Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ dồn lực cho chặng nước rút

Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng 2024, hai ứng viên Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang nỗ lực không ngừng để giành được lá phiếu tại các bang chiến địa. Đây được xem là mùa bầu cử kịch tính nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ với kết quả được dự báo sẽ rất sít sao giữa hai ứng cử viên.

Bà Harris thu hút cử tri thông qua người nổi tiếng

Cuộc chiến tại các bang chiến địa như Pennsylvania, Georgia và Michigan đang trở nên đặc biệt gay cấn, khi cả hai ứng cử viên dồn mọi nguồn lực để vận động từng lá phiếu. Đây là những bang có vai trò then chốt trong việc quyết định kết quả chung cuộc của bầu cử, bởi số phiếu đại cử tri của các bang này có thể làm lệch cán cân giữa chiến thắng và thất bại.

Các cuộc thăm dò tại 7 bang tranh chấp cũng cho thấy cả hai ứng cử viên đang chạy đua sát nút. Ông Trump đang có ưu thế tại các bang Arizona, North Carolina và Georgia, trong khi bà Harris nhỉnh hơn ở các bang Pennsyvalnia, Wisconsin, Michigan và Nevada.

Giới quan sát nhận định, bà Harris sẽ giành chiến thắng nếu như có được lá phiếu đa số tại Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Ở chiều ngược lại, chiến thắng ở ba bang miền Đông là Pennsylvania, North Carolina và Georgia có nhiều khả năng sẽ mang lại cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng.

Bà Kamala Harris và cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, Kalamazoo, Michigan, ngày 26/10/2024. Ảnh: Reuters.

Với cục diện hiện tại, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 đang chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa hai phe cử tri. Thời gian còn lại không nhiều, nhưng chính những ngày cuối cùng này sẽ quyết định ai là người bước chân vào Nhà Trắng, trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Tại cuộc vận động tranh cử ở Clarkston, bang Georgia, bà Harris đã xuất hiện cùng nhiều nhân vật đình đám trong nỗ lực tận dụng danh tiếng của những người nổi tiếng để lôi kéo cử tri ở các bang dao động. Sự kiện có sự góp mặt của cựu Tổng thống Barack Obama, cùng các nhân vật có sức ảnh hưởng lớn như huyền thoại nhạc rock Bruce Springsteen.

Đây cũng là lần đầu tiên, ứng cử viên đảng Dân chủ xuất hiện trên đường đua vận động tranh cử cùng cựu Tổng thống Barack Obama. Bà Harris cũng xuất hiện cùng cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama vào ngày 26/10 tại Michigan, một trong 7 bang chiến địa quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

"Tin tốt là bà Kamala Harris đã sẵn sàng cho công việc này. Đây là một nhà lãnh đạo đã đấu tranh thay mặt cho những người cần tiếng nói. Đây là người tin vào các giá trị của đất nước này."

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Cuộc vận động tranh cử của Phó Tổng thống Harris tại Clarkston phản ánh vai trò quan trọng của cử tri gốc Phi ở bang Georgia. Chiến dịch tranh cử của bà Harris đang đẩy mạnh sự hiện diện của các ngôi sao da màu trong những ngày “chạy nước rút”, với sự xuất hiện của nam diễn viên Samuel L Jackson và các đạo diễn Spike Lee và Tyler Perry.

Trước đó, bà Harris đã tập hợp những người ủng hộ tại một sự kiện vận động bỏ phiếu ở Atlanta với ca sĩ nhạc pop kiêm ngôi sao Usher. Vài giờ trước đó, tại một sự kiện vận động ở Detroit vào ngày đầu tiên bỏ phiếu sớm của thành phố, Phó Tổng thống đã hợp tác với rapper người bản xứ Motor City Lizzo.

Oprah Winfrey (phải) đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình cuộc vận động tranh cử đặc biệt tại bang Michigan của bà Harris. Ảnh: AFP.

Trong khi nữ ca sĩ Beyonce đã đồng hành với Phó Tổng thống ở Texas ngày 26/10.

Theo nghiên cứu từ Trường Harvard Kennedy xem xét tác động của người nổi tiếng đến việc đăng ký cử tri và phát hiện rằng tính chân thực của họ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu.

Tác giả của bài nghiên cứu - Ashley Spillane cho biết, những người nổi tiếng thường có vị thế tốt nhất trong xã hội khi giải quyết các vấn đề khiến cử tri thờ ơ. Khi người nổi tiếng tham gia vào chính trị, người dân cảm thấy họ làm điều đó vì sự chân thành, chứ không vì lợi ích của bản thân. Điển hình là chỉ trong 24 giờ sau khi Taylor Swift ủng hộ Kamala Harris trên Instagram, gần 340.000 người truy cập vào vote.gov - trang web đăng ký cử tri, qua liên kết mà nữ ca sĩ đính kèm.

Nỗ lực thể hiện bản thân

Trong suốt sự nghiệp, bà Harris luôn tỏ ra thận trọng khi thể hiện bản thân và đã thay đổi lập trường trước một số vấn đề. Việc bà bất ngờ trở thành ứng viên đảng Dân chủ chỉ vài tháng trước ngày bầu cử khiến Phó Tổng thống phải vội vã giới thiệu mình một cách chi tiết hơn với cử tri. Phó Tổng thống Harris, người đã bước sang tuổi 60 hôm 20/10, đã cố gắng không ngừng trong những tuần gần đây để hoàn thiện bức tranh đó bằng cách chia sẻ những mẩu chuyện đời thường, nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc hơn về tính cách của bà. Phó Tổng thống Harris đang cố gắng tạo dấu ấn cá nhân trong nỗ lực tiếp cận cử tri, khi nhiều cử tri nói rằng họ vẫn chưa thực sự biết bà Harris là ai.

Phó Tổng thống Kamala Harris chụp ảnh khi đến thăm phòng trưng bày nghệ thuật Norwest ở Detroit hôm 15/10. Ảnh: AP.

Bà Harris từng chia sẻ với người dẫn chương trình phát thanh Howard Stern trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng không phải lúc nào bà cũng thoải mái thể hiện tính cách của mình.

"Tôi cảm thấy thật không phải khi chia sẻ về bản thân, điều mà rõ ràng là tôi đang làm ngay lúc này".

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Trong một cuộc phỏng vấn khác với người dẫn podcast Charlamagne tha God, Phó Tổng thống thẳng thắn thừa nhận vấn đề mà bà đang gặp phải khi một số người chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về bà.

Những người chỉ trích cho rằng bà đã quá cứng nhắc suốt chiến dịch tranh cử, đặc biệt là trong những tuần đầu Phó Tổng thống bắt tay vào vận động, khi bà nhất quyết từ chối tham gia các cuộc phỏng vấn.

Khi người dẫn chương trình Charlamagne tha God phàn nàn về xu hướng bám sát kịch bản của bà trong những lần xuất hiện trước công chúng, Phó Tổng thống phản bác: "Đó là thứ được gọi là kỷ luật".

Podcast trở thành kênh hiệu quả để các ứng cử viên nhắm mục tiêu đến những đối tượng khán giả khó tiếp cận. Lượng khán giả lắng nghe podcast ngày càng tăng, nhiều trong số họ là những người trẻ tuổi và có khả năng là những cử tri bỏ phiếu lần đầu. Do đó, sức hấp dẫn và tác dụng của podcast là rõ ràng.

Vài tuần gần đây, bà đã cẩn thận tiết lộ thêm nhiều thông tin cá nhân hơn. Phó Tổng thống nói với chương trình "60 Minutes" của CBS News rằng vũ khí bà sở hữu là một khẩu súng lục Glock và bà thường sử dụng nó ở trường bắn.

Bà Harris cùng Bill Whitaker nói chuyện trên "60 Minutes". Ảnh: CBS.

Đặc biệt, Phó Tổng thống tiết lộ tương đối chi tiết về sở thích âm nhạc của bản thân. Trong một buổi trò chuyện trên chương trình podcast "All The Smoke", Harris cho biết rapper Tupac Shakur và Too Short là hai nghệ sĩ bà yêu thích hàng đầu.

Bà Harris đã chia sẻ về công việc rán khoai tây trong thời gian làm thêm tại McDonald's khi còn là sinh viên.

Phó Tổng thống cũng khoe với cử tri rằng bà sưu tập đĩa than cùng con trai và thích xem đua xe Công thức 1. Bà Harris thích những túi khoai tây chiên Doritos cỡ lớn và thỉnh thoảng nhâm nhi chúng với bia.

Bà Harris cũng nhấn mạnh xuất thân từ gia đình trung lưu của mình, tạo ra tương phản với một tỷ phú như ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và cho biết sẽ ưu tiên chống lạm phát nếu trở thành tổng thống.

Theo cuộc thăm dò gần đây do Wall Street Journal thực hiện tại 7 bang chiến trường, gần 1/5 cử tri cho biết họ cần tìm hiểu thêm về sự nghiệp và lập trường chính sách của Harris. Trong số những cử tri độc lập đặc biệt quan trọng đối với kết quả bầu cử, gần 40% nói rằng họ cần biết thêm về bà.

Các cử tri trẻ tuổi cũng có chung vấn đề. Theo cuộc khảo sát, hơn 1/4 cử tri thuộc thế hệ GenZ nói họ muốn có nhiều thông tin hơn về Phó Tổng thống.

Điều này đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với ứng viên đảng Dân chủ, trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang tung ra hàng loạt quảng cáo tiêu cực về bà, khi chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn nước rút.

Ngược lại với Phó Tổng thống Harris, cựu Tổng thống Donald Trump được cử tri biết đến không chỉ vì nhiệm kỳ trước đây của ông mà còn vì ông là một bậc thầy truyền thông, luôn biết cách đưa mình vào tâm điểm chú ý suốt hàng thập kỷ.

Chiến lược thu hút cử tri nam da màu

Các chuyên gia đánh giá, để có thể giành thắng lợi trong ngày cuối cùng, một trong những yếu tố quan trọng là Phó Tổng thống Kamala Harris cần phải thu hút sự ủng hộ của những cử tri nam giới da màu. Do vậy, bà Harris đã công bố một kế hoạch nhằm mang lại cho nam giới là người da màu có thêm nhiều cơ hội kinh tế hơn để phát triển, trong nỗ lực giành được thêm sự ủng hộ từ khối cử tri quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới. Kế hoạch của bà Harris gồm cung cấp các khoản vay kinh doanh có thể xóa nợ cho các doanh nhân da màu, tạo ra nhiều chương trình học nghề hơn, cũng như nghiên cứu thêm về các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến nam giới người Mỹ gốc Phi.

Hai ứng cử viên dồn lực cho chặng nước rút bầu cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.

Nếu trở thành tổng thống, bà Harris sẽ phân phối 1 triệu khoản vay trị giá lên tới 20.000 USD nhằm xóa nợ cho các doanh nhân da màu cũng như những người khác có ý tưởng kinh doanh khả thi. Các khoản vay này sẽ được cung cấp thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ, chính quyền địa phương và các ngân hàng, với cam kết phục vụ cộng đồng của mình.

 "Tôi nghĩ đề xuất mà bà ấy vừa đưa ra sẽ là một điều tuyệt vời cho các doanh nhân da đen trẻ tuổi vì bạn cần một số tiền cho những hoạt động kinh doanh nhỏ, có thể là một cửa hàng trên đường phố. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này".

Ông Windsor Wade, cử tri Geneva, New york, Mỹ

Ngoài ra, Phó Tổng thống Harris đặt mục tiêu cung cấp các ưu đãi của liên bang nhằm khuyến khích nhiều nam giới người Mỹ gốc Phi tham gia đào tạo để trở thành giáo viên. Theo số liệu thống kê cho thấy, nam giới da màu chỉ chiếm khoảng 1% số giáo viên trường công trong năm học 2020 - 21 tại Mỹ. Bà Harris có kế hoạch mở rộng các chương trình liên bang hiện có nhằm xóa nợ cho các khoản vay giáo dục, từ đó khuyến khích thêm nhiều nam giới da màu tham gia vào nghề giáo viên hơn nữa. Bên cạnh đó, bà cũng muốn tạo thêm nhiều chương trình học nghề và cơ hội cấp chứng chỉ trong cộng đồng này.

Để thu hút thêm các cử tri nam, các cố vấn của Phó Tổng thống cho rằng bà cần phải thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn với một khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ các nhà đầu tư vào tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số, vốn đã trở nên phổ biến trong cộng đồng da màu.

Về y tế, bà Harris cũng cam kết sẽ tạo ra một sáng kiến quốc gia để tài trợ tốt hơn cho các nỗ lực phát hiện, nghiên cứu và chống lại các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng không cân xứng đến nam giới da màu, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm, tiểu đường, ung thư tuyến tiền liệt và các thách thức về sức khỏe tâm thần.

Thống kê của các cuộc bầu cử cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của cử tri là nam giới da màu đối với đảng Dân chủ năm 2008 là 95% khi ông Obama, Tổng thống da màu đầu tiên đắc cử, nhưng tỷ lệ này thấp dần theo thời gian, 82% vào bầu cử năm 2016, 80% vào bầu cử năm 2020, còn theo khảo sát của New York Times hồi tháng trước tỷ lệ ủng hộ chỉ là 77%. Rõ ràng, bà Harris và đảng Dân chủ không muốn một lượng cử tri lớn quay lưng với họ như vậy.

Bầu cử Mỹ ngày 5/11, dự kiến sẽ được quyết định bằng tỷ lệ phiếu bầu sít sao ở Michigan và các tiểu bang chiến trường khác. Các chiến lược gia đảng Dân chủ cho rằng, bà Harris cần thu hút sự ủng hộ của cử tri nam da màu và gốc Latinh nếu muốn đánh bại ông Trump.

Cuộc đua tranh giành từng lá phiếu tại các bang chiến địa hiện nay được xem là một trong những trận chiến khốc liệt và khó đoán định nhất trong lịch sử chính trị hiện đại nước Mỹ, với kết quả dự báo sẽ cực kỳ sít sao. Cả hai ứng cử viên đều đang dốc toàn bộ sức lực, nỗ lực từng ngày để chinh phục lòng tin của cử tri, đặc biệt ở những khu vực có thể quyết định tương lai của nước Mỹ. Mặc dù sự dẫn trước của bà Harris trong nhóm cử tri bỏ phiếu sớm là đáng chú ý, nhưng điều đó chưa thể khẳng định kết quả cuối cùng, khi cả hai ứng cử viên vẫn còn rất nhiều thách thức trong việc chinh phục những cử tri dao động.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hạ viện Nga mới đây đã thông qua mức tăng chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục cho năm 2025, tương đương hơn 6% GDP.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân sự trong chính quyền mới với việc thông báo hàng loạt đề cử ở nhiều vị trí. Đáng chú ý trong lần đề cử này, ông Trump chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước những hành động gây hấn vừa qua.

Trong bối cảnh đàm phán ngừng bắn chưa có thêm tiến triển mới, hôm 22/11, quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công ác liệt nhằm vào nhau.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và phát triển vũ khí tối tân, trong khuôn khổ triển lãm vũ khí "Phát triển Quốc phòng 2024" được khai mạc tại Thủ đô Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng khí hậu Brazil Marina Silva cho biết, các cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vẫn kéo dài hơn dự kiến và sẽ tiếp tục cho tới khi các bên đạt được thoả thuận tại Baku, Azerbaijan.