Hàn Quốc rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị nghiêm trọng

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã khiến cả nước bàng hoàng vào tối ngày 3/12, khi bất ngờ tuyên bố thiết quân luật lần đầu tiên sau gần 50 năm.

Một đêm hỗn loạn

Theo hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc là một quốc gia có truyền thống tự do ngôn luận mạnh mẽ, nhưng theo sắc lệnh của Tổng thống Yoon, mọi hoạt động chính trị, bao gồm biểu tình, mít tinh và hành động của các đảng phái chính trị đều bị cấm.

Các nhà lập pháp đổ xô đến quốc hội, chen lấn qua hàng binh lính đang phong tỏa tòa nhà. Trong một cuộc họp khẩn cấp bất thường vào đêm khuya, những người có mặt đã bỏ phiếu nhất trí phong tỏa sắc lệnh. Tổng thống có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ quyết định của tòa.

Các khối chính trị của đất nước đã cùng nhau phản đối sắc lệnh của Tổng thống Yoon Suk Yeol - bao gồm cả các thành viên trong chính đảng của ông. Lãnh đạo đảng đã xin lỗi công chúng và yêu cầu tổng thống giải thích.

"Mọi người hãy yên tâm. Khủng hoảng là một cơ hội. Mặc dù đất nước này vẫn đang tiếp tục thụt lùi, nhưng tuyên bố thiết quân luật bất hợp pháp này sẽ không khiến đất nước rơi vào tình trạng tồi tệ hơn, mà giờ đây sẽ là cơ hội quyết định để phá vỡ vòng luẩn quẩn và trở lại xã hội bình thường".

Ông Lee Jae-Myung, Lãnh đạo đảng Đối Lập của Hàn Quốc

Đến 4h30 sáng, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố ông sẽ tuân thủ và dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, nói rằng ông đã rút quân được triển khai trước đó trong đêm. Nhưng ông Yeol vẫn khẳng định lại cáo buộc rằng, đảng đối lập đang cản trở các động thái của chính phủ ông, kêu gọi các nhà lập pháp ngừng "thao túng lập pháp".

"Sau khi Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, quân đội thực thi thiết quân luật đã rút lui. Tôi sẽ chấp nhận yêu cầu của Quốc hội và dỡ bỏ thiết quân luật trong cuộc họp nội các. Tuy nhiên, tôi yêu cầu Quốc hội ngay lập tức dừng các hoạt động liều lĩnh làm tê liệt hoạt động của đất nước thông qua việc luận tội liên tục, thao túng luật pháp và ngân sách".

Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol

Nội các của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bỏ phiếu bãi bỏ sắc lệnh ngay sau đó.

Người dân hoang mang

Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật vào đêm hôm trước và rút lại lệnh chỉ vài giờ sau đó đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Ngay sau lệnh này, sự phẫn nộ, bàng hoàng và hoang mang lan rộng khắp đất nước và cả thế giới. Đêm muộn thứ Ba, người dân thủ đô Seoul vội vã chạy về nhà, trong khi những người khác tập trung trước tòa nhà Quốc hội, cho dù họ có thể bị bắt mà không cần lệnh. Nhiều người biểu tình mang theo biểu ngữ và cờ kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Biểu tình vẫn thường xuyên xảy ra ở Hàn quốc nhưng sự hỗn loạn đêm qua là một điều bất thường.

Anh Trương Mạnh Đại, một người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc cho biết, một số người Việt Nam tại Hàn Quốc cảm thấy vô cùng hoang mang vì lệnh giới nghiêm.

Ngay cả những người dân Seoul đã từng biết đến lệnh thiết quân luật như thế này trong lịch sử Hàn Quốc cũng rơi vào trạng thái lo lắng và vô cùng bất an.

“Đó là một trải nghiệm mà tôi chỉ thấy trong phim và tôi nhận ra nó nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Tình hình kinh tế hiện tại (ở Hàn Quốc) rất khó khăn và việc tổng thống gây ra sự lo lắng như vậy trong người dân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều. Tôi vô cùng bối rối trước tình hình như thế này, và tôi rất lo lắng về tương lai của đất nước”.

Anh Kim Byeong-in, cư dân Seoul 39 tuổi

“Đêm qua, tôi tình cờ thức dậy và thấy tin tức. Lúc đầu, tôi rất sợ và bối rối. Tôi cứ nghĩ: chuyện gì đang xảy ra vậy? Đây có phải là điều thực sự có thể xảy ra trong thời đại này không?. Tôi không thể ngủ cho đến khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ vì tôi quá sợ hãi”.

Bà Gang He-Soo - cư dân Seoul 50 tuổi

Từ những năm 1980, các cuộc biểu tình thường xuyên xảy ra tại Hàn Quốc. Bối cảnh chính trị trong nước từ lâu đã trở nên chia rẽ, trong đó các tổng thống ở cả hai phe phái chính trị thường phải đối mặt với các cuộc truy tố khi còn tại nhiệm và khi đã mãn nhiệm.

Trong suốt phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thiết quân luật được ban bố nhiều lần - đôi khi là để các nhà lãnh đạo duy trì quyền mặc dù công chúng ngày càng bất bình.

Lần cuối cùng một tổng thống Hàn Quốc tuyên bố thiết quân luật là vào năm 1980. Phải đến năm 1988, Hàn Quốc mới bầu được một tổng thống thông qua các cuộc bầu cử tự do và trực tiếp. Ký ức về thời kỳ đen tối vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí nhiều người, vì vậy mà đêm qua họ đã kéo đến tòa nhà quốc hội và giăng biểu ngữ trên đường phố ngày hôm nay.

Tương lai đầy bất trắc của Tổng thống Hàn Quốc

Hàn Quốc đã rơi vào bế tắc chính trị trầm trọng trong nhiều tháng, sau khi các đảng đối lập của nước này giành được đa số ghế trong quốc hội vào tháng 4. Cuộc bầu cử được dư luận rộng rãi coi là cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Yoon Suk Yeol. Sự ủng hộ đã giảm mạnh do một số vụ bê bối và tranh cãi kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2022. Ông Yoon Suk Yeol, một người bảo thủ, đã xung đột với phe đối lập về nhiều chính sách. Ông đã không thông qua được nhiều luật mà ông cần thực hiện các lời hứa trong chiến dịch tranh cử là cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định kinh doanh.

Theo Yonhap, ông cũng ngày càng thất vọng với những nỗ lực của phe đối lập nhằm luận tội các nhân vật chính phủ, một số người trong số họ do ông bổ nhiệm - bao gồm chủ tịch của cơ quan giám sát phát thanh truyền hình, chủ tịch của cơ quan kiểm toán nhà nước và một số công tố viên hàng đầu. Các công tố viên nói riêng là một điểm nhạy cảm đối với ông Yôn Suk Yeol. Các nhà lập pháp đối lập lập luận rằng họ đã không truy tố được vợ của ông Yoon, đệ nhất phu nhân - người đã vướng vào vụ bê bối và cáo buộc thao túng cổ phiếu.

Ông Yoon Suk Yeol, đại diện cho đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ đã giữ chức Tổng thống Hàn Quốc kể từ năm 2022. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với tỷ lệ sít sao, dẫn trước đối thủ chưa đến một phần trăm. Ông Yeol là người mới tham gia chính trường, đã dành 27 năm trước đó cho sự nghiệp công tố viên. Kể từ khi nhậm chức - kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in - ông đã phải đối mặt với vô số thách thức, từ căng thẳng thường trực với Triều Tiên đến căng thẳng gia tăng giữa các đối tác chính của Hàn Quốc là Mỹ và Trung Quốc - cũng như tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Ông từ lâu đã có lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên, một sự thay đổi so với người tiền nhiệm của ông, Moon Jae - in, người ủng hộ đối thoại và hòa giải hòa bình. Ông Yeol chỉ trích cách tiếp cận này là "phục tùng". Thay vào đó, ông Yeol tuyên bố sẽ tăng cường quân đội Hàn Quốc, thậm chí còn ám chỉ rằng ông sẽ phát động một cuộc tấn công phủ đầu nếu ông thấy có dấu hiệu Seoul bị tấn công.

Nhưng ông đã phải đối mặt với các cuộc chiến chính trị trong nước, tranh cãi với Đảng Dân chủ đối lập, đảng đã nhiều lần luận tội các bộ trưởng và làm thất bại các kế hoạch tài chính của chính phủ. Ông Yeol đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình giảm mạnh kể từ khi nhậm chức - do một loạt vụ bê bối và tranh cãi thậm chí khiến hàng trăm nghìn người kêu gọi luận tội ông.

Thông báo về thiết quân luật hôm thứ Ba đã khiến các đồng minh của Hàn Quốc sửng sốt. Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng, chính quyền tổng thống Biden "không được thông báo trước" về việc ông Yeol tuyên bố thiết quân luật.

Mỹ bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" về lệnh  thiết quân luật và thở phào nhẹ nhõm sau khi Tổng thống Yeol dỡ bỏ sắc lệnh.

Mỹ và Hàn Quốc có hiệp ước phòng thủ chung kéo dài hàng thập kỷ, có nghĩa là cả hai bên phải hỗ trợ nhau nếu bị tấn công. Các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ rải rác ở Hàn Quốc và có gần 30.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại quốc gia này. Trại Humphreys của Quân đội Mỹ là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, là nơi sinh sống và làm việc của hơn 41.000 quân nhân, công nhân dân sự, nhà thầu và thân nhân của họ.

"Bộ trưởng Lloy Austin và Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục theo dõi tình hình đang diễn biến tại Hàn Quốc. Mỹ đang liên lạc chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc để tìm hiểu thêm và đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Trước hết, cam kết của chúng tôi đối với liên minh và việc bảo vệ Hàn Quốc là tuyệt đối. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Hàn Quốc và xem mọi việc diễn biến như thế nào. Tôi sẽ không nói thêm về vấn đề đó. Chắc chắn những tiến bộ đã đạt được trong mối quan hệ ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là rất quan trọng và sẽ tiếp tục là điều quan trọng đối với chúng tôi".

Thiếu tướng Patrick Ryder - Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ

Hàn Quốc là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Á. Cùng với Nhật Bản và Philippines, những nước cũng có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, Hàn Quốc là một phần của bộ ba đối tác khu vực đã giúp củng cố sức mạnh của Mỹ ở cả châu Á và Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ. Các nhà phân tích cho rằng sự hỗn loạn này ở Hàn Quốc có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ này.

“Sự bất ổn ở Seoul do cuộc khủng hoảng chính trị mà Tổng thống Yoon gây ra với tuyên bố thiết quân luật có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của chính quyền Biden trong việc củng cố cấu trúc liên minh tại Đông Bắc Á”.

Giáo sư Celeste Arrington - Đại học George Washington

Giáo sư Celeste Arrington của Đại học George Washington cũng cho rằng, Tổng thống Yoon là một chính trị gia thiếu kinh nghiệm. Theo bà, tuyên bố thiết quân luật rõ ràng là không phù hợp với hiến pháp Hàn Quốc.

"Theo Hiến pháp, bạn chỉ có thể tuyên bố thiết quân luật trong những trường hợp khẩn cấp quốc gia cực kỳ nghiêm trọng, hoặc như thời chiến, hoặc sự cố, hoặc đòi hỏi về quân sự. Vì vậy, đây rõ ràng không phải là bối cảnh phù hợp với những tiêu chí đó".

Giáo sư Celeste Arrington - Đại học George Washington

Vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về việc điều gì xảy ra với tổng thống và các nhà lãnh đạo cấp cao khác. Theo văn phòng tổng thống, Chánh văn phòng của Tổng thống Yoon Suk Yeol và hơn 10 thư ký cấp cao của tổng thống đã nộp đơn từ chức. Đảng đối lập chính cho biết, họ sẽ bắt đầu thủ tục luận tội nếu ông Yoon Suk Yeol không từ chức ngay lập tức, họ khẳng định hành động của ông là vi hiến. Người đứng đầu chính đảng của ông Yeol cũng đã kêu gọi bãi nhiệm bộ trưởng quốc phòng vì đã đề xuất thiết quân luật.

“Ngay cả khi thiết quân luật được dỡ bỏ, ông ấy cũng không thể tránh khỏi cáo buộc phản quốc. Rõ ràng là Tổng thống Yeol không còn có thể điều hành đất nước một cách bình thường nữa. Ông ta nên từ chức. Từ chức ngay lập tức. Đây là yêu cầu của người dân”.

Ông Park Chan-Dae, Lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc

Nghiệp đoàn lớn nhất Hàn Quốc cũng cho biết vào thứ Tư rằng, các thành viên của họ sẽ tiến hành tổng đình công vô thời hạn cho đến khi ông Yoon Suk Yeol từ chức.

Thiết quân luật là điều chưa từng có trong kỷ nguyên hiện đại, khi Hàn Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu lớn và một cường quốc văn hóa, một phần là nhờ vào sự phổ biến rộng rãi trên toàn cầu của âm nhạc K-pop và phim truyền hình. Và giờ đây, biến động này trước hết sẽ tác động đến kinh tế. Cổ phiếu Hàn Quốc và đồng tiền của quốc gia này đã bị xáo trộn vào sáng thứ Tư sau một đêm căng thẳng. Các ngân hàng lớn bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với chỉ số theo dõi lĩnh vực tài chính giảm 5 phần trăm, phản ánh tình trạng bất ổn kinh tế nói chung. Về lâu dài, các nhà phân tích lo ngại tình hình bất ổn ở Hàn Quốc sẽ có thể gia tăng trong những ngày tới nếu cuộc đấu đá lợi ích của các đảng phái vẫn còn tiếp diễn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 4/12, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc, ông Lee Jae Myung cho rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol có nguy cơ cao kích động Triều Tiên dẫn đến xung đột quân sự và có khả năng lớn sẽ tái áp đặt thiết quân luật.

Ủy ban Bầu cử Namibia cho biết bà Nandi-Ndaitwah - ứng cử viên của đảng Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi cầm quyền, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 27/1, trở thành tổng thống mới của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 4/12 tuyên bố các nước phương Tây đang nỗ lực tối đa hóa việc cung cấp vũ khí cho Kiev trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm bảo đảm rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ kéo dài sang năm 2025.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 4/12, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã công bố khoản đầu tư trị giá 1 tỷ bảng Anh giữa Anh và Qatar trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các tàu chiến và máy bay chiến đấu của nước này được trang bị tên lửa hành trình siêu vượt âm thế hệ mới đã tiến hành tập trận ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Mark Rutte cho biết, các thành viên của liên minh đã nhất trí cần ưu tiên cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine để hỗ trợ nước này bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình.