trạng thái tê liệt."
Cho đến khi có lãnh đạo mới, Hạ viện không thể bỏ phiếu về các dự luật. Việc hoạt động lập pháp của Mỹ bị đình trệ trước mắt sẽ ảnh hưởng tới vấn đề chi tiêu của chính phủ trong năm tài khóa 2024. Hiện nay chính phủ Mỹ chỉ được cấp ngân sách tạm thời tới ngày 17/11, do đó nếu Hạ viện chưa ổn định được hoạt động thì Quốc hội Mỹ sẽ không thể thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu, khi đó chính phủ Mỹ sẽ lại phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa một lần nữa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại sự biến động chính trị tại Hạ viện sẽ ảnh hưởng đến cam kết ủng hộ Ukraine của Mỹ trong tương lai. Cuối tháng 9, quốc hội Mỹ đã quyết định loại bỏ khoản tài trợ trị giá 6 tỷ USD cho Kiev khỏi dự luật ngân sách tạm thời của chính phủ, và giờ đây Hạ viện lại đang bỏ trống vị trí chủ tịch, khiến các hoạt động hỗ trợ tương lai cho Ukraine rơi vào tình thế bấp bênh.
Thêm vào đó, trước tình hình xung đột bất ngờ nổ ra giữa Israel và các lực lượng ở Palestine làm chấn động thế giới, Mỹ đã đề xuất gửi viện trợ bổ sung và điều tàu chiến, máy bay chiến đấu đến hỗ trợ quốc gia đồng minh Trung Đông. Nhưng theo hãng tin CNN, lời cam kết hỗ trợ này đang gặp trở ngại do vị trí Chủ tịch Hạ viện đang bị bỏ trống. Các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang thúc đẩy quá trình cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Israel sớm nhất có thể, dựa trên các thỏa thuận và cam kết giữa 2 đồng minh. Dự kiến khoảng 100 triệu USD viện trợ cho Israel sẽ được chi thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (PDA), cho phép vận chuyển nhanh chóng thiết bị từ kho vũ khí hiện có, để gửi viện trợ ngay lập tức. Tuy nhiên, các khoản viện trợ lớn hơn sẽ cần Quốc hội Mỹ thông qua.
Ứng cử viên đầu tiên tuyên bố tham gia cuộc đua đứng đầu Hạ viện là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan. Trước đó, việc ông Jordan thành lập liên minh với cựu Chủ tịch vừa bị bãi nhiệm McCarthy khiến ông đang bị những người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa hoài nghi, trong khi những nghị sĩ ôn hòa cũng coi ông là “quá bảo thủ”. Ông Jordan là một đồng minh thân cận của cựu tổng thống Donald Trump. Ông Trump, người đang dẫn đầu cho đề cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024, đã lên tiếng ủng hộ ông Jordan làm chủ tịch Hạ viện.
Trong khi đó, với tư cách là đảng viên Cộng hòa số 2 tại Hạ viện chỉ đứng sau chủ tịch, nghị sỹ Steve Scalise là một nhân vật nổi bật và từ lâu đã được coi là người kế nhiệm hoặc đối thủ tiềm năng của ông McCarthy. Trước khi trở thành lãnh đạo phe đa số, ông Scalise từng là người đứng đầu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, một vai trò tập trung vào việc kiểm phiếu và đảm bảo sự ủng hộ cho các ưu tiên chủ chốt của đảng. Tuy nhiên, có nguồn tin cho hay, ông Scalise đang đối mặt lo ngại về vấn đề sức khỏe vì phải chiến đấu với căn bệnh đa u tủy, một dạng ung thư máu. Dù vậy ông khẳng định mình đủ sức khỏe để làm chủ tịch Hạ viện.
Ứng viên chủ tịch Hạ viện phải được nghị sĩ đề cử và phải có số phiếu quá bán, tương đương 217 phiếu bầu để trúng cử. Nhưng đến nay, ông Scalise và ông Jordan mỗi người đều chỉ nhận được khoảng 20 sự tán thành từ đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện. Cả hai nhà lập pháp cũng đang đưa ra lời kêu gọi trực tiếp với nhiều thành viên trung dung hơn.
Trong một diễn biến bất ngờ, ông Kevin McCarthy hôm 09/10 tuyên bố sẵn sàng trở lại vị trí Chủ tịch nếu có đủ sự ủng hộ từ các thành viên đảng Cộng hòa, dù trước đó hôm 03/10 ông cho biết sẽ không tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện nữa.
Việc ông McCarthy trở lại lãnh đạo Hạ viện không phải không có khả năng, khi một số đảng viên Cộng hòa theo đường lối trung dung hiện đang kêu gọi khôi phục chức vụ Chủ tịch của ông sau các diễn biến ở Israel, do lo ngại rằng Hạ viện vẫn bị tê liệt khi không có chủ tịch và khó đạt được đồng thuận để bầu ra lãnh đạo mới. Một số người khác suy đoán ông McCarthy sẽ phải đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ để giành chiến thắng, điều mà ông đã từ chối thực hiện vào tuần trước.
Theo thống kê của CNN, cho đến nay chỉ có hơn 60 thành viên đảng Cộng hòa công khai xác nhận lựa chọn của mình, và nhiều hạ nghị sỹ khác cho biết sẽ kín đối tượng ủng hộ. Nếu không có ai giành được 217 phiếu bầu để trở thành chủ tịch, vẫn có khả năng các ứng cử viên khác xuất hiện vào phút cuối. Những cái tên nổi bật khác gồm có Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu của đảng Cộng hòa Kevin Hern, Chủ tịch Hạ viện lâm thời Patrick McHenry, và Chủ tịch Nội quy Hạ viện Tom Cole.
Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện, do đó việc bầu Chủ tịch Hạ viện được coi là chuyện nội bộ của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, những chia rẽ nội bộ đảng sẽ khiến quá trình bầu ra lãnh đạo Hạ viện khó mà suôn sẻ.
Bất kỳ ai trở thành chủ tịch Hạ viện tiếp theo đều đứng trước thách thức phải dung hòa giữa hai phe bảo thủ và ôn hòa trong nội bộ đảng Cộng hòa, đồng thời cũng phải chứng tỏ được khả năng dẫn dắt, điều phối các cuộc tranh luận ở Hạ viện về các dự luật quan trọng sắp tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẽ cố gắng làm việc với tân Chủ tịch Hạ viện, và kêu gọi đảng Cộng hòa thông qua luật chi tiêu cho chính phủ liên bang trước khi nguồn tài trợ hiện tại hết hạn vào ngày 17/11.
- Các nước với cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức | Nhìn ra thế giới | 04/10/2023
- 'Cơn gió ngược' trong viện trợ cho Ukraine?| Nhìn ra thế giới| 05/10/2023
- Tháng 9 nóng nhất trong lịch sử| Nhìn ra thế giới| 06/10/2023
- Lạm phát tại châu Âu dần hạ nhiệt| Nhìn ra thế giới| 07/10/2023
- Ngọn lửa xung đột Israel - Palestin bùng cháy| Nhìn ra thế giới| 08/10/2023
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử một loạt thành viên nội các mới cho nhiệm kỳ sắp tới của ông. Những cái tên được đề cử không chỉ gây sốc mà còn phản ánh rõ ràng chiến lược của ông Trump trong việc xây dựng một đội ngũ chính phủ hoàn toàn khác biệt so với truyền thống và so với chính nội các trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Báo chí Mỹ ngày 17/11 dẫn các nguồn tin ẩn danh là quan chức chính phủ cho biết, Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên bật đèn xanh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Quyết định này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, với hy vọng có thể mang lại Ukraine có vị thế tốt hơn trong đàm phán với Nga, song cũng đi kèm những rủi ro làm leo thang xung đột.
Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (WMO) cho biết, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, cháy rừng và ô nhiễm không khí tiếp tục có tác động tiêu cực, ngày càng gia tăng đến sức khỏe con người và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có hàng triệu ca tử vong liên quan tới không khí bẩn.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 đã diễn ra tại Lima (Peru) từ ngày 10 - 16/11. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng trong khu vực.
Sự trở lại của ông Trump có thể đưa mức thuế quan lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và điều này có thể ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, lập trường bảo hộ thương mại của ông Trump và cách tiếp cận kiểu giao dịch trong chính sách đối ngoại cũng có thể làm suy yếu các liên minh và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống do Mỹ rút lui và định hình một trật tự thế giới thay thế.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Baku của Azerbaijan, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Với sự tham gia của trên 51.000 đại biểu, hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ, tạo sức ép lớn để các chính phủ phải hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
0