Hàng loạt đảng cầm quyền thất bại trong bầu cử nghị viện

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu gây sốc khi một loạt đảng cầm quyền ở các quốc gia chủ chốt của EU gặp thất bại chưa từng có, nhất là ở những quốc gia được phân bổ số ghế lớn như Pháp, Đức.

Cú sốc đối với các đảng cầm quyền ở châu Âu

Kết quả bỏ phiếu ở Pháp là "cơn địa chấn" lớn nhất trong đêm bầu cử ở châu Âu. Đảng Phục hưng cầm quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thất bại nặng nề trước Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen.

Tổng thống Emmanuel Macron thông báo quyết định giải tán Quốc hội Pháp ngày 9/6. Ảnh: SIPA.

Đảng Tập hợp Quốc gia được thúc đẩy bởi tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư của bà Le Pen, được dự đoán sẽ giành được phần lớn trong số 81 ghế của Pháp tại Nghị viện châu Âu, nhiều gấp đôi so với Đảng Phục hưng ôn hòa của Tổng thống Macron, củng cố uy tín của bà Le Pen với tư cách là ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027.

Ngay sau thất bại tại cuộc bầu cử, Tổng thống Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử lập pháp sớm vào cuối tháng 6, trong nỗ lực chặn đà trỗi dậy của phe cực hữu trên chính trường.

Các đảng cực hữu đang trỗi dậy ở mọi nơi tại châu lục. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này. Tôi quyết định sẽ trao cho người dân quyền lựa chọn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Giới quan sát cho rằng, quyết định bầu cử sớm của ông Macron có thể là một canh bạc rủi ro. Trong trường hợp chiến thắng, bước đi của Tổng thống Macron sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho đời sống chính trị tại Pháp. Ngược lại, nếu các cử tri tiếp tục bỏ phiếu phản đối chính phủ, thời gian còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ càng trở nên phức tạp hơn trước.

Đảng của ông Macron, vốn đã không còn chiếm đa số sau cuộc bầu cử năm 2022, có thể sẽ tiếp tục chứng kiến thất bại trong khi Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu có thể gia tăng ảnh hưởng. Khi đó, Tổng thống Macron sẽ phải “chung sống” và chia sẻ quyền lực với Đảng Tập hợp Quốc gia. Nếu Đảng Tập hợp Quốc gia giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, ông Macron sẽ vẫn là tổng thống trong ba năm nữa và tiếp tục phụ trách quốc phòng và chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ông sẽ mất quyền thiết lập chương trình nghị sự trong nước, từ chính sách kinh tế đến an ninh và nhập cư.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, một Tổng thống Pháp tuyên bố tổ chức bầu cử Quốc hội sớm. Quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống Macron ngay lập tức đã khiến đồng Euro giảm giá, đồng thời ảnh hưởng đến cổ phiếu và trái phiếu chính phủ của Pháp.

Tại Đức, lãnh đạo của quốc gia giàu có và quyền lực nhất EU cũng bị giáng một đòn nặng nề khi cả ba đảng trong liên minh Trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz đều chịu tổn thất trong khi Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã đạt được những bước tiến vững chắc trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP.

Trong đó, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz ghi nhận kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử trong các cuộc bầu cử toàn quốc. Đảng SPD chỉ giành được 13,9% tổng số phiếu bầu, xếp thứ ba sau Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Đảng Xanh, cũng là thành viên của chính phủ liên bang, đã hứng chịu cú đòn nặng nề với 11,9% phiếu bầu, giảm mạnh so với kỷ lục 20,5% phiếu bầu trong kỳ bầu cử năm 2019.

Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức AfD, vốn nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn trong những cuộc thăm dò dư luận kể từ năm ngoái, đứng thứ hai với 15,9%. Tâm lý bất mãn của cử tri đối với chính phủ liên minh hiện tại là nguyên nhân chính dẫn đến sự trỗi dậy của Đảng cực hữu AfD.

Thật là sốc. Giờ thì mọi người đều biết rằng có một sự dịch chuyển sang cánh hữu, tôi nghĩ rằng không phải ai cũng sẽ bỏ phiếu cho họ. Nhưng thật đáng sợ khi thấy có bao nhiêu người đã bỏ phiếu cho các đảng này, trên toàn châu Âu, không chỉ ở Đức.

Anh Lorenz Fink - Người dân Đức.

Các Đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) giành 30,2% tổng số phiếu bầu, được coi là thành công so với cuộc bầu cử liên bang năm 2021.

Tại Hà Lan, Đảng Vì tự do (PVV) theo đường lối bảo thủ giành được vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu nhờ 17% số phiếu. Tại Bỉ, Thủ tướng Alexander De Croo đã tuyên bố từ chức sau khi Đảng VLD của ông chỉ giành được 5,8% phiếu bầu, trong khi Đảng cánh hữu Vlaams Belang và Đảng N-VA theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia lần lượt giành được hơn 14,8% và 14,2% tổng số phiếu.

Cuộc bầu cử định hình tương lai liên minh châu Âu

Kết quả bầu cử cho thấy liên minh trung hữu – liên minh truyền thống giữa Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP), Đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) và nhóm Phục hưng châu Âu vẫn chiếm đa số tại Nghị viện châu Âu, với khoảng 56% số ghế.

Tuy nhiên, phe cực hữu của châu Âu (tức là những nhóm người theo xu hướng yêu nước cực đoan, bài ngoại, phân tầng xã hội cực đoan hay tôn giáo cực đoan) được cho là đã rất thành công trong cuộc bầu cử này, nhất là ở những quốc gia được phân bổ số ghế lớn như Pháp, Đức. Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển sang phe cực hữu đang mạnh lên tại châu Âu và có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh chính trị châu Âu trong ít nhất 5 năm tới.

Theo kết quả được công bố, liên minh trung hữu giành được 403 ghế trong tổng số 720 ghế tại Nghị viện châu Âu. Trong đó, Đảng Nhân dân châu Âu EPP giành được 186 ghế. Tiếp theo, liên minh Xã hội và Dân chủ theo đường lối trung tả về thứ hai với 133 ghế. Đảng Phục hưng châu Âu theo đường lối trung dung vẫn tiếp tục là lực lượng chính trị lớn thứ ba tại Nghị viện châu Âu, dù chỉ giành được 82 ghế so với 102 ghế hiện tại.

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu tính đến trưa ngày 10/6. Ảnh: Europarl.

Các nhóm cực hữu ECR (Bảo thủ và Cải cách) và ID (Bản sắc và Dân chủ) lần lượt giành 70 và 60 ghế.

Các đảng chiếm đa số tại Nghị viện châu Âu đã hợp tác trong nhiều năm, xây dựng một liên minh để ngăn chặn phe cực đoan xâm nhập vào dòng chính trị chính thống. Mặc dù tỷ lệ ghế của liên minh hiện đã thu hẹp lại so với năm 2019, nhưng các nhóm này vẫn có thể tiếp tục hợp tác để đảm bảo bộ máy lập pháp EU hoạt động trơn tru trong nhiệm kỳ sắp tới.

Tuy nhiên, các đảng cực hữu mặc dù không giành số ghế cao nhất tại Nghị viện châu Âu, nhưng lại giành số phiếu cao nhất ở Pháp, Đức, Italia, Áo. Những thành quả đáng kể của các đảng cánh hữu này đã phản ánh sự bất mãn của cử tri châu Âu đối với tác động kinh tế của việc nhập cư và quá trình chuyển đổi xanh, cùng với những lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang, bao gồm cả xung đột Nga - Ukraine.

Xu hướng nghiêng về cực hữu này có thể gây khó cho nỗ lực thông qua những dự luật mới của các nước châu Âu để ứng phó với các thách thức an ninh, nhập cư bất hợp pháp hoặc cạnh tranh công nghiệp với Trung Quốc và Mỹ.

Với sự thụt lùi đáng kể của phe cánh tả và Đảng Xanh, nhiều khả năng trong thời gian tới, Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ vấp phải sự tranh luận kịch liệt khi phe cực hữu và dân túy vẫn luôn bất mãn với thỏa thuận này. Thêm vào đó, với việc cánh hữu dành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lần này, vấn đề di cư ở châu Âu sẽ diễn biến theo hướng khắc nghiệt hơn.

Tương lai không chắc chắc đối với bà Ursula von der Leyen

Nghị viện châu Âu sẽ bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới vào cuối tháng 7. Bà Ursula von der Leyen, người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu tự tin tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Bà von der Leyen, 65 tuổi, đã giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu từ tháng 12/2019. Cho đến nay, nhiệm kỳ của bà chủ yếu được định hình bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Bà cũng đã thúc đẩy thiết lập một chương trình tái thiết khổng lồ cho nền kinh tế châu Âu.

Với vai trò là ứng cử viên Đảng EPP chiếm đa số trong Nghị viện, bà von der Leyen có nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai nếu được lãnh đạo các nước thành viên EU và các đại biểu trong nghị viện nhiệm kỳ mới ủng hộ. Tuy nhiên, với thất bại của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử Nghị viện vừa qua, việc đề cử bà von der Leyen có thể sẽ gặp khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu đương nhiệm, bà Ursula von der Leyen, đang chuẩn bị cho cơ hội nắm giữ thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa sau khi Đảng EPP của bà giành chiến thắng và có thêm 8 ghế tại cơ quan lập pháp châu Âu.

Tuy nhiên, cơ hội tái đắc cử của bà trở nên khó đoán định, không chỉ bởi tính toán của nghị viện mới mà còn bởi quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội sớm ở Pháp. Các chuyên gia cho rằng, một Tổng thống Pháp suy yếu và một Thủ tướng Đức đang gặp khó khăn có thể gây khó khăn cho việc đề cử bà tiếp tục giữ chức vụ.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ tập trung tại Brussels để chính thức đề cử một ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo Ủy ban châu Âu vào ngày 28/6, chỉ vài ngày trước khi cử tri Pháp bầu Quốc hội mới. Với việc bà von der Leyen không được ưa chuộng nhiều ở Pháp (ngay cả các Nghị sĩ EPP của Pháp cũng phản đối tái đề cử bà), việc đề cử bà vào thời điểm hai ngày trước cuộc bỏ phiếu có thể càng ảnh hưởng tới tình cảm của cử tri đối với Tổng thống Macron.

Nếu vượt qua được rào cản đó và được các nhà lãnh đạo EU đề cử, bà Von der Leyen sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Nghị viện châu Âu và cần nhận được sự ủng hộ của đa số, tương đương với ít nhất 361/720 phiếu ủng hộ.

Với thành tích chung của EPP, không có gì ngạc nhiên khi bà von der Leyen đang trong tâm trạng ăn mừng. Nhưng tất nhiên, tôi nghĩ rằng liệu bà ấy có dễ dàng giành được nhiệm kỳ thứ hai hay không vẫn còn phải chờ xem vì mặc dù hợp tác với những người dân chủ xã hội và tự do, bà ấy có đa số. Nhưng đó là đa số mong manh. Có nghĩa là khoảng 10% khả năng rút lui chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu và sẽ khiến bà ấy kém an toàn.

Bà Corina Stratulat - Phó Giám đốc Trung tâm chính sách châu Âu.

Hôm 10/6, bà Ursula von der Leyen cho biết sẽ hợp tác với những nhóm theo chủ nghĩa dân chủ xã hội và tự do ở Brussels, Bỉ để thành lập đa số sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Đây là những “nhóm chính trị rộng lớn” mà bà đã từng hợp tác trong quá khứ theo cách gọi của bà von der Layen.

Các nước châu Âu EU hiện đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có như lạm phát, suy thoái kinh tế, mở rộng khối, vấn đề nhập cư hay xung đột địa chính trị. Hiện nay EU không còn là một EU có vị thế địa chính trị trên trường quốc tế nữa, thay vào đó là một khối cô lập hơn. Cuộc bầu cử nghị viện cũng cho thấy những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong nội bộ EU. Thực tế này sẽ khiến các nước thành viên gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết các thách thức đang ngày càng gia tăng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghzi đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran trong bối cảnh diễn biến quốc tế bị chi phối bởi việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.