Hàng ngàn tỷ đồng “chôn” vào đất
Tại huyện Quốc Oai, ba năm trước, phiên đấu giá 32 thửa đất với diện tích lên đến 3.400m2 ở xã Ngọc Mỹ, đã gây xôn xao dư luận khi có người trả tới gần 100 triệu đồng một m2. Khu đất này nằm cách trung tâm Hà Nội 30km, có mặt tiền là trục đường Bắc – Nam kéo dài đoạn qua xã Phú Mỹ, phía Bắc và Tây giáp khu dân cư thôn Phú Mỹ, phía Đông giáp trường THCS Thạch Thán.
Giá khởi điểm đưa ra chỉ ở mức 25 đến 47 triệu đồng mỗi m2 theo từng lô nhưng giá trúng lên đến 63-67 triệu đồng. Cá biệt, có khách hàng ở Hà Đông - Hà Nội trả đến 13,3 tỷ đồng cho lô đất 134m2, gấp đôi giá khởi điểm. Người này cũng trúng thêm hai lô đất khác có giá hơn 9 tỷ và 5 tỷ đồng. Một khách hàng khác có địa chỉ ở huyện Đông Hưng - Thái Bình trúng đấu giá 4 lô với tổng số tiền lên đến 17,7 tỷ đồng.
Quốc Oai là địa phương tổ chức nhiều cuộc đấu giá nhất năm 2021, thu về cho ngân sách huyện này hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, những lô đất này vẫn không có nhà ở, bỏ hoang để cỏ dại mọc. Xung quanh là những lán trại quây tôn tạm bợ làm nơi giao dịch, môi giới bất động sản của giới đầu cơ.
“Đấu giá xong thì sốt đất khoảng 1-2 tháng, sau đó thị trường trầm lắng. Có người không bán được, phải cắt lỗ. Nhưng giờ thì giá lại tăng, trung bình khoảng 60 - 65 triệu một m2”
Người đầu cơ đất
Ở huyện Hoài Đức, nhiều hộ dân trúng đấu giá khu Mả Trâu từ cuối 2023 nhưng vẫn chưa thể triển khai xây dựng bởi khu đất này chưa có hạ tầng điện nước. Thậm chí còn tồn tại nhiều mồ mả xen lẫn.
Anh Nguyễn Văn Nguyên, chủ đất khu đấu giá Mả Trâu, xã Đông La, huyện Hoài Đức, cho biết: ''Tất cả là khu đô thị nhưng mồ mả rất gần nhà dân, dân hơi ái ngại và hơn nữa là điện nước chưa có, muốn ra cũng không biết lấy gì để phục vụ cuộc sống hàng ngày''.
Những vụ đấu giá đất với số tiền trúng thầu cao bất thường thời gian gần đây khiến cho giá đất của nhiều khu vực lân cận cũng theo đó được thổi lên như tại khu tái định cư vành đai 4 thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức.
“Từ tháng 2, giá đất khu đấu giá khoảng 70 triệu, nhưng đến thời điểm này lên tới 100 triệu đồng một m2. Có chỗ X1 bán cho các nhà đầu cơ lên đến 115 triệu đồng, đấy là từ đầu 2024 đến giờ''
Ông Nguyễn Bá Danh, xã Đông La
Ông Nguyễn Xuân Bộ, trưởng xóm 2, thôn La Tinh, xã Đông La thông tin trước đây giá đất khu vực này chỉ 50-60 triệu đồng, giờ lên đến hơn trăm triệu đồng sau khi hai huyện Thanh Oai với Hoài Đức tổ chức đấu giá đất.
“Đất ở đây giao dịch ngầm lên đến trăm triệu nhưng thực ra với mặt bằng chung chưa đến mức độ như thế. Đây là do đẩy kích sóng bất động sản'', ông Bộ nói và cho hay với mức giá này thì người dân trong xã muốn mua nhà cho con cái ở gần cũng không có điều kiện.
Tại huyện Thanh Oai, khu đất đấu giá Rặng Sắn, xã Cao Dương nằm sát khu dân cư đông đúc nhưng 104 thửa đất đã đấu giá từ năm 2021 chưa hề có hộ dân nào xây nhà để ở.
Khu vực này được đầu tư hạ tầng đồng bộ, vỉa hè lát gạch, đường đổ bê tông, nhưng đang trở thành nơi đổ hàng trăm, hàng nghìn m3 bùn đất thải. Hàng nghìn tỷ đồng đã bị chôn vùi vào đất trong thời gian dài.
Quận Hà Đông là nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh và nhu cầu và nhà ở cao song vẫn diễn ra tình trạng đất đấu giá rồi bỏ hoang. Tại khu đất đấu giá Hạ Khâu giai đoạn 1 ở phường Phú Lương có khoảng 200 lô đất đã được đấu giá thành công vào các năm 2020 và 2021, tuy nhiên đến nay chỉ chưa đến 10 hộ xây nhà để ở.
Anh Lê Quang Trung, phường Phú Lương, quận Hà Đông cho hay mua đất cách đây hai năm nhưng vì khu vực này hoang vắng nên vẫn lấn cấn chuyện xây nhà để ở. ''Đất để hoang, vắng vẻ nên không dám xây dựng nhà vì lo lắng mất an ninh trật tự'', anh Trung nói.
Người dân cho biết quanh khu vực này, hàng trăm lô đất đã đấu giá từ năm 2018, nhưng số hộ xây nhà ở thực chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn lại một số làm kho bãi, khiến hạ tầng xuống cấp.
Trong khi hàng trăm lô đất trúng đấu giá rồi bị bỏ hoang nhiều năm, giá đất tiếp tục bị đẩy lên tới hơn 100 triệu đồng một m2 tại hai cuộc đấu giá ở Thanh Oai và Hoài Đức hồi giữa tháng 8. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đang phối hợp cơ quan công an điều tra, xác minh dấu hiệu “kích sóng” đất nền, tạo sốt ảo ở ngoại thành Hà Nội sau hai cuộc đấu giá trên.
Trao đổi với Đài Hà Nội, nhiều nhà quản lý và chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ quan điểm “nhà để ở, không phải để đầu cơ”. Nhà đất trước hết phải phục vụ nhu cầu ở của người dân, nếu chỉ trở thành tài sản tích lũy phục vụ nhu cầu sinh lời sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội.
Thực hiện: Đinh Dũng
Đồ họa: Thanh Nga
Ngày 23/11, chỉ có 10/23 lô đất ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai được đấu giá thành công. Trải qua 10 vòng đấu, thửa được trả giá cao nhất là 75,3 triệu đồng/m², thấp nhất 55,3 triệu đồng/m².
Chiều 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội” với 421/423 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,89% tổng số đại biểu Quốc hội.
Từ năm 2001, Trung Quốc đã thiết lập quy định quản lý nhà cho thuê với giá thấp và chính thức áp dụng trên toàn quốc từ 01/3/2004. Chính sách nhà ở minh bạch trong phân phối tiền bao cấp cho các gia đình có thu nhập thấp với sự kiểm soát của nhà nước đã được thực hiện khá hiệu quả.
Ngày 23/11, huyện Thanh Oai tiếp tục phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia, tổ chức đấu giá 23 lô đất tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.
Cụ thể hóa Luật Kinh doanh bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp dành cho các cá nhân, tổ chức.
Để phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia cũng kiến nghị cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 6% thay vì 10% như hiện nay cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và giảm lãi suất cho người mua nhà.
0