Hàng loạt di tích lịch sử ở Dải Gaza bị tàn phá

Một năm đã trôi qua kể từ khi vòng xung đột mới giữa Palestine và Israel bắt đầu nhưng cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ lắng xuống. Cuộc xung đột không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, làm hàng triệu người phải đi lánh nạn mà còn phá hủy hoàn toàn một loạt di tích lịch sử văn hóa của vùng đất này.

Vào ngày 7/10/2023, phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas) công bố chiến dịch quân sự "Cơn lũ al-Aqsa” chống lại Israel, bắn một số lượng lớn tên lửa vào Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu ngay lập tức tuyên bố rằng Israel đã bước vào "tình trạng chiến tranh". Kể từ khi Israel bắt đầu tấn công Dải Gaza, vô số di tích lịch sử văn hóa của người Palestine đã bị hư hại nghiêm trọng hoặc phá hủy. 

Di tích lịch sử văn hóa là một phần thiết yếu tạo nên bản sắc của một quốc gia và mang ý nghĩa biểu tượng to lớn, tuy nhiên, cuộc xung đột Israel - Hamas cho thấy sự tàn phá không thương tiếc những di tích lịch văn hóa phong phú của Gaza.

Nhà thờ Hồi giáo cổ Al -Omari bị tàn phá ở Gaza ngày 08/12/2023; Nguồn: Reuters

Nhà thờ Hồi giáo Al - Omari được xây dựng từ hơn 1.400 năm trước, với diện tích khoảng 4.100 m2, là một trong những thánh đường cổ nhất, lớn nhất của người Hồi giáo ở Dải Gaza và cũng là công trình văn hóa mang tính biểu tượng của vùng đất này, đã bị phá hủy gần như toàn bộ trong các đợt không kích của Israel. Các hình ảnh đăng tải về nhà thờ này hôm 8/12/2023 khi xảy ra vụ tấn công cho thấy, toàn bộ phần mái và tòa sảnh chính đã bị đổ sập, một số bức tường có mái vòm cũng bị phá hủy, cái còn lại nguyên vẹn duy nhất chỉ là một ngọn tháp.

Tariq Hania lớn lên ở Thành phố cổ Gaza trước khi xung đột nổ ra, anh làm hướng dẫn viên du lịch và thường đưa khách du lịch đến Nhà thờ Hồi giáo Omari. Nhìn thấy tòa nhà lịch sử này trở thành đống đổ nát, Hania có một cảm xúc khó tả trong lòng. "Trong Thế chiến thứ nhất, nó đã bị tàu hải quân Anh ném bom. Hơn một trăm năm sau, địa điểm này lại hứng chịu một thảm họa khác khi bị tàu chiến Israel cho nổ tung từ biển", Hania chia sẻ.

Tariq Hania cho biết thêm: "Mỗi lần nhìn lên và nhìn thấy những thứ này, tôi không thể kiềm chế được cảm xúc của mình, thậm chí có lúc tôi còn khóc. Một số bạn trẻ không hiểu thường tới hỏi tôi có chuyện gì vậy? Thực sự, bạn không thể tưởng tượng được điều này có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời tôi".

Nhà thờ Hồi giáo Al Omari ở Gaza không phải là tượng đài duy nhất bị phá hủy. Thống kê từ Cục Cổ vật Palestine cho thấy có hơn 280 tòa nhà ở thành phố cổ của Thành phố Gaza đã được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước, trong số đó có hàng trăm tòa nhà đã hơn 500 năm tuổi. Trong năm qua, cuộc xung đột đang diễn ra đã gây ra thiệt hại to lớn và một số tòa nhà không còn dấu vết nào về hình dáng ban đầu của chúng. Ngày nay, người ta chỉ có thể nhớ lại hình dáng của chúng qua những bức ảnh và hoài niệm về cuộc sống của họ trước đây.

Bảo tàng cung điện Qasr al - Basha ở Gaza trước và sau khi bị bom đạn tàn phá. Nguồn: AFP

Cư dân địa phương Mahmoud Alar cho biết: Không chỉ chúng tôi ở Thành phố Gaza, mà tất cả mọi người ở Dải Gaza đều đau buồn. Bởi vì tất cả các di tích lịch sử - văn hóa ở Dải Gaza như Chợ vàng, Nhà thờ Hồi giáo Al Omari, Nhà tắm hơi al-Sammara, Cung điện Pasha và các nhà thờ, tất cả đều bị phá hủy. Mọi người thường đến đây để tham quan các di tích, trong những ngày lễ trước đây, những nơi này rất đông người và nhiều sự kiện khác nhau đã được tổ chức ở đó. Ngày nay chúng ta chỉ có thể nhớ lại những cảnh đó và xem chúng từng trông như thế nào qua những bức ảnh trên điện thoại di động.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ước tính, hơn 40 di tích lịch sử-văn hóa ở Gaza bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng trong cuộc xung đột. Cung điện Qasr al-Basha xây dựng từ thế kỷ 13 ở khu phố cổ của thành phố Gaza cũng đã bị phá hủy hoàn toàn.

Thiệt hại ở lân cận Nhà thờ Porphynus ngày 12/02/2024

Haneen Al-Amassi, nhà nghiên cứu khảo cổ học và Giám đốc điều hành của Tổ chức "Eyes on Heritage" thành lập năm ngoái, cho rằng việc phá hủy các địa danh và di tích lịch sử văn hóa này là một mất mát to lớn đối với người dân Palestine - một điều rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, để bù đắp. Bà nói: “Không thể khôi phục lại những di tích này khi đối mặt với bom đạn liên tục. Tất cả các di tích lịch sử và sự linh thiêng của chúng đang trên bờ vực sụp đổ”.

Để ứng phó với mối đe dọa đối với các di sản văn hóa, UNESCO đã kêu gọi bảo vệ các di sản trong chiến tranh. Vào tháng 7, UNESCO đã thêm "Tu viện Saint Hilarion" vào danh sách các Di sản Thế giới và danh sách các di sản đang bị đe dọa. Một số người coi việc phá hủy các di sản văn hóa là diệt chủng văn hóa và Nam Phi đã đưa việc phá hủy di sản văn hóa ở Gaza vào danh sách bằng chứng về tội diệt chủng trong vụ kiện của họ chống lại Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.

Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.

Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.